Tháng Tết, sức mua dự báo tăng 15 - 20%
Dự báo sức mua Tết Bính Thân 2016 sẽ tăng khoảng 20% ở khu vực thành thị, tăng 15% ở khu vực nông thôn so với ngày bình thường trong năm, nhưng với lượng cung hàng hóa rất dồi dào, phong phú và đa dạng, giá cả thị trường sẽ không có biến động đột xuất.
Sức mua tăng nhưng sẽ không "sốt" giá
Kết quả kiểm tra sơ bộ của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho thấy, đến thời điểm hiện tại hầu hết các địa phương đã chủ động rà soát lại cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ phục vụ Tết, cũng như có kế hoạch tăng cường công tác quản lý điều hành và bình ổn giá.
Một số tỉnh lựa chọn doanh nghiệp nòng cốt triển khai chương trình bình ổn thị trường những mặt hàng trọng điểm: thịt lợn, dầu ăn, gạo nếp, trứng gia cầm, rau củ quả... với hình thức ứng vốn từ nguồn quỹ dự trữ tài chính của tỉnh (lãi suất 0%), hoặc huy động các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất ưu đãi.
Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Bộ Tài chính cho biết đã tham gia đoàn công tác liên ngành tại 8 tỉnh thành phố trọng điểm, gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Cà Mau, Đắc Lắc, Kon Tum, Cao Bằng, Bắc Cạn.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc triển khai Chỉ thị 02/CT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính vềbìnhổn giácả thị trường Tết tại 15 tỉnh, thành phố trọng điểm, gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hải Dương, Nam Định, Bình Dương, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh.
Ngoài ra, còn tổ chức các kênh lưu thông hàng hóa hợp lý với các hình thức đa dạng: hội chợ, triển lãm, khuyến mại, đưa hàng về vùng sâu, khu công nghiệp, gắn với cuộc vận động ”Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.
Các địa phương cũng đã lên kế hoạch tiếp tục tăng cường kiểm tra trước và trong Tết về kê khai, đăng ký giá cước vận tải bằng ô tô phù hợp với xu hướng giảm giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng thuộc chương trình bình ổn thị trường, giá trông giữ xe máy, ô tô, giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và các mặt hàng quan trọng là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Trong tháng Tết (tháng 2/2016) theo quy luật hàng năm, nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng. Cơ quan quản lý giá dự báo, sức mua Tết Bính Thân 2016 sẽ tăng khoảng 20% ở khu vực thành thị, tăng 15% ở khu vực nông thôn so với ngày bình thường trong năm.
Tuy nhiên với lượng cung hàng hóa rất dồi dào, phong phú và đa dạng đã được các bộ ngành, địa phương chủ động triển khai từ những tháng cuối năm 2015, cùng những giải pháp tổng thể về thanh tra, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật nhà nước về giá, dự báo cân đối cung cầu tháng Tết được bảo đảm vững chắc, giá cả thị trường sẽ không biến động đột xuất.
Tăng cường kiểm tra, tránh đầu cơ, ”sốt giá”
Để quản lý, điều hành vàbìnhổn giáTết được tốt hơn, cơ quan quản lý giá kiến nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn. Đồng thời, triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt gây tăng giá đột biến, cục bộ.
Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu và các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất.
Đối với giá cước vận tải bằng ô tô, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá cước và việc thu giá cước theo đúng giá niêm yết.
Trong đó, chú trọng theo dõi sát diễn biến giá xăng, dầu giảm để kiểm tra, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô rà soát giá nhiên liệu hiện hành với giá nhiên liệu trong phương án kê khai liền kề trước để kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với xu hướng giảm giá nhiên liệu. Có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng để tăng giá ở mức cao mà không thực hiện việc kê khai, niêm yết; công bố công khai đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thực hiện nghiêm, triệt để, có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm tươi sống nhập khẩu; đặc biệt ở những khu vực địa bàn trọng yếu, giáp biên giới.
Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán đối với mặt hàng thiết yếu, mặt hàng BOG... Có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm nhất là trong dịp trước và sau Tết. Đẩy mạnh tuyên truyền ngăn ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin thất thiệt thiếu chính xác gây bất ổn thị trường, giá cả.