Thâm hụt thương mại Mỹ lập kỷ lục

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Việc nhập khẩu tại Mỹ tăng cao phản ánh cho việc nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ tăng mạnh, theo phân tích của chuyên gia kinh tế trưởng quỹ Amherst Pierpont - ông Stephen Stanley.

Hàng hóa xếp tại cảng Los Angeles, California, Mỹ - Ảnh: Xinhua
Hàng hóa xếp tại cảng Los Angeles, California, Mỹ - Ảnh: Xinhua

Thâm hụt thương mại Mỹ tháng 1/2022 lập kỷ lục mới trước thềm cuộc khủng hoảng Nga - Ukraina khi mà hoạt động nhập khẩu các phương tiện và năng lượng tăng vọt, cùng lúc xuất khẩu suy giảm mạnh.

Thâm hụt hàng hóa và dịch vụ Mỹ tăng 9,4% so với tháng liền trước lên 89,7 tỷ USD trong tháng 1/2022, Bộ Thương mại Mỹ công bố.

Việc nhập khẩu tại Mỹ tăng cao phản ánh cho việc nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ tăng mạnh, theo phân tích của chuyên gia kinh tế trưởng quỹ Amherst Pierpont - ông Stephen Stanley.

Ông nói thêm rằng cuộc khủng hoảng Nga - Ukraina và đồng USD mạnh lên sẽ có thể khiến cho nhập khẩu tăng cao hơn nữa trong những tháng tới.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có kế hoạch cấm nhập khẩu dầu Nga vào Mỹ. Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các nước phương Tây áp dụng với kinh tế Nga được đưa ra ở thời điểm mà lạm phát và giá khí đốt hiện vốn đã ở ngưỡng cao nhất trong nhiều năm, ngoài ra, còn thêm nhiều yếu tố gián đoạn khác nhiều khả năng sẽ đẩy giá dầu lên cao hơn nữa.

Thâm hụt thương mại Mỹ tăng cao phản ánh cho việc nhu cầu của người Mỹ với hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh khi mà các doanh nghiệp đồng loạt mua để bù vào hàng tồn kho đang thiếu hụt, tuy nhiên, nhu cầu của các nước ngoài với hàng xuất khẩu Mỹ yếu đi.

Tháng 1/2022, nhiều doanh nghiệp chật vật với tình trạng thiếu hụt người làm do quá nhiều người nhiễm COVID-19 biến chủng Omicron, giá năng lượng tăng cao ảnh hưởng đến khâu phân phối và tình trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng.

Nhập khẩu Mỹ tăng 1,2% trong tháng 1/2022, các sản phẩm phương tiện đi lại nhập khẩu tăng mạnh trong đó có bao gồm dầu thô và khí đốt, thực phẩm cũng như các thiết bị viễn thông. Xuất khẩu Mỹ trong khi đó giảm 1,7%. Xuất khẩu của nhiều loại hàng hóa tiêu dùng ví như các sản phẩm dược phẩm giảm, một phần nguyên nhân là do xuất khẩu vaccine giảm cũng như xuất khẩu dịch vụ như du lịch hay giao thông.

Thương mại của Mỹ có nhiều biến động trong những tháng gần đây. Đại dịch COVID-19 ban đầu làm cho nhiều nhà máy và doanh nghiệp đóng cửa khắp thế giới và gây gián đoạn chuỗi cung ứng, tuy nhiên thương mại quốc tế tăng vọt trong năm ngoái, thâm hụt thương mại Mỹ leo lên mức cao kỷ lục. Doanh nghiệp chật vật với tình trạng chậm trễ giao hàng, khan hiếm sản phẩm, hủy đơn hàng cũng như nhu cầu tăng mạnh.

Thương mại nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục gián đoạn trong bối cảnh xung đột căng thẳng tại Ukraina và các biện pháp trừng phạt bị áp dụng mạnh tay với kinh tế Nga.

Mỹ nhập khẩu ước tính 29,7 tỷ USD hàng hóa từ Nga trong năm 2021, Nga đứng thứ 19 trong nhóm các nước đối tác nhập khẩu của Mỹ, theo Cục Thống kê Quốc gia. Các sản phẩm năng lượng chiếm khoảng 60% giá trị hàng hóa nhập khẩu, sau đó đến kim loại quý, sắt, thép, hải sản và thuốc trừ sâu.

Tính theo giá trị đồng USD, trong năm 2021, Nga là nước cung cấp palladium lớn thứ 2 vào Mỹ, Mỹ nhập khẩu ước tính 1,7 tỷ USD palladium từ Nga, thấp hơn giá trị nhập khẩu 1,9 tỷ USD từ Nam Phi.