Tháng 12, chờ niềm tin trở lại với thị trường chứng khoán
Dù kết thúc tuần với sắc xanh, nhưng VN-Index rơi khá mạnh tuần qua khiến tâm lý nhiều nhà đầu tư dao động. Sự dao động này đặt trong bối cảnh một số quỹ đầu tư báo lỗ hoặc bị rút vốn ròng.
Tự doanh khối công ty chứng khoán (CTCK) bán ròng mạnh phiên đáo hạn phái sinh (21/11/2019); nhiều quỹ công bố bị rút ròng, một số quỹ có hiệu suất thấp hơn so với mức tăng của VN-Index…
Những thông tin cùng lúc được tung ra khiến TTCK xác lập xu hướng giảm là dễ hiểu.
Quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) bị rút vốn 0,81 triệu USD trong tuần 18-22/11, kéo theo lượng rút vốn quý IV/2019 lên đến 8,95 triệu USD (dù luỹ kế đầu năm vẫn đang hút ròng hơn 104 triệu USD). Trước đó, tuần nửa tháng 10 đến đầu tháng 11, quỹ này cũng bị rút ròng.
Bên cạnh đó, thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ và yếu tó khó đoán từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Ðây là những yếu tố khiến tâm lý giao dịch chung ảm đạm, thành tích hoạt động của nhiều quỹ sụt giảm.
Chẳng hạn, Vietnam Holding cuối tháng 10 có tổng tài sản quản lý hơn 148 triệu USD, giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) giảm 1,6% so với mức giảm 0,3% của chỉ số Vietnam All Share. Quỹ này hiện còn hơn 51 triệu CCQ, tương ứng bị rút ròng gần 2,6 triệu CCQ so với đầu năm.
Tại Quỹ PYN Elite, NAV/CCQ cũng giảm 0,9% trong tháng 10. Quỹ Tundra cũng có NAV/CCQ giảm đến 2,8% (đồng SEK), chỉ số tham chiếu FTSE Vietnam TR (SEK) giảm 2,3% tính đến cuối tháng 10/2019.
Tại thời điểm cuối tháng 10, tài sản quản lý của Tundra giảm về mức thấp nhất, còn 45,3 triệu USD, trong khi thời điểm đỉnh cao, Tundra quản lý 225,8 triệu USD (tháng 4/2018) đầu tư vào TTCK Việt Nam.
Tuy không phải tất cả, nhưng liên tục từ tháng 3/2019 trở lại đây, xu hướng rút ròng tại nhiều quỹ được thể hiện khá rõ.
Thông tin được nhà đầu tư dõi theo nhiều gần đây là hoạt động tự doanh của các CTCK. Nhà đầu tư không có con số tự doanh cụ thể của từng công ty mỗi ngày, nhưng quan sát chung cho thấy, đã có những phiên tự doanh bán tháo, khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên dè chừng với khối này.
Ðiển hình là phiên 21/11/2019, tự doanh của CTCK bán ròng trên 800 tỷ đồng, mặc cho nghi vấn có bàn tay dìm thị trường cơ sở để hưởng lợi trên sàn phái sinh vẫn còn đó.
Tuy nhiên, những phiên gần đây tự doanh CTCK đã mua ròng trở lại. Nhóm cổ phiếu được gom ở nhóm ngân hàng có TCB, MBB, VCB, VPB, STB, HDB, CTG, BID…
Nhóm cổ phiếu họ Vingroup như VIC, VHM, VRE và các cổ phiếu khác như VNM, GAS, MSN, HPG, NVL, SSI, PNJ… cũng được tự doanh CTCK mua vào.
Theo đánh giá của ông Ðỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCK Kiến Thiết Việt Nam, thị trường năm nay dao động trong biên hẹp, cận dưới chỉ số 940-950, cận trên 1.020-1.030 điểm. Cách đây 1 tháng, VN-Index vượt 1.000 điểm, lúc đó tâm lý nhà đầu tư rất tích cực.
Nhiều quỹ cũng nhìn nhận tích cực về tương lai thị trường, nhưng chỉ 2 tuần nay, khi màu đỏ bao phủ rộng trên bảng điện thì sự lo lắng, suy giảm niềm tin dường như lan ra rộng hơn. Bản chất tâm lý thị trường luôn luôn thái quá, cả khi tăng cũng như khi giảm.
Chính tâm lý nhà đầu tư đã đẩy chỉ số dao động mạnh, dù nếu nhìn bình tĩnh hơn, sẽ nhận ra vòng dao động của chỉ số chung.
Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ số VN-Index hiện đã giảm “tương đối đủ”, giảm khoảng 60 điểm, từ 1.030 điểm xuống quanh 970 điểm hiện nay. Mức giảm này sắp chạm đến ngưỡng dao động của chỉ số trong các đợt sóng lên, xuống năm nay (khoảng 70 điểm), nên thị trường đang có tín hiệu cân bằng trở lại.
Phiên cuối tuần qua, lực bán không còn lớn, nhiều mã bắt đầu tạo đáy và có sự hồi phục như nhóm cổ phiếu ngân hàng. Sự bình tâm đang dần hiện hữu và nhiều người lại bắt đầu hy vọng TTCK sẽ đón tháng 12 cân bằng hơn về cung – cầu thị trường cũng như diễn biến tâm lý.
Những nhà đầu tư lão luyện khuyên rằng, hãy chọn cổ phiếu, nhìn doanh nghiệp để đầu tư, chứ không nên nhìn Index. VN-Index là chỉ số chung, có tính lịch sử để lại chứ không đo lường thực chất diễn biến tăng giảm của đại đa số các mã trên sàn.