Thẩm định giá: Đúng – sai cần căn cứ vào pháp luật về giá

Theo Hoàng Đàn/markettimes.vn

"Nước ta đang thực hiện cơ chế kinh tế thị trường mà giá cả hàng hóa, dịch vụ “trong lòng” của cơ chế kinh tế ấy là cơ chế giá thị trường", theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.
Ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Theo quy định của pháp luật, các thành viên của Hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến của mình khi nhận định, đánh giá, biểu quyết mức giá tài sản trong quá trình thẩm định giá

Tuy nhiên, các thẩm định viên về giá, những người “không có mặt” trong Hội đồng thẩm định, không tham gia vào “quyết định cuối cùng về giá tài sản thẩm định” mà chỉ đơn thuần “cung cấp dịch vụ tư vấn” cho Hội đồng thẩm định nhưng lại vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý như thành viên Hội đồng thẩm định!?.

Hiện vẫn đang tồn tại những quan điểm khác nhau về thẩm định giá trong cơ chế thị trường, trách nhiệm của thẩm định viên cũng như quyền hạn, trách nhiệm của thẩm định giá.  MarketTimes đã phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam xung quanh vấn đề này.

MarketTimes: Thẩm định giá là một nghề cần có kiến thức tổng hợp, áp dụng các phương pháp phù hợp. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện những quan điểm khác nhau về thẩm định giá trong cơ chế thị trường, có quan điểm thẩm định giá phải căn cứ vào chi phí của tài sản, có quan điểm lại cho rằng phải căn cứ vào thị trường… dẫn đến việc nhận định việc đúng sai trong thẩm định giá còn có ý kiến rất khác nhau. Quan điểm của Ông về vấn đề này?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Hiện nay, nước ta đang thực hiện cơ chế kinh tế thị trường mà giá cả hàng hóa, dịch vụ “trong lòng” của cơ chế kinh tế ấy là cơ chế giá thị trường.

Theo cơ chế giá thị trường thì giá của hàng hóa dịch vụ được hình thành do các nhân tố hình thành giá và các quy luật kinh tế của giá cả thị trường quyết định. Chính vì vậy đòi hỏi khi định giá hay thẩm định giá, kết quả của các mức giá xác định được đều phải tuân thủ nguyên tắc phù hợp với giá thị trường.

Đó không chỉ là yêu cầu khách quan của cơ chế mà còn là yêu cầu bắt buộc tuân thủ theo quy định của pháp luật về giá cần được tôn trọng (ở đây không bàn đến các trường hợp lợi dụng cơ chế giá thị trường, làm trái quy định của pháp luật để trục lợi phải xử lý là đương nhiên).

Gần đây có quan điểm (trong đó có cả quan điểm của các cơ quan pháp luật) cho rằng dù là cơ chế thị trường thì định giá, thẩm định giá vẫn phải căn cứ vào chi phí sản xuất, giá thành để định ra mức giá cho thị trường mua bán (đối với hàng nhập khẩu là giá vốn hàng nhập khẩu, đối với hàng sản xuất trong nước là giá vốn tính đúng, tính đủ theo phương pháp chi phí cộng tới). Vì thế quan điểm này cho rằng cái sai của một số Công ty là khi tính giá theo chi phí là 1, nhưng khi thẩm định giá lại xác định giá cao hơn giá theo chi phí gấp 2-3 lần một cách thiếu căn cứ chi phí!

MarketTimes: Vậy vấn đề này cần được hiểu như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Trước hết, tôi cho rằng khi đánh giá đúng, sai chúng ta cần khách quan theo hướng căn cứ vào quy định của pháp luật và thực tiễn thị trường trong điều kiện những loại hàng hóa Nhà nước không còn định giá. Theo quy định của Luật Giá thì nguyên tắc quản lý giá xuyên suốt là: “Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật” (Khoản 1, Điều 5, Luật Giá) và căn cứ để định giá gồm: “(i) Giá thành toàn bộ, chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm định giá, mức lợi nhuận dự kiến. (ii) Quan hệ cung – cầu hàng hóa, dịch vụ và sức mua của đồng tiền, khả năng thanh toán của người tiêu dùng. (iii) Giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm định giá” (Khoản 1 Điều 21 Luật Giá). Đối với thẩm định giá thì phải: “…xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ Luật Dân sự phù hợp với giá thị trường…”

Như vậy, theo các quy định trên thì chi phí sản xuất, giá thành của hàng hóa dịch vụ chỉ là một trong nhiều căn cứ chứ không phải là căn cứ duy nhất định ra mức giá để đưa hàng hóa ra giao dịch trên thị trường (kể cả giá do Nhà nước định theo quy định tại Luật Giá).

Nếu chỉ lấy giá theo chi phí để buộc người mua người bán thực hiện bất chấp thị trường vận động, chấp nhận giá nào thì đó lại là tư duy về giá của thời kỳ “bao cấp”, không phù hợp với tư duy về giá thị trường. Bởi vì: Khi đưa hàng hóa ra trao đổi trên thị trường thì mức giá tính theo chi phí chỉ là điểm xuất phát ban đầu của người bán, họ cần tính toán bán giá bao nhiêu thì bù đắp được chi phí và có lãi, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhưng khi “cơ hội” thị trường cho phép họ có thể bán giá cao hơn chi phí rất nhiều thì họ phải bán theo giá thị trường, không một người bán nào lại chào giá người mua là tôi chỉ bán giá theo chi phí mà không theo thị trường.

