Sửa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công:

Tập trung vào các vấn đề quan trọng, có tác động “tức thì”  

Gia Hân

Để tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC), hướng tới mục tiêu giải phóng nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ về dự án 1 luật sửa 7 luật. Trong đó, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung quan trọng của Luật Quản lý, sử dụng TSC, nhất là các vấn đề mang tính cấp bách nhất và tác động “tức thì” đến việc đạt các mục tiêu trên.

Sửa luật để khơi thông nguồn lực tài sản công, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội
Sửa luật để khơi thông nguồn lực tài sản công, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội

Yêu cầu về quản lý, sử dựng TSC đã có sự thay đổi

Luật Quản lý, sử dụng TSC được Quốc hội khoá XIV thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Qua hơn 06 năm thực hiện, Luật Quản lý, sử dụng TSC và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng TSC, góp phần thực hiện mục tiêu quản lý, sử dụng TSC tiết kiệm, hiệu quả, phòng, chống thất thoát, lãng phí TSC.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, do sự biến động nhanh, khó lường của kinh tế - chính trị thế giới tác động đến nền kinh tế Việt Nam, nên yêu cầu về việc quản lý, sử dụng TSC cũng có sự thay đổi, dẫn đến một số quy định tại Luật Quản lý, sử dụng TSC đã bộc lộ những điểm không còn phù hợp.

Đơn cử như, Luật hiện hành quy định “cứng” thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh. Quy định này đã hạn chế tính chủ động của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cấp dưới trong việc khai thác TSC tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng TSC và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, các bộ, cơ quan trung ương, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành quy định phân cấp, thẩm quyền trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý TSC. Việc phân cấp thẩm quyền được các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện theo nhiều tiêu chí khác nhau và phân cấp cho nhiều đối tượng khác nhau. Nhưng, việc phân cấp này hiện chưa bảo đảm thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương do theo quy định của Luật này thì HĐND cấp tỉnh chỉ phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới.

Một số bất cập khác có thể kể đến như một số hình thức xử lý TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân cần được điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với thực tiễn xử lý tài sản, nhằm bảo đảm việc xử lý tài sản được tiết kiệm, hiệu quả; quy trình xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân chưa phù hợp với thực tiễn phân cấp thẩm quyền quyết định xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Hay quy định về khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hiện còn chưa hợp lý, làm phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết đối với một số trường hợp tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ mục đích công cộng không phát sinh nguồn thu từ khai thác tài sản (do vẫn phải lập Đề án khai thác tài sản) và hạn chế các đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng tự khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được giao để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng, khai thác tài sản.

Một số quy định về tính khấu hao, hao mòn TSC chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được thực tiễn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được giao quản lý TSC trong quá trình quản lý, sử dụng, khai thác tài sản...

Bảo đảm khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực TSC cho phát triển kinh tế - xã hội

Từ những vướng mắc trong thực tiễn, tại tờ trình Chính phủ về dự án 1 luật sửa 7 luật, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi những nội dung quan trọng, cấp bách để giải quyết những bất cập đã được xác định rõ.

Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng TSC. Cụ thể, sửa quy định bảo dưỡng, sửa chữa TSC, giao trách nhiệm ban hành định mức chi bảo dưỡng, sửa chữa TSC cho thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng TSC gắn với việc xác định cụ thể căn cứ ban hành định mức, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát.

Cùng với đó, dự thảo Luật cũng sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân từ cơ chế Chính phủ, Bộ, cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh “phân cấp” thẩm quyền sang cơ chế phân quyền cho Chính phủ, Bộ, cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh “quy định” thẩm quyền trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý TSC.

Theo đó, thay thế cụm từ “phân cấp”, “quyết định hoặc phân cấp” thành “quy định” theo hướng phân quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý (đối với tài sản chưa được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức), trừ tài sản là vật tiêu hao không phải ban hành tiêu chuẩn, định mức. Đồng thời, sửa đổi quy định về phương thức đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng trực tiếp tổ chức khai thác tài sản theo hướng bỏ điều kiện về các trường hợp áp dụng phương thức này.

Ngoài ra, về việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng TSC với các văn bản quy phạm pháp luật, tại dự thảo Luật, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định các nội dung khác về quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên được thực hiện theo quy định của pháp Luật về đất đai, tài nguyên và pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất giữa các pháp luật.

Đồng thời, bổ sung quy định việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai; việc quản lý, sử dụng TSC tại doanh nghiệp được thực hiện theo các quy định có liên quan, không phải thực hiện sắp xếp lại theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, các nội dung đề xuất sửa đổi đảm bảo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Quản lý, sử dụng TSC thời gian qua. Đặc biệt là tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng TSC và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ TSC cho phát triển kinh tế - xã hội.