Xung đột Nga-Ukraine có thể khiến kinh tế toàn cầu mất 1.000 tỷ USD giá trị GDP
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia của Vương quốc Anh, cuộc xung đột ở Ukraine có thể 'quét' đi 1 nghìn tỷ USD GDP thế giới và thêm 3% vào lạm phát toàn cầu trong năm 2022.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia của Vương quốc Anh (NIESR) cho biết, các vấn đề về nguồn cung sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; đồng thời đẩy giá thành của nhiều nguyên vật liệu lên cao, gia tăng rủi ro lạm phát.
Đặc biệt, mối quan hệ của EU với Nga và Ukraine, vốn tập trung vào nguồn cung cấp hàng hóa và năng lượng, sẽ khiến châu Âu bị tổn thương nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác.
Xung đột cũng sẽ buộc các chính phủ châu Âu phải vay nhiều hơn để chi trả cho dòng người di cư cũng như củng cố năng lực quốc phòng của họ, NIESR nói thêm.
Jagjit Chadha, Giám đốc NIESR cho biết: "Xung đột ở Ukraine gây thêm căng thẳng kinh tế cho một hệ thống đã bị tổn thương bởi COVID kéo dài. Nhiều chuỗi cung ứng sẽ bị phá vỡ, trong khi các chính sách tài khóa và tiền tệ cũng đang bị kiểm soát gắt gao".
Ông Chadha lưu ý rằng, Nga có thể tránh được suy thoái vì ảnh hưởng kinh tế từ các lệnh trừng phạt sẽ "được bù đắp một phần bởi giá khí đốt và xuất khẩu dầu cao hơn".
Tuy nhiên, GDP của Nga sẽ thấp hơn 2,6% so với dự báo trước đó vào cuối năm 2023; đồng thời sự sụt giảm của đồng rúp cũng khiến lạm phát tăng lên tới 20%.
Theo các nhà nghiên cứu, khu vực đồng euro và Vương quốc Anh đều sẽ kết thúc năm 2023 với mức GDP thấp hơn khoảng 1,5% so với các dự đoán trước đó.
NIESR cảnh báo khi tốc độ tăng trưởng chậm lại, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ ngày càng gia tăng. Lạm phát của Anh sẽ ở mức trung bình 7% trong năm nay và có thể giảm xuống 4,4% vào năm 2023.
Ông Chaha cho biết, các biện pháp trừng phạt leo thang nhằm cắt đứt các chuyến hàng khí đốt tự nhiên và dầu của Nga sẽ làm tăng "khả năng suy thoái đi kèm với lạm phát mạnh hơn đáng kể" ở EU. Khối này hiện nhận 40% khí đốt từ Nga.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo những tác động kinh tế toàn cầu do căng thẳng Nga-Ukraine sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu xung đột leo thang. Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp của ban điều hành, IMF nhấn mạnh xung đột vốn đã gây những hậu quả kinh tế nghiêm trọng.
Giá năng lượng và hàng hóa tăng vọt, với giá dầu lên tới gần 130 USD/thùng, làm gia tăng lạm phát trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang chật vật phục hồi từ đại dịch COVID-19.
IMF cảnh báo "nếu xung đột leo thang, thiệt hại kinh tế sẽ càng nghiêm trọng hơn," khi các cú sốc về giá cả hàng hóa sẽ gây tác động trên toàn thế giới, đặc biệt là đối với các hộ gia đình nghèo.
Các biện pháp trừng phạt "chưa từng có" nhằm vào Nga cũng sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính. Sự khan hiếm và gián đoạn nguồn cung có thể đặc biệt nghiêm trọng đối với các quốc gia có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Ukraine và Nga.