Tây Ninh: Đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt

Theo Trúc Ly/Báo Tây Ninh

Trong 6 tháng cuối năm, sẽ đẩy mạnh các hoạt động bán hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn phục vụ nhu cầu của người dân, hạn chế tập trung đông người tại các chợ, siêu thị góp phần thực hiện quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19...

Hàng Việt tại nông thôn trên địa bàn huyện Dương Minh Châu. Ảnh minh hoạ
Hàng Việt tại nông thôn trên địa bàn huyện Dương Minh Châu. Ảnh minh hoạ

Trong 6 tháng đầu năm 2021, các ngành thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã phối hợp ngành chức năng thanh tra, kiểm tra 90 cơ sở sản xuất kinh doanh, buôn bán, cơ sở giết mổ, lấy 71 mẫu kiểm nghiệm chất lượng; kiểm tra 100 hộ dân sản xuất về việc chấp hành các quy định sản xuất theo hướng Gap, VietGap và quy định về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên cây trái và rau xanh. Kết quả kiểm tra, giám sát đã góp phần xử lý, chấn chỉnh những vi phạm và tuyên truyền để người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.

Đến nay, toàn tỉnh có 107 chợ đang hoạt động (bao gồm cả chợ chỉ bán một buổi sáng, chiều, chợ tạm, chợ tự phát), 11 siêu thị và 1 trung tâm thương mại; có 100 cửa hàng cung ứng thực phẩm nông sản an toàn, trong đó, có 97 cửa hàng cung ứng thịt heo, 3 công ty cung ứng nông sản, thủy sản và dưa lê, dưa lưới; có 1 sàn nông sản điện tử (https://sannongsan.tayninh.gov.vn).

Hầu hết các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng hiện có đều phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu hàng hoá của nhân dân địa phương . Trong 6 tháng đầu năm nay, đã khởi công xây dựng mới một chợ là chợ Tân Thành (huyện Tân Châu) với tổng nguồn vốn đầu tư 7,247 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách huyện 3 tỷ đồng, vốn các tiểu thương 4,247 tỷ đồng).

Trong hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, vùng biên giới, các khu cụm công nghiệp, siêu thị Co.opMart Tây Ninh, Tràng Bàng, Tân Biên, Gò Dầu, Châu Thành và Dương Minh Châu đã thực hiện 25 chuyến bán hàng lưu động với tổng doanh thu hơn 115 triệu đồng. Riêng Công ty TNHH Xuất nhập khẩu - Thương mại - Công nghệ - Dịch vụ Hùng Duy thực hiện 25 chuyến/ngày với tổng doanh thu 2,02 tỷ đồng/ngày.

Ngoài ra, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tổ chức 9 chương trình đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng như: “Tết sum vầy”, “Tết yêu thương”, “Tháng công nhân”, “Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm”; điểm bán hàng Việt ưu đãi với khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, xã biên giới cho người lao động tham gia mua sắm.

Thực hiện kế hoạch bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh (từ ngày 1/7/2020 đến 31/3/2021), có 16 doanh nghiệp đăng ký tham gia với 8 mặt hàng thiết yếu gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gà, thịt heo, trứng gà; rau, củ, quả; nước chấm với tổng nguồn vốn dự trữ hàng hóa gần 448,4 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp đã thực hiện đúng kế hoạch được phê duyệt, hàng hóa bảo đảm chất lượng, niêm yết và bán theo giá niêm yết, giá bán được giảm từ 5% đến 10% so với giá thị trường (giá do Sở Tài chính công bố từng thời điểm), đáp ứng đủ lượng hàng hóa cho nhu cầu thị trường. Tổng doanh thu bán hàng bình ổn của các doanh nghiệp đạt khoảng 313,7 tỷ đồng, so với kế hoạch tăng 73,87%.

Hạn chế trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian qua là do chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng trong tỉnh.

Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhất là các mặt hàng sản xuất trong tỉnh còn hạn chế về mẫu mã, chủng loại; giá thành còn cao, chưa đến được với người tiêu dùng tại các vùng nông thôn, biên giới. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc liên kết, tổ chức các hoạt động mua sắm tập trung đông người, đưa hàng Việt về nông thôn bị hạn chế.

Trong 6 tháng cuối năm, các ngành thành viên Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán tích cực hưởng ứng Cuộc vận động, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh các hoạt động bán hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn phục vụ nhu cầu của người dân, hạn chế tập trung đông người tại các chợ, siêu thị góp phần thực hiện quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối, đưa các mặt hàng lên sàn thương mại điện tử.

Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; phối hợp tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.