Thành tựu cải cách thuế trong 30 năm đổi mới (1986 - 2016)
Trong 30 năm đổi mới (1986 - 2016), hệ thống thuế được cải cách theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, đầu tư, đổi mới công nghệ, đảm bảo phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và hợp tác quốc tế về thuế, có lộ trình, bước đi thích hợp để thực hiện bảo hộ có chọn lọc, có điều kiện, có thời hạn sản xuất trong nước, góp phần tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cải cách thuế hướng tới mục tiêu minh bạch, bình đẳng
Qua 30 năm đổi mới, hệ thống chính sách thuế được hoàn thiện theo hướng đơn giản, minh bạch, công bằng, theo thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn và những bước phát triển của nền kinh tế.
Hệ thống thuế, phí và lệ phí đã được thiết lập khá đầy đủ theo thông lệ quốc tế và áp dụng thống nhất cho mọi chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế, phù hợp với quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hệ thống chính sách thuế đã bao quát hết các nguồn thu chủ yếu và động viên hợp lý vào ngân sách nhà nước, đồng thời khuyến khích sản xuất - kinh doanh; đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước và đảm bảo nguồn tài chính cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, qua đó góp phần đưa ngân sách Việt Nam thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài và chấm dứt phát hành tiền để bù đắp thiếu hụt ngân sách nhà nước từ đầu những năm 1990.
Luật Thuế doanh thu, Luật Thuế lợi tức đã được Quốc hội thông qua ngày 30/6/1990, được áp dụng thống nhất cho mọi thành phần kinh tế để thay thế cho các chế độ thu và thuế phân biệt theo các thành phần kinh tế trước đây. Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 1991 đã thống nhất chế độ thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, không phân biệt hàng mậu dịch hay phi mậu dịch. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được ban hành và có hiệu lực từ 1990 cũng được áp dụng thống nhất cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế.
Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 10/5/1997 và chính thức được áp dụng ở nước ta kể từ 01/01/1999 để thay thế cho thuế lợi tức ban hành năm 1990. Đến ngày 17/6/2003, Luật Thuế TNDN được sửa đổi và thay thế cho Luật Thuế TNDN ban hành năm 1997. Từ 01/01/2004, thuế TNDN được áp dụng thống nhất, không phân biệt thành phần kinh tế, không phân biệt đối xử giữa DN trong nước với DN có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, thuế suất thuế TNDN phổ thông đối với DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài được áp dụng ở mức thống nhất là 28%. Các thuế suất ưu đãi 10%, 15%, 20% được áp dụng có thời hạn thống nhất cho mọi cơ sở kinh doanh, không phân biệt đầu tư trong nước hay đầu tư nước ngoài. Việc áp dụng thuế suất ưu đãi phụ thuộc vào dự án thuộc lĩnh vực, ngành nghề đầu tư, địa bàn đầu tư tại những vùng kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 giảm mức thuế suất thuế TNDN chung từ 28% xuống 25%. Luật Thuế TNDN số 32/2013/QH13 quy định thuế suất thuế TNDN là 22% kể từ ngày 01/01/2014 và tiếp tục giảm xuống còn 20% kể từ ngày 01/01/2016.
Năm 2007, Quốc hội đã thông qua và ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân, có hiệu lực từ ngày 01/01/2009 để thay thế cho Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Chính sách thuế thu nhập cá nhân đã mở rộng đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế, thống nhất điều chỉnh nghĩa vụ thuế của cá nhân có thu nhập từ các nguồn khác nhau, xóa bỏ phân biệt đối xử giữa đối tượng nộp thuế là người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, góp phần và tạo điều kiện để quản lý thu nhập xã hội; giảm mức động viên và điều chỉnh hợp lý mức điều tiết về thuế thu nhập cá nhân.
Trong 30 năm đổi mới, việc tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế đã tạo nhiều thuận lợi cho người nộp thuế, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, tiết kiệm chi phí cho cộng đồng DN, góp phần thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.
