Thách thức khi xây dựng và vận hành thị trường các - bon


Việc xây dựng và thiết lập thị trường các-bon là yêu cầu cấp thiết nhằm giảm nhẹ khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay, phát triển thị trường này đối mặt với không ít thách thức.

Hiện nay có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá các-bon, với tổng lượng khí nhà kính được kiểm soát 12 tỷ tấn CO2 tương đương, chiếm 22,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Đây là hướng đi tiềm năng bởi chỉ tính riêng năm 2019, nguồn thu từ định giá các-bon toàn cầu lên đến 45 tỷ USD.

Tại Việt Nam, ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ các-bon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ và có thể thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm. Đó là những con số rất ấn tượng hứa hẹn là nguồn tài nguyên mới. Đặc biệt, theo các chuyên gia, phía sau những trị số đó nếu chúng ta biết khai thác hiệu quả sẽ có nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, đồng thời, góp phần không nhỏ bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam.

Với việc xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước, Việt Nam sẽ nắm bắt được những cơ hội trong việc giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường carbon trên thế giới và trong khu vực cũng như tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, thị trường carbon còn là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, để có thể bán được tín chỉ các-bon, các bên cung ứng phải tuân thủ theo các tiêu chí chuẩn của thị trường tự nguyện, tùy thuộc vào loại hình, địa điểm, tiêu chí đánh giá nhưng tất cả các các tiêu chí và chuẩn mực này đều yêu cầu bằng chứng rằng dự án đã giảm phát thải, tạo tính bổ sung, có thể đo đếm và thẩm định được bởi một bên thứ ba. Do đó, chi phí để tiến hành thẩm định thường cao.

Bên canh đó, nhiều quốc gia còn thiếu các chính sách khuyến khích kinh tế phù hợp, chưa có khuyến khích cụ thể để đẩy mạnh sự tham gia của khối tư nhân vào giảm phát thải.

Trong khi giá tín chỉ các bon trên thị trường bắt buộc thường khá ổn định thì giá tín chỉ các-bon trong thị trường tự nguyện lại có mức dao động khá lớn, dao động từ 0,1 USD cho tới trên 70 USD/tCO2. Con số được tính dựa trên 1.239 giao dịch cho khoảng 16,6 MtCO2 được bán trên thị trường từ tháng 1-3/2018.

Mặc dù thị trường các-bon tự nguyện được vận hành năm 2000 có tiềm năng hấp thụ, giảm phát thải và tránh phát thải khoảng 437,1 MtCO2e, tuy nhiên điều này chưa đáp ứng được nhu cầu cần có để giảm nhiệt độ ấm lên của Trái đất xuống dưới 2 độ (11.000 MtcCO2e so với dự tính của các nhà khoa học).

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Việt Nam phát triển hướng tới một nền kinh tế carbon thấp nhưng có tốc độ phát triển vượt bậc, và sẽ cần huy động mọi nguồn lực, áp dụng các giải pháp sáng tạo, trong đó, định giá carbon (bao gồm thuế carbon và thị trường carbon) được coi là công cụ hữu hiệu và khả thi.

Hiện nay, Việt Nam đã gián tiếp đánh thuế carbon qua Thuế bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, mức thuế này chưa thực sự phản ánh bản chất của việc định giá carbon nếu tính trên đơn vị khí nhà kính khi thuế suất cho xăng dầu (32 – 76 USD/tấn CO2) cao hơn nhiều so với than (0,22 – 0,42 USD/tấn CO2 phát thải).

Ngoài ra, tham gia thị trường các-bon là cơ hội để tạo nguồn thu tài chính, tiếp nhận công nghệ hiện đại ít các-bon và chung tay với thế giới trong mục tiêu giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Muốn làm được điều này, việc xây dựng, vận hành thị trường các-bon còn là một quá trình dài, đòi hỏi đầu tư nhiều về kỹ thuật, nhân lực và tài chính. Tuy nhiên, đây vẫn sẽ là những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam nhằm đạt được các cam kết theo Hội nghị COP 26.

Bảo Trâm