Tham vọng đưa nợ xấu về 3% cuối năm 2015 có khả thi?

T. Trang

(Taichinh) - Trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn gửi Đại biểu Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã cam kết sẽ đưa nợ xấu về mức 3% vào cuối năm nay. Mục tiêu này được nhiều chuyên gia đánh giá là khả thi nếu có sự nỗ lực một cách đồng bộ giữa các bên liên quan.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã cam kết sẽ đưa nợ xấu về mức 3% vào cuối năm nay. Nguồn: internet
Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã cam kết sẽ đưa nợ xấu về mức 3% vào cuối năm nay. Nguồn: internet

Đã xử lý đáng kể số nợ xấu

Sau 3 năm (từ năm 2012 đến 2014) chủ động, nỗ lực và quyết tâm xử lý nợ xấu, ngành ngân hàng đã kiềm chế và xử lý một khối lượng nợ xấu đáng kể. Theo đó, tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311.100 tỷ đồng, tương đương 67% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012 mà Ngân hàng Nhà nước báo cáo với Bộ Chính trị và Chính phủ khi xây dựng Đề án xử lý nợ xấu. Riêng hai tháng đầu năm 2015, số nợ xấu được xử lý là 7.900 tỷ đồng.

Lũy kế từ khi thành lập và hoạt động đến nay, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua được 147.263 tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ 122.060 tỷ đồng. Trong đó, tính lũy kế kể từ khi thành lập đến cuối tháng 12/2014, VAMC đã mua trên 137.000 tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ trên 111.000 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến ngày 17/4/2015, VAMC đã mua thêm 13.708 tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ 13.408 tỷ đồng.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được từ các giải pháp xử lý nợ xấu quyết liệt thời gian qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã chỉ đạo toàn ngành ngân hàng chủ động thực hiện kế hoạch năm 2015, trước mắt là đảm bảo đến ngày 30/6 xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu cần xử lý theo kế hoạch. Trong đó, chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt ít nhất 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho công ty này trong cả năm 2015. Đây là tiền đề để ngành ngân hàng phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm.

Theo đó, với tiến độ mua nợ xấu thời gian qua khá suôn sẻ và thuận lợi, năm 2015, VAMC đã đề ra mục tiêu mua lại từ 70.000 đến 80.000 tỷ đồng nợ xấu. Đến nay, tất cả các tổ chức tín dụng đều có đề nghị bán nợ cho VAMC, so với hết quý I chỉ có 7 tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC với khối lượng khoảng 6.000 tỷ đồng. Trong đó lại có tới 90% nợ được VAMC mua về có tài sản đảm bảo là bất động sản.

Cần sự nỗ lực từ các bên

Những con số được ngành ngân hàng đề ra ở trên đã thể hiện sự quyết tâm và tham vọng xử lý quyết liệt vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trên cơ sở tình hình hoạt động của các ngân hàng thương mại thời gian qua, nhiều chuyên gia nhận định rằng những mục tiêu trên là khả thi và hoàn toàn có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, dù Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực hết sức trong việc giải quyết nợ xấu nhưng cho đến thời điểm hiện tại nợ xấu vẫn còn là thách thức lớn với toàn hệ thống. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi về tốc độ xử lý nợ xấu cũng như tình hình hoạt động của các ngân hàng thì tình hình hoạt động khó khăn của các doanh nghiệp thời gian qua vẫn là thách thức đặt ra trong quá trình giải quyết “cục máu đông” nợ xấu.

Bởi vậy, để có thể biến mục tiêu giải quyết nợ xấu trong năm nay thành hiện thực đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên để mang lại hiệu quả cao nhất. Nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế và cần có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; nếu không, việc xử lý nợ xấu sẽ không triệt để và không đạt kết quả như mong muốn. Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, cần phải có sự quyết tâm giải quyết nợ xấu từ 3 bên là: các tổ chức tín dụng, VAMC và Ngân hàng Nhà nước để cùng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn nợ xấu cho doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Trương Văn Phước thì cho rằng, để xử lý nhanh hơn những khoản nợ xấu đã mua của VAMC cũng như các khoản chưa bán được cho công ty này thì cần phải xây dựng thị trường gồm những nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài tham gia mua, bán nợ theo nguyên tắc thỏa thuận và giá cả thị trường. Cùng với đó là “phá băng” thị trường bất động sản, kích thích để thị trường này ấm lên, bởi phần lớn tài sản đảm bảo cho các khoản nợ là bất động sản.