Cũng vì lẽ đó mà người mua không thể mua được giá theo chi phí; Cả người mua và người bán phải chấp nhận “mệnh lệnh” của thị trường (chứ không phải mệnh lệnh hành chính áp đặt) là giá thị trường có thể cao hơn, thấp hơn hoặc bằng giá theo chi phí được quyết định bởi các yếu tố cung cầu, cạnh tranh, vị thế của người bán, người mua và mặt bằng giá thị trường…

Chúng ta đã có một thực tế năm 2020: Giá khẩu trang y tế lúc bình thường giá 50.000 đồng/hộp, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu tăng đột biến, giá “vọt” lên 350.000 đồng/hộp, hiện nay giá lại giảm về 50.000-60.000 đồng/hộp. Cũng năm 2020: giá thành thịt lợn hơi khoảng 50.000 – 55.000 đồng/kg, giá bán ở thời điểm bình thường khoảng 60.000 – 65.000 đồng/kg, nhưng khi cung cầu mất cân đối (cung nhỏ hơn cầu) giá “vọt” lên 100.000 đồng/kg, người chăn nuôi có lãi, nhưng khoảng tháng 9, tháng 10 năm nay giá lại giảm mạnh chỉ còn khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg… Giá đó đâu phải do chi phí sản xuất quyết định? Mà đó chính là thị trường quyết định.

Định giá, thẩm định giá không xem nhẹ việc tính giá theo chi phí nếu có đủ chứng lý, tình hình số liệu nhưng không thể chỉ có chi phí mà bỏ qua thị trường. Thẩm định viên được phép lựa chọn các phương pháp thẩm định giá phù hợp với mục đích thẩm định giá, cơ sở giá trị của tài sản, mức độ sẵn có của các dữ liệu thông tin… để xác định giá của tài sản theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.

Nếu thẩm định viên không tuân thủ nguyên tắc giá trị thị trường thử hỏi: Khi thẩm định giá để khách hàng bán tài sản (trong đó có tài sản Nhà nước ) mà định giá thấp hơn thị trường thì có bị thiệt hại không? Chắc chắn là thiệt hại.

Ngược lại khi thẩm định giá để khách hàng mua sắm tài sản (trong đó có mua sắm tài sản chi từ ngân sách Nhà nước) mà định giá thấp hơn thị trường có mua được hàng không ? đặc biệt khi nhu cầu cấp bách đặt ra (thiên tai, dịch bệnh….).

Cái sai mà chúng ta cần chống ở đây chính là không xác định đúng giá trị thị trường phù hợp với các chứng cứ khách quan của thị trường của tài sản xảy ra trong các trường hợp: Xác định giá khi bán tài sản thì định giá thấp, xác định giá khi mua tài sản thì định giá cao bất hợp lý….

MarketTimes: Có ý kiến cho rằng thẩm định giá được trao quyền nhiều quá, đặc biệt là quyền được đưa ra mức giá, quan điểm của ông về ý kiến này thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Về tổng thể thì một doanh nghiệp, một tổ chức nào hoạt động trong xã hội cũng đều được pháp luật quy định có quyền và nghĩa vụ nhất định. Nếu không có quyền gắn với chức năng, nhiệm vụ thì làm sao hoạt động được.

Nhưng cũng cần lưu ý là quyền trong một giới hạn chứ không phải quyền đó là vô hạn.

Công ty thẩm định giá cũng vậy họ phải có quyền nhưng nói theo ngôn ngữ đời thường quyền đó không phải là “quyền lực” đưa ra mức giá buộc khách hàng phải chấp nhận, tuân theo mà quyền đó chỉ là quyền dùng thời gian, công sức, trí tuệ để làm thuê cho khách hàng có tài sản thuê họ thẩm định giá theo hợp đồng do hai bên ký kết (ai thuê thì làm).

Nói theo ngôn ngữ pháp luật thì đó là quyền tư vấn, tư vấn cho khách hàng về giá tài sản, mức giá đó có được chủ tài sản chấp nhận, phê duyệt hay không thuộc thẩm quyền của chủ tài sản và chủ tài sản chịu trách nhiệm về mức giá mà mình phê duyệt.

MarketTimes: Khi Hội đồng thẩm định giá Nhà nước đưa ra kết quả thẩm định lại kết quả thẩm định giá của Công ty thẩm định giá thì trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá Nhà nước như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Thoả: Hiện nay, tài sản Nhà nước phải thẩm định giá theo quy định của Luật Giá được thực hiện theo Điều 44 Luật Giá.

Để thẩm định giá những loại tài sản này, khi cần thiết, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định giá Nhà nước nhằm xử lý 2 trường hợp: Thẩm định lại kết quả thẩm định giá của Công ty thẩm định giá mà cơ quan Nhà nước thuê để thẩm định giá các tài sản Nhà nước có giá trị lớn; Khi được cơ quan Nhà nước giao trực tiếp thẩm định giá tài sản nào đó thì Hội đồng có thể thuê Công ty thẩm định giá thẩm định giá tài sản đó nhằm có thêm thông tin phục vụ cho việc thẩm định giá của Hội đồng thẩm định giá.

Như vậy, theo quy định của pháp luật về giá thì cả 2 trường hợp trên, kết quả thẩm định giá của các Công ty thẩm định giá gửi đến Hội đồng chỉ là một trong nhiều kênh thông tin tư vấn để Hội đồng xem xét theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan trong quá trình thẩm định giá.

Kết quả thẩm định giá cuối cùng để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt không thuộc về các Công ty thẩm định giá mà thuộc Hội đồng thẩm định giá Nhà nước.

Cũng chính vì vây Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 6/8/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá đã quy định: Các thành viên của Hội đồng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến của mình khi nhận định, đánh giá, biểu quyết mức giá tài sản trong quá trình thẩm định giá.

Hội đồng chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giá tài sản.

MarketTimes: Xin cảm ơn ông!