Năm 2008, Bộ Tài chính đã công bố bộ thủ tục hành chính thuế gồm 330 thủ tục góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đồng thời tăng độ công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế. Việc giảm thời gian kê khai thuế của Việt Nam đã có tiến độ đáng kể. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2008, thời gian kê khai thuế (bao gồm cả thời gian kê khai và nộp bảo hiểm xã hội) của Việt Nam là 1.050 giờ/năm; đến năm 2010, giảm còn 941 giờ; năm 2012, giảm còn 872 giờ (trong đó, thời gian kê khai nộp thuế là 537 giờ và thời gian kê khai nộp bảo hiểm xã hội là 335 giờ).
Năm 2014, Việt Nam đã đạt được những kết quả đột phá trong cải cách thủ tục hành chính thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cụ thể là, Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 sửa đổi, bổ sung 7 thông tư về thuế được thực hiện ngay từ ngày 01/9/2014, giúp giảm được 201,5 giờ/năm. Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 nghị định về thuế giúp giảm số giờ nộp thuế thêm khoảng 88,36 giờ/ năm (trong đó thuế giá trị gia tăng (GTGT) giảm 41,36 giờ và thuế TNDN giảm 47 giờ). Việc thực hiện Luật sửa đổi một số điều của 5 Luật Thuế ước tính sẽ giảm thêm 80 giờ/năm thực hiện các thủ tục về thuế. Như vậy, số giờ tuân thủ về thuế đã giảm được 69%, tương đương gần 370 giờ/năm, từ 537 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm. Với kết quả đã đạt được, nhiệm vụ của cơ quan thuế trong năm 2015 là phải cắt giảm thêm được 45,5 giờ nữa, để đạt được mục tiêu giảm số giờ tuân thủ về thuế xuống còn 121,5 giờ/năm (mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6).
Thúc đẩy sản xuất trong nước, khuyến khích đầu tư
Hệ thống thuế được cải cách theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, đầu tư, đổi mới công nghệ, đảm bảo phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và hợp tác quốc tế về thuế, có lộ trình, bước đi thích hợp để thực hiện bảo hộ có chọn lọc, có điều kiện, có thời hạn sản xuất trong nước, góp phần tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Luật Thuế GTGT 1997 có quy định giảm thuế GTGT trong thời hạn tối đa 3 năm từ 1999 - 2002 cho các cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bị lỗ do nguyên nhân Nhà nước thay đổi chính sách thuế (từ thuế doanh thu sang thuế GTGT) nhằm giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh khi mới chuyển sang thực hiện nộp thuế GTGT.
Trong những năm đầu áp dụng thuế GTGT, việc điều chỉnh giảm mức thuế GTGT đối với một số hàng hóa, dịch vụ; không thu thuế GTGT đối với các dự án xây dựng cơ bản sử dụng bằng nguồn vốn ODA... đã góp phần kích thích tăng đầu tư và tiêu dùng, tạo cho sản xuất trong nước có những chuyển biến tích cực cả trong nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Việc hoàn thuế GTGT đầu vào đối với các dự án đầu tư đã tạo thuận lợi cho DN phát triển công nghệ, đầu tư đổi mới tài sản cố định, góp phần thúc đẩy vốn đầu tư xã hội tăng trưởng. Thông qua áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu đã tạo điều kiện để DN nội địa hạ giá hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trong những năm qua, chính sách thuế TNDN không chỉ là công cụ quan trọng để khuyến khích đầu tư trong nước, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mà còn nhằm mục tiêu hỗ trợ DN nâng cao năng lực tài chính thông qua giảm bớt nghĩa vụ đóng góp của DN đối với ngân sách nhà nước. Quan điểm chính sách đó thể hiện ở mức thuế suất thuế TNDN từng bước được cắt giảm, tương đồng với các nước trong khu vực. Mức thuế suất thuế TNDN giảm từ 32% (năm 1997) xuống 28% (năm 2003), 25% (năm 2009), 22% (năm 2014) và 20% (năm 2016).
