Thành lập Hội đồng liên bộ quản lý giá dược phẩm?

PV.

(Tài chính) Thuốc là mặt hàng đặc biệt, dù giá cả thế nào thì người dân vẫn phải mua khi cần, vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của họ. Trước việc giá thuốc không ngừng tăng cao, vấn đề đặt ra là phải cải tiến cơ chế quản lý thế nào để đưa giá thuốc về đúng mặt bằng giá hợp lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Giá thuốc trên thị trường Việt Nam – con ngựa bất kham:

Giá thuốc trong nước đang vận hành theo hướng liên tục tăng giá trong nhiều năm qua, vượt khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Liệu có giải pháp nào để quản lý giá thuốc hay không, và dự thảo luật dược nên sửa đổi, bổ sung những quy định như thế nào để có giá thuốc phù hợp? Đây là vấn đề nan giải bởi rất nhiều vướng mắc.

Sau hơn 8 năm triển khai, Luật Dược đã xuất hiện những bất cập đòi hỏi phải bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược chuẩn bị đưa ra trình Quốc hội có bổ sung chính sách của Nhà nước về dược, quản lý nhà nước về giá thuốc… Tuy nhiên, quy định như trên được cho là vẫn chưa rõ chủ thể nào chịu trách nhiệm chính về giá thuốc.

Thực tế, chúng ta có nhiều bộ, ngành liên quan đến quản lý mặt hàng thuốc như Bộ Y tế, Bộ Tài chính (thuế, hải quan, quản lý giá, thanh tra…), Bộ Công thương (quản lý thị trường)… nhưng bộ nào chịu trách nhiệm chính trong quản lý giá thuốc thì rất khó phân định. Vì vậy, dự thảo Luật Dược lần này có nhiều vấn đề phải xem xét kỹ hơn nên phải lùi đệ trình đến kỳ họp Quốc hội cuối năm.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng năm 2013, người dân đã phải chi ra khoảng 60.000 tỷ đồng tiền thuốc, trong đó có rất nhiều loại thuốc biệt dược, thuốc điều trị bệnh hiểm nghèo phải nhập khẩu hoàn toàn.

Theo con số thống kê mới đây, trong vòng hơn mười năm qua, trên thị trường luôn có khoảng 25.000-30.000 loại sản phẩm, đa dạng về chủng loại và chức năng, gây sức ép rất lớn lên các cơ quan quản lý, khiến giá thuốc vượt khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Thị phần thuốc ngoại lại chiếm trên 70%, khiến giá thuốc đã cao lại còn khó kiểm soát

Không như các hàng hóa khác, thuốc có mạng lưới cung cấp rất phức tạp, gồm nhóm sản phẩm mới phát minh được độc quyền lâu dài bởi quyền sở hữu trí tuệ, được phân phối theo tuyến riêng, không có đối thủ cạnh tranh, có giá thuốc chung trên thị trường thế giới, Việt Nam không thể can thiệp, kiểm soát. Một nhóm sản phẩm khác là “thuốc bán theo đơn”, chủ yếu được sử dụng trong hệ thống bảo hiểm y tế và trong bệnh viện với chi phí quãng 28.000 tỷ đồng (năm 2013), tương đương 50% giá trị thị trường thuốc, đây cũng là nhóm thuốc khó quản lý. Cuối cùng là nhóm thuốc bán tự do trên thị trường với muôn hình vạn trạng thể loại thuốc và giá thuốc (nhiều mặt hàng dù công năng và chức năng tương tự như nhau nhưng mỗi công ty lại cung cấp với tên gọi khác nhau và giá cả khác nhau, giá hàng nhập ngoại cao hơn hẳn giá hàng trong nước sản xuất). Do có quá nhiều sản phẩm đang cạnh tranh khốc liệt về giá, rất nhiều nhà sản xuất đã phản ánh rằng lợi nhuận của họ đã giảm sút, thậm chí không còn.

Phân định trách nhiệm:

Lâu nay Bộ Y tế vẫn đang được Nhà nước giao chức năng quản lý từ phân phối, sử dụng, đấu thầu, ghi toa đến giá từng mặt hàng, chủng loại thuốc. Nhưng vừa qua,  Bộ Y tế kiến nghị nên chuyển việc quản lý giá thuốc sang Bộ Tài chính để tránh tình trạng Bộ Y tế “vừa đá bóng vừa thổi còi”, thiếu công khai, minh bạch; Mà Bộ Tài chính lại có Cục Quản lý giá, là công cụ quan trọng trong quản lý giá cả thị trường, Bộ Tài chính quản là phù hợp.

Bộ Tài chính thì lại cho rằng: Lĩnh vực thuốc là lĩnh vực có tính chuyên môn cao, muốn quản lý giá thuốc phải nắm được chuyên môn, Bộ Tài chính lại thiếu chuyên môn nên rất khó quản lý, Bộ Y tế vẫn nên tiếp tục quản lý .

Theo PGS., TS. Lê Văn Truyền - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - chuyên gia cao cấp dược học, thì: “Với một thị trường phức tạp như vậy, quan điểm của tôi là cần phải có  sự kết hợp liên ngành. Chúng ta sử dụng thế mạnh của từng bộ để phối hợp với nhau cùng giải quyết vấn đề. Không một bộ nào có thể tự mình giải quyết được vấn đề giá thuốc”.

Thị trường dược phẩm là thị trường rất phức tạp, Nhà nước không thể quản lý tất cả sản phẩm này theo cùng một cơ chế giá. Do đó, các nhà quản lý về giá, quản lý y tế cần tìm ra chiến lược quản lý đối với riêng từng loại thuốc, chứ không phải áp dụng một công cụ cho tất cả các loại thuốc. Theo đó, các cơ quan chuyên môn nên phân nhóm, phân loại các loại thuốc đang lưu hành trên thị trường và phải có cơ chế giá phù hợp với từng nhóm, xây dựng bộ công cụ khác nhau để quản lý từng  nhóm thuốc khác nhau. Chức năng xây dựng bộ công cụ quản lý giá này là thuộc về Bộ Tài chính, theo đúng chức năng nghiệp vụ quản lý giá của Bộ này. Bộ Tài chính nên phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng công cụ đó. Một khi bộ công cụ đó được hình thành và được phê duyệt thì không phải chỉ có Bộ Tài chính mà ngay cả Bộ Công thương đều có thể tham gia vào quá trình quản lý giá thuốc.

Ý kiến của người dân cũng phản ảnh: Tại sao Bộ Tài chính có thể kiểm soát được giá nhập khẩu, giá bán ra của mặt hàng thuốc mà lại không quản lý giá, sao lại để Bộ Y tế?  Thực tế khi nhập khẩu thuốc thì Hải quan có thể kiểm soát được giá nhập, nhưng giá ở nước sản xuất có đúng như giá kê khai nhập khẩu không hay đã được nâng cao hơn cả giá xuất xứ thì Hải quan lại không thể biết được. Hiện tổ chức Y tế thế giới đang thực hiện việc lập mạng lưới công bố giá thuốc đang lưu hành trên thị trường quốc tế, Việt Nam có thể tận dụng thông tin này để kiểm soát giá thuốc trong nước. Nhưng đây là việc làm cần có sự chung tay của nhiều ngành.

Vậy cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm chính trong quản lý giá thuốc?

Hội đồng liên bộ quản lý giá thuốc sẽ do ai thành lập, vận  hành ra sao?

Không phải Bộ Y tế hay Bộ Tài chính, Bộ Công thương… trong dự thảo Luật Dược chuẩn bị trình Quốc hội đã đưa ra mô hình thành lập một Hội đồng liên bộ quản lý giá thuốc. Đây là một mô hình đã được áp dụng trên nhiều quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề cần được thảo luận là: chức năng nhiệm vụ và vai trò của hội đồng này thế nào, hội đồng có tính chất hành pháp hay tư vấn? Điều này sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Theo kinh nghiệm của Ấn Độ - một trong những quốc gia đang áp dụng khá tốt mô hình Hội đồng quản lý giá thuốc. Hội đồng quản lý giá thuốc của Ấn Độ có nhiệm vụ xác định những thuốc nào phải quản lý giá, những thuốc nào để thị trường tự do quyết định (thuốc trên thị trường có quá nhiều sản phẩm thì sẽ không quản lý do cơ chế cạnh tranh sẽ giải quyết). Hội đồng sẽ chỉ quản lý giá thuốc nhập khẩu độc quyền xem có phù hợp với khả năng chi trả của chính phủ và hệ thống bảo hiểm y tế cũng như người dân hay không. Hội đồng sẽ thay mặt Chính phủ đàm phán với nhà sản xuất nước ngoài đang sản xuất sản phẩm độc quyền đó về giá cả.  Hội đồng cũng sẽ quyết định công thức tính giá cho những dược phẩm lần đầu được sản xuất trong nước để kiểm soát lợi nhuận hợp lý của các nhà sản xuất, nhà kinh doanh (bán buôn, bán lẻ) là bao nhiêu, đảm bảo lợi ích cả của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Ý kiến thành lập một Hội đồng quản lý giá thuốc đang được nhiều người dân, nhiều chuyên gia các bộ, ngành ủng hộ. Vấn đề đang được Quốc hội thảo luận hiện nay là việc xác định chức năng, nhiệm vụ và vai trò của Hội đồng quản lý giá thuốc như thế nào để Hội đồng này có thể có thực lực, thực quyền trong quản lý điều hành chứ không phải trở thành một “Hội đồng chuột”.

“Nhìn chung, giá cả hàng hóa là do thị trường quyết định. Nhưng giá thuốc – là mặt hàng đặc biệt thiết yếu – thì vai trò quản lý của Nhà nước phải được xác định rõ… (PV)”.

Đưa giá thuốc về đúng với giá trị, giúp cho người dân không phải chi phí quá cao, tốn kém bất hợp lý, thậm chí đối với người nghèo còn ảnh hưởng đến tính mạng của họ, khi không thể đủ tiền để chữa trị các căn bệnh hiểm nghèo (có khi đến hàng chục hàng trăm triệu đồng); giảm được số tiền mất đi quá lớn của Nhà nước trong hỗ trợ BHYT chi mua thuốc chữa trị; giúp cơ quan chức năng cũng như người dân chuyển tiền sang dùng cho công tác phòng bệnh, tăng cường bồi bổ sức khỏe… Do vậy, vai trò của cơ quan quản lý phải được đặc biệt coi trọng.

Cơ quan nào: bộ, liên bộ hay hội đồng nào… sẽ chịu trách nhiệm quản lý giá thuốc? Hy vọng, vấn đề này sẽ ngã ngũ trong Kỳ họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (diễn ra vào tháng 10-2014), khi Dự thảo Luật Dược được thông qua.