Thanh tra toàn diện vụ mua máy xét nghiệm 7,2 tỷ đồng ở Quảng Nam
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra toàn bộ việc mua sắm hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động, báo cáo trước ngày 20/5.
Sau khi báo chí thông tin việc Quảng Nam mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động gây xôn xao dư luận, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp để các bên liên quan giải trình cụ thể vụ việc.
Các sở Y tế, Tài Chính giải trình
Theo báo cáo, ngày 13/3/2020 Sở Y tế Quảng Nam có tờ trình số 394/TTr-SYT về việc thẩm định phân bổ kinh phí và kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động. Ngày 16/3 UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất mua hệ thống xét nghiệm từ nguồn ngân sách tỉnh để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID – 19, với kinh phí 7,56 tỷ đồng.
Về cấu hình thiết bị, hệ thống gồm máy tách chiết DNA/RNA và máy chia mẫu tự động công suất 96 mẫu cùng lúc; máy Realtime PCR công suất 72 mẫu/ lần chạy sử dụng hóa chất mở và các thiết bị phụ trợ. Các hệ thống thiết bị đồng bộ cùng một hãng sản xuất, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật hiện đại, khép kín và tự động hoàn toàn của hãng Qiagen (Đức), xuất xứ Thụy Sỹ và Malaysia.
Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Hai khẳng định việc mua máy xét nghiệm là cấp thiết, và được thực hiện đúng theo quy định. Căn cứ nhu cầu cấp thiết, các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, chủ trương và văn bản của Ban chỉ dạo Phòng, chống dịch, Sở Y tế trình Sở Tài chính thẩm định; Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, Sở Y tế đăng tải thông tin kết quả lựa chọn nhà thầu.
Lãnh đạo Sở Y tế cho hay trước khi mua thiết bị này đã dựa vào thông tin những đơn vị mua sắm trước đó, tham khảo báo giá của 3 đơn vị cung ứng, trong đó báo giá của Công ty CP TM & Đầu tư Giải pháp Việt là thấp nhất 7,56 tỷ.“Nhận thấy mức giá của công ty đưa ra là chấp nhận được, máy móc tương đối đáp ứng được các yêu cầu cùng với chi phí vận chuyển và mức độ cấp thiết cần phải trang bị máy, không cần chừ được. Do vậy lựa chọn giá đó là hợp lý”, ông Hai nói.
Liên quan đến trách nhiệm quản lý ngân sách nhà nước và thẩm định, ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam cho hay: Ngày 16/3/2020, Sở Tài chính nhận được tờ trình của Sở Y tế về việc thẩm định, phân bổ kinh phí mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động và kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đấu thầu. Kèm theo là 3 báo giá của nhà thầu cùng tờ trình của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam.
Đây là gói thầu mua sắm thiết bị y tế chuyên dùng đặc thù theo Thông tư 28 ngày 31/5/2019 của Bộ Y tế và có giá trị lớn, tổng mức kinh phí đầu tư 7,56 tỷ. Theo quy định việc quyết định mua sắm này thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.Có 3 đơn vị báo giá, trong đó Công ty Giải pháp Việt có mức giá thấp nhất là 7,56 tỷ đồng.
Ông Chín cho rằng, do đây là thiết bị đặc thù, không bán đại trà, thẩm định thầu khó khăn, trong khi tình hình lúc đó quá cấp bách, không thể trì hoãn. Sở Tài chính căn cứ các quy định, quyết định lấy giá 7,56 tỷ đồng để tham mưu cho UBND tỉnh. Theo Giám đốc Sở Tài chính, trong quá trình thẩm định giá, Sở này có liên hệ với Công ty Thiết bị Y tế Phương Đông chi nhánh miền Nam thì đơn vị này có cung cấp máy có cấu hình giống với yêu cầu máy cần mua. Tuy nhiên sau đó lại không liên lạc được với đơn vị này.
“Tôi không bình luận giá này đắt hay rẻ. Giá là cung - cầu, giá cả xoay quanh giá trị theo quan hệ cung-cầu. Hơn nữa, chưa rút dự toán, chưa chi tiêu cho việc mua sắm thiết bị này. Nếu có xảy ra thất thoát thì cũng chưa xảy ra”, ông Chín nói.
Đề xuất giảm giá máy xuống còn 4,853 tỷ đồng
Bà Lê Thị Tuyến, Giám đốc Công ty CP TM&ĐT Giải pháp Việt cho hay, giá thực hiện hợp đồng trọn gói mua bán máy xét nghiệm Realtime PCR tự động với Sở Y tế Quảng Nam là 7,23 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế là 1,43 tỷ, sau thuế là hơn 1,04 tỷ đồng.
Tại cuộc họp với UBND tỉnh Quảng Nam mới đây, bà Tuyến bất ngờ đề xuất giảm giá máy xuống còn 4,853 tỷ đồng. Theo lãnh đạo công ty này, việc giảm giá là do sau khi đã đàm phán thương lượng lại, phía công ty nhập khẩu đồng ý thiết bị đồng ý giảm giá. Đồng thời sau khi thực hiện hợp đồng các chi phí rủi ro thực tế liên quan hợp đồng thấp hơn dự kiến nên có thể giảm. Hơn nữa công ty nhất trí giảm tỷ suất lợi nhuận xuống còn 0% như một sự đóng góp của công ty để chung tay chống dịch. “Chúng tôi tạm gọi là về tình. Việc giảm tỷ suất lợi nhuận xuống còn 0% như lời tri ân của chúng tôi đối với tỉnh Quảng Nam”, bà Tuyến nói.
Nhưng dù bên bán đề xuất giảm giá máy xuống còn 4,853 tỷ đồng, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam lại kiên quyết xin được... trả máy cho đơn vị cung ứng. “Tôi xin lỗi công ty, tôi đề xuất được trả lại máy. Giả sử có rủi ro máy, điều này bình thường nhưng cách đặt vấn đề như hiện nay lại không bình thường. Sau bảo hành nếu có trở ngại kỹ thuật, nếu phải sửa chữa lớn hoặc không sửa chữa được thì lúc đó việc giá cao giá thấp như hiện nay, vấn đề được đặt ra như thế nào?”, ông Hai bày tỏ.