Tháng 12: Cơ hội tích lũy cổ phiếu triển vọng
Xu hướng giảm mạnh của thị trường nửa cuối tháng 11 vẫn đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư (NĐT) nắm giữ cổ phiếu, nhưng mở ra cơ hội cho các NĐT khác cơ cấu lại danh mục và tích lũy cổ phiếu triển vọng.
VN-Index sẽ sớm cân bằng
Sau hơn 2 tháng tích lũy trong vùng 880 - 900 điểm, VN-Index đã vượt mức 1.000 điểm từ đầu tháng 11/2019 và có lúc đạt 1.029 điểm, thiết lập mức cao nhất kể từ đầu năm. Sự bứt phá của chỉ số trong thời gian ngắn khiến áp lực điều chỉnh cao là kịch bản được dự báo trước.
Bởi lẽ, trong suốt nhịp tăng, thanh khoản tích tụ tại một số cổ phiếu vốn hóa lớn nhóm bất động sản (VHM, VRE, VIC), nhóm ngân hàng (VCB, BID) và nhóm cổ phiếu hết room ngoại (FPT, MWG), tạo nên sự tăng giá đột biến, mà thiếu sự lan tỏa đồng đều trên thị trường.
Dù đã có sự chuẩn bị, nhưng nhiều nhà đầu tư không ngờ thị trường lại quay đầu giảm sâu, khi chỉ trong hơn 1 tuần giao dịch, từ ngày 21 - 28/11, VN-Index mất gần 40 điểm, xuống dưới 980 điểm - vốn là ngưỡng hỗ trợ tâm lý trong suốt tháng 9 và tháng 10.
Nếu như mở đầu chuỗi giảm mạnh là phiên giao dịch ngày 21/11 được đánh giá bị “nhiễu” do hoạt động cơ cấu của các nhà đầu tư tổ chức trong phiên đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 11, thậm chí dòng tiền bắt đáy còn tăng mạnh, thì áp lực bán duy trì sau đó với những nhịp hồi phục ngắn bất thành, khiến nhiều nhà đầu tư bi quan, thậm chí cắt lỗ khi cổ phiếu về tài khoản.
Ðáng chú ý, ngoài các cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá sau khi tăng mạnh, thì nhiều cổ phiếu khác cũng đi xuống.
Diễn biến bất thường của điểm số trong bối cảnh dòng tiền khối ngoại bán ròng tại nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khiến nhà đầu tư thận trọng, dòng tiền bắt đáy dè dặt.
Giá trị giao dịch khớp lệnh trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM từ trên 4.000 tỷ đồng trong phiên 21 - 22/11 giảm còn gần 2.800 tỷ đồng trong phiên 27/11.
Ở vị thế các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp, từ sự lạc quan khi VN-Index vượt qua mức 1.000 điểm, các công ty chứng khoán trở nên thận trọng hơn.
Tuy vậy, phần lớn quan điểm đều đánh giá, chỉ số sẽ khó tiếp tục giảm sâu so với hiện tại, dù thị trường cần thời gian tích lũy và tin tưởng vào việc chỉ số có thể sớm cân bằng khi vùng hỗ trợ mạnh 950 điểm đã ở rất gần.
Trong bản tin ngày 27 và 28/11, Công ty Chứng khoán Tân Việt đánh giá, thanh khoản ở mức thấp cho thấy thị trường không hấp dẫn dòng tiền, nhưng xu hướng giảm giá mạnh khó hình thành ở hiện tại và vùng hỗ trợ được xác định tại 940 - 950 điểm.
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, vùng hỗ trợ của chỉ số cao hơn, tại 960 - 965 điểm, nhà đầu tư có thể xem xét mở trạng thái/tăng vị thế mua khi thị trường rơi xuống vùng hỗ trợ này.
Cơ hội tích lũy cổ phiếu, đón “sóng”
Trong khi đợt sụt giảm nửa cuối tháng 11 đè nặng lên tâm lý những người nắm giữ cổ phiếu thì ở chiều ngược lại, không ít nhà đầu tư đã kịp thoát vị thế tại vùng giá tốt và đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục, coi nhịp điều chỉnh này là “cơ hội vàng” để lựa chọn và tích lũy cổ phiếu, đón đầu cơ hội hồi phục trong tháng 12.
Trong tháng cuối năm, kỳ vọng thị trường sẽ có nhiều thông tin hỗ trợ từ thông tin vĩ mô và các doanh nghiệp, bên cạnh đó là tác động tích cực từ hoạt động chốt giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư…
Thông tin đang được nhà đầu tư quan tâm là xu hướng giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài. Thống kê cho thấy, diễn biến của VN-Index có mối tương quan lớn với hoạt động mua - bán ròng của khối này.
Ở quy mô toàn cầu, báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán SSI đã đem đến tin tức tích cực khi chỉ ra rằng, sau giai đoạn hàng trăm tỷ USD bị rút khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu và dịch chuyển sang các quỹ trái phiếu từ cuối năm 2018 đến tháng 10/2019, thì từ cuối tháng 10 đến nay, dòng vốn đầu tư vào các quỹ cổ phiếu ghi nhận xu hướng dương trở lại, ở cả thị trường mới nổi và phát triển, nhờ các chính sách nới lỏng tiền tệ giúp tăng lượng vốn giá rẻ, chi phí vốn thấp làm tăng mức chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư khi phân bổ tài sản.
Tại thị trường trong nước, trong những phiên giao dịch cuối tháng 11, khối ngoại mua ròng trở lại, dù giá trị chưa nhiều. Công ty Chứng khoán Bảo Việt đánh giá, khối ngoại có động thái mua ròng khi chỉ số giảm về vùng hỗ trợ mạnh là điểm tích cực để kỳ vọng thị trường sẽ sớm hồi phục.
Trong nửa đầu tháng 12/2019, hai quỹ ETF lớn nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay là VNM ETF và FTSE ETF sẽ tiến hành đợt tái cơ cấu danh mục định kỳ cuối cùng trong năm.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDIRECT dựa trên số liệu giá đóng cửa ngày 15/11/2019 ước tính, tỷ trọng các cổ phiếu Việt Nam trong Quỹ VNM ETF có thể được nâng lên 72,2% từ mức 70,7% hiện tại.
Theo đó, Quỹ có thể mua ròng khoảng 6,8 triệu USD cổ phiếu trong đợt cơ cấu lần này, với giả định số lượng chứng chỉ quỹ lưu hành không thay đổi. Nếu vừa được tăng tỷ trọng và các quỹ ETF có thể huy động thêm vốn mới, thì tác động tích cực lên thị trường chung càng lớn.
Ngoài hoạt động cơ cấu của 2 quỹ ETF (sẽ kết thúc vào ngày 19/12/2019), tháng 12 cũng thường là giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài giải ngân trở lại cho niên độ mới, sau khi hoàn tất các hoạt động cơ cấu danh mục đầu tư, sắp xếp lại nguồn vốn. Ðặc biệt, thời điểm cuối năm, các quỹ có khả năng sẽ giao dịch đột biến, liên quan đến việc chốt giá trị tài sản ròng cả năm.
Ðối với các doanh nghiệp, sau giai đoạn trống thông tin hỗ trợ tháng 11, bước sang tháng 12, nguồn thông tin sẽ dồi dào hơn từ ước tính kết quả kinh quý IV cũng như cả năm 2019, kế hoạch đề ra cho năm mới, hay việc chi trả cổ tức…, tạo sự hỗ trợ cho giá cổ phiếu.
Theo thống kê từ hệ thống FiinPro Platform, trong số 832 doanh nghiệp trên 3 sàn (chiếm 95% vốn hóa toàn thị trường) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2019 đến hết ngày 1/11, có 706 công ty (chiếm 85%) báo lãi và 126 công ty (chiếm 15,1%) hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2019 sau 9 tháng.
Trong đó, các doanh nghiệp thuộc nhóm viễn thông, bảo hiểm và ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng lần lượt là 355,4%, 49,3% và 45% so với cùng kỳ năm 2018. Những ngành này được dự báo sẽ duy trì kết quả kinh doanh khả quan trong quý IV.
Ngoài câu chuyện chung của ngành, nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận từ câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp như xu hướng tăng của giá thịt lợn do tình trạng khan hiếm nguồn cung hiện nay có thể giúp các doanh nghiệp có mảng chăn nuôi như Dabaco, Masan, Hòa Phát, Vilico hưởng lợi, hay câu chuyện đấu giá thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Bên cạnh nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt dòng tiền, nhịp điều chỉnh vừa qua được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng tích cực giúp “làm mới dòng tiền” - hoạt động tái cấu trúc danh mục, giải ngân mới do giá hấp dẫn.
Thực tế, sau giai đoạn kéo cổ phiếu trụ, dòng tiền cuối tháng 11 đã có xu hướng mở rộng ra nhiều nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cải thiện độ rộng thị trường. Một số cổ phiếu nhóm này đã có diễn biến tích cực, đi ngược thị trường chung.
Nhìn xa hơn, việc tích lũy cổ phiếu ở vùng giá thấp hiện tại kỳ vọng thu về kết quả tốt khi thị trường bước sang năm 2020, với “hiệu ứng tháng Giêng” - thị trường thường giao dịch tích cực trong giai đoạn đầu năm.
Ðầu năm 2019, Công ty Chứng khoán FPT đã thống kê về hiệu ứng kỳ nghỉ Tết âm lịch trong giai đoạn 2001 - 2018 cho thấy, có 13/18 lần VN-Index tăng trong 5 ngày trước kỳ nghỉ và 11/18 lần chỉ số tăng trong 5 ngày giao dịch sau Tết.
Năm 2019, thị trường cũng có diễn biến tích cực cả trước và sau kỳ nghỉ Tết. Năm 2020, với việc Tết Nguyên đán đến sớm hơn, rơi vào cuối tháng 1 dương lịch, hiệu ứng này được kỳ vọng một lần nữa trở lại.