Tháng 9/2023, chỉ số giá lương thực thực phẩm quốc tế ổn định
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) cho biết, giá hàng hóa lương thực thực phẩm quốc tế tháng 9 vừa qua giữ ở mức ổn định, trong đó giá dầu thực vật, sữa và thịt giảm được bù đắp bằng sự gia tăng đáng kể của giá đường và ngô.
Theo FAO, chỉ số giá thực phẩm FAO đạt trung bình 121,5 điểm trong tháng 9, tương đương với 121,4 điểm trong tháng 8. Ở mức này, chỉ số giá tháng 9 thấp hơn 10,7% so với một năm trước và thấp hơn 24% so với mức cao nhất mọi thời đại đạt được vào tháng 3/2022.
Giá dầu thực vật, sữa và thịt đều giảm. Cụ thể: chỉ số giá dầu thực vật giảm 3,9% so với tháng 8, với giá dầu cọ, dầu hướng dương, dầu đậu nành và dầu hạt cải đều giảm, một phần do sản lượng tăng theo mùa và nguồn cung xuất khẩu toàn cầu dồi dào.
Chỉ số giá sữa giảm 2,3% so với tháng 8, tức giảm tháng thứ 9 liên tiếp do bị ảnh hưởng bởi nhu cầu nhập khẩu yếu và lượng tồn kho dồi dào ở các khu vực sản xuất hàng đầu thế giới. Sự suy yếu của đồng Euro so với đồng USD cũng gây sức ép lên giá sữa trên thị trường quốc tế.
Chỉ số giá thịt giảm 1,0% so với tháng trước do nhu cầu nhập khẩu yếu và nguồn cung xuất khẩu dồi dào đã đẩy giá thịt lợn, thịt gia cầm và thịt cừu xuống. Ngược lại, giá thịt bò tăng trở lại do nhu cầu nhập khẩu thịt bò tăng mạnh, đặc biệt ở Hoa Kỳ.
Đáng chú ý là sự gia tăng đáng kể của giá đường và ngô. Theo đó, chỉ số giá ngũ cốc tăng 1,0% so với tháng trước, với giá ngô tăng 7% do nhu cầu mạnh đối với nguồn cung của Braxin, nông dân Achentina bán hàng chậm và giá cước vận tải sà lan tăng do mực nước thấp trên sông Mississippi. Giá lúa mì giảm 1,6%, được củng cố bởi nguồn cung dồi dào và triển vọng sản xuất tốt ở Liên bang Nga, trong khi chỉ số giá gạo giảm 0,5% trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu thấp.
Nhất là chỉ số giá đường trên toàn cầu trong tháng 9 vừa qua tăng 9,8% so với tháng 8 và chạm mức cao nhất trong gần 13 năm kể từ tháng 11/2010 trong bối cảnh ngày càng lo ngại về triển vọng nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn trong niên vụ sắp tới.
FAO cho biết, chỉ số giá đường mà FAO theo dõi đã tăng 2 tháng liên tiếp trong bối cảnh ngày càng nhiều quan ngại về nguồn cung đường cho thị trường toàn cầu eo hẹp hơn trong niên vụ 2023-2024.
FAO đánh giá, tình trạng này phản ánh dự báo về sự sụt giảm sản lượng tại Thái Lan và Ấn Độ - những nước sản xuất đường chủ chốt, do các điều kiện thời tiết khô hạn bất thường, liên quan đến hiện tượng thời tiết El Nino đang diễn ra.