Thách thức nợ xấu
(Taichinh) - Quá trình đưa nợ xấu toàn ngành về dưới 3% vào cuối tháng 9 này đang gặp nhiều trở ngại khi thống kê các khoản nợ khó đòi ở nhiều nhà băng vẫn cao ngất ngưởng.
Theo số liệu công bố, nợ xấu của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) đến cuối năm 2014 bất ngờ tăng vọt, lên tới 2.553 tỷ đồng (tăng 948 tỷ) và chiếm 5,89% tổng dư nợ.
Với tình hình nợ xấu vượt quá cao, SouthernBank cho rằng khả năng xử lý ngay khó đạt, nên chỉ đặt mục tiêu kiểm soát con số này dưới mức 5% trong năm nay.
Hiện Phương Nam đang trong quá trình sáp nhập vào Sacombank và dự kiến hoàn tất thương vụ vào tháng 6 tới, nếu đề án trình lên Ngân hàng Nhà nước được chấp thuận.
Tại một nhà băng khác là DongA Bank, báo cáo tài chính cuối quý III/2014 (mới nhất) cũng cho thấy, nợ quá hạn lên đến gần 7.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 13,5%, tổng dư nợ.
Trong buổi làm việc giữa đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng trên địa bàn chiều 12/5, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước thành phố cũng cho biết đến ngày 31/3, nợ xấu trên địa bàn là hơn 60.800 tỷ đồng, chiếm 5,53% tổng dư nợ cho vay. Con số này cao hơn nhiều so với mức 3,49% của cả nước (thống kê cuối tháng 1/2015).
Giới phân tích còn cho rằng, những con số nợ xấu trên nếu phản ánh đúng bản chất thậm chí còn cao hơn nhiều. Bởi từ 1/4, quy định về cơ cấu lại nợ theo hướng giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780 đã hết hiệu lực. Nếu thống kê đầy đủ, các nhóm nợ này chắc chắn sẽ còn tăng cao.
Lý giải nguyên nhân khiến nợ xấu phát sinh thêm gần đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết do áp dụng Thông tư 02 về xử lý nợ xấu và quy định phải tham chiếu thông tin trên Trung tâm Thông tin tín dụng.
Ngoài ra, một số ngân hàng hoạt động yếu kém, bị sáp nhập tạo ra nợ xấu lớn, chưa kể thời gian qua xảy ra một số "đại án" trong ngành. Công tác thu hồi nợ hiện cũng gặp nhiều khó khăn do vướng các vấn đề pháp lý.
Trong năm 2014, các ngân hàng đã bán nợ xấu cho VAMC gần 200.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ bán thêm 70.000-80.000 tỷ trong năm nay. Tuy nhiên, luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội TP HCM đánh giá, ông có cảm giác giải pháp xử lý nợ xấu hiện vẫn có vấn đề, chưa cho thấy có lối ra mà chỉ là "chôn lấp" tạm thời từ chỗ này chuyển qua chỗ khác, rất đáng lo ngại.
Tiến sĩ Trần Du Lịch cũng ví von, nợ xấu có thể xem là nguyên nhân làm kẹt xe và việc bán nợ xấu cho VAMC hiện nay giống như việc bốc một số xe bỏ lên lề chứ chưa có biện pháp xử lý. "Và nếu cứ bốc hết xe bỏ lên lề thì nền kinh tế sẽ không còn vốn", ông nói.
Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank bộc bạch, muốn giải quyết nợ xấu cần các giải pháp tổng thể chứ không chỉ tập trung một khía cạnh ngân hàng. Bản thân các nhà băng đã bán nợ cho VAMC để tạm thời làm sạch bảng cân đối, mặt khác cần cố gắng tiết giảm tối đa chi phí và tạo nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu.
"Nhưng không phải bán cho VAMC là xong mà phải làm sao giải quyết được dứt điểm cục nợ này. Để tránh nợ xấu mới phát sinh còn cần phải hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm, cần chung tay nhiều bộ ngành chứ không thể đổ hết lên vai ngân hàng", ông chia sẻ.