Năm 2009, nhằm hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn do chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp giãn, giảm thuế, cho phép DN nhỏ và vừa được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của quý IV/2008 và số thuế TNDN phải nộp của cả năm 2009. Số thuế TNDN phải nộp được chậm nộp 6 tháng so với quy định hiện hành. Ước tính, trong năm 2009, DN được hỗ trợ thông qua chính sách giảm thuế khoảng 3.100 tỷ đồng. Số tiền chưa nộp vào ngân sách do được giãn, hoãn nộp thuế TNDN là khoảng 6.800 tỷ đồng. Với những ưu đãi như vậy, Nhà nước đã giảm một phần đáng kể nghĩa vụ tài chính cho DN, tạo thêm tiềm lực tài chính cho các DN vượt qua khó khăn, đổi mới thiết bị, bổ sung vốn đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chính sách thuế dành nhiều ưu đãi cho các DN ở các lĩnh vực khuyến khích đầu tư, có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Phạm vi của các hình thức ưu đãi thuế chủ yếu phụ thuộc vào lĩnh vực, địa bàn triển khai dự án đầu tư và áp dụng cho DN được thành lập mới. Ưu đãi thuế TNDN được xem xét theo địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, ngành nghề đặc biệt khuyến khích đầu tư vào trong các lĩnh vực có khả năng lan tỏa, hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực khác như: Công nghệ cao, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, chế biến nông sản, sử dụng nhiều lao động và sản xuất phần mềm. DN đầu tư vào các lĩnh vực ưu đãi có quy mô lớn, công nghệ cao, thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi có thể lên tới 30 năm. Với chính sách ưu đãi này, Nhà nước không chỉ hỗ trợ nâng cao năng lực tài chính và khả năng tích lũy vốn một cách trực tiếp cho DN hoạt động trong các lĩnh vực nêu trên mà còn gián tiếp hỗ trợ toàn bộ các DN khác trong nền kinh tế nhờ tác động lan tỏa của ưu đãi.
Đảm bảo nguồn thu để phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa
Hệ thống chính sách thuế được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đã bao quát cơ bản các nguồn thu cần điều tiết trong nền kinh tế; tiếp tục khẳng định thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước; đáp ứng các nhiệm vụ chi ngân sách theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, khơi dậy các tiềm năng, nội lực của đất nước.
Thông qua số thu từ thuế, ngân sách có nguồn lực đủ mạnh để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu về quản lý hành chính, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong điều kiện nền tài chính quốc gia cơ bản dựa vào sự động viên từ nội bộ nền kinh tế quốc dân thì thuế là một công cụ kinh tế hiệu quả để tạo ra nguồn lực tài chính cần thiết phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nguồn thu thuế chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước. Tỷ trọng các khoản thu từ thuế, phí và lệ phí trong tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 ước đạt 93% (Tỷ trọng các khoản thu từ thuế, phí và lệ phí trong tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 1991 - 1995 là 96%; giai đoạn 1996 - 2000 là 95%; giai đoạn 2001 - 2005 là 93%; giai đoạn 2006 - 2010 là 90%), đóng vai trò quyết định trong việc đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên và tăng dần chi cho đầu tư phát triển các lĩnh vực, ngành nghề, vùng kinh tế mà Nhà nước khuyến khích. Nhờ nguồn thu từ thuế tăng lên, Nhà nước có nguồn vốn để đầu tư phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, xây dựng kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ, đầu tư xây dựng mới, hiện đại hóa cầu đường bộ, đường thủy, đường sắt, sân bay, bến cảng, nhà ga...; đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm...
Thông qua nguồn thu từ thuế, Nhà nước có nguồn vốn để tập trung đầu tư cho phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng hình thành nền nông nghiệp hàng hóa lớn phù hợp với nhu cầu của thị trường và điều kiện sinh thái của từng vùng; thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề, cơ cấu lao động; tạo điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; đầu tư phát triển