Thanh khoản thừa mà lãi suất huy động vẫn tăng

Theo thesaigontimes.vn

Diễn biến tăng của lãi suất huy động đang đi ngược với quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khi cơ quan này đang chủ động duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp để kích thích kinh tế tăng trưởng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lãi suất huy động đã tăng bình quân khoảng 0,35%

Trong tháng 6 và 7/2016, một số ngân hàng đã tăng nhẹ lãi suất huy động trên thị trường doanh nghiệp và dân cư. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn từ ba đến sáu tháng tăng khoảng từ 5-7 điểm cơ bản, tương đương với khoảng 0,05-0,07%.

Theo tính toán của tác giả, lãi suất huy động đã tăng bình quân khoảng 0,35% từ đầu năm 2016 đến nay. Trong đó, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,3% trong quí I/2016 và tăng khoảng 0,05% trong quí II/2016. Kết quả này cũng khá trùng khớp với số liệu trong báo cáo của Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN công bố mới đây.

Diễn biến này khiến cho nhiều chuyên gia kinh tế cảm thấy khó hiểu, bởi lẽ, chính sách tiền tệ đang được NHNN điều hành theo hướng nới lỏng ngay từ đầu năm đến nay.

Để hệ thống ngân hàng được vận hành thông suốt, theo định hướng và theo tín hiệu của thị trường, NHNN cần tiếp tục triển khai tái cơ cấu một số ngân hàng mà gần như... không phải ngân hàng.

Ba nguyên nhân...

Trước khi trả lời câu hỏi trên, tác giả muốn nhấn mạnh rằng việc lãi suất huy động tăng trong quí 1/2016 là có tính hệ thống, tức là hầu hết các ngân hàng đều điều chỉnh tăng lên. Tuy nhiên, diễn biến tăng lãi suất suất huy động trong quí II/2016 chỉ diễn ra ở một số ngân hàng. Kết quả này cho thấy mặc dù toàn hệ thống đang dư thừa thanh khoản, nhưng sự dư thừa đó không diễn ra ở tất cả ngân hàng.

Trong khi các ngân hàng có uy tín, quy mô lớn đang dư thừa thanh khoản thì các ngân hàng quy mô nhỏ lại đang đối mặt với áp lực về thanh khoản trong thời gian tới.

Tại sao lại là trong thời gian tới chứ không phải thời điểm hiện tại? Bởi lẽ, nếu thiếu thanh khoản thì các ngân hàng này đã tiến hành vay vốn của NHNN trên thị trường mở (OMO). Tuy nhiên, theo ghi nhận thì tính từ ngày 19/5/2016 đến nay số dư trên OMO luôn bằng 0. Điều này cho thấy chưa có ngân hàng nào gặp vấn đề về thanh khoản trong thời gian qua.

Vậy tại sao các ngân hàng nhỏ đó lại đối mặt với áp lực về thanh khoản trong thời gian tới?

Thứ nhất, người gửi tiền đang cảm thấy lo ngại khi những thông tin từ vụ án của Ngân hàng Xây dựng đang được công bố. Sự lỏng lẻo trong quản trị và liều lĩnh của một số cán bộ ngân hàng đang khiến cho người dân mất niềm tin vào các ngân hàng này. Do đó, khả năng người dân sẽ có xu hướng chuyển các khoản tiền gửi của mình sang các ngân hàng có uy tín hơn.

Thứ hai, thông thường khách hàng khi không vay được vốn ở những ngân hàng có uy tín thì mới chuyển sang tiếp cận các ngân hàng nhỏ hơn, với khẩu vị rủi ro lỏng hơn (Risk Appetite). Điều này cho thấy rủi ro về chất lượng tín dụng của những ngân hàng này đang là một dấu hỏi lớn.

Sự minh bạch thông tin về quản trị, điều hành ở các ngân hàng này đang ở mức thấp lại càng khiến cho người dân e ngại. Có ngân hàng gần như chưa bao giờ công bố báo cáo tài chính, báo cáo thường niên cũng các tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên và báo cáo quản trị. Đây cũng sẽ là một nhân tố khiến cho người gửi tiền có xu hướng chuyển sang các ngân hàng tốt hơn ngay cả khi lãi suất tiền gửi thấp hơn.

Thứ ba, đó là việc các ông chủ của những ngân hàng này có lẽ đang chỉ coi ngân hàng là nơi huy động vốn để họ sử dụng vốn đầu tư vào các lĩnh vực khác. Trong đó, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản hay các dự án mà có thời gian thu hồi vốn thường kéo dài.

Do vậy, tỷ lệ nguồn vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã và đang chạm hoặc vượt giới hạn cho phép của NHNN. Do đó, họ buộc phải tìm cách đẩy mạnh huy động vốn ngay cả trong lúc thanh khoản của mình vẫn đang được đảm bảo.

Để hệ thống ngân hàng được vận hành thông suốt, theo định hướng và theo tín hiệu của thị trường, NHNN cần tiếp tục triển khai tái cơ cấu một số ngân hàng mà gần như... không phải ngân hàng.

Đó là những ngân hàng mà các ông chủ đang đem tiền gửi của người dân để đầu tư, kinh doanh vào các dự án riêng hay dự án của một nhóm lợi ích nào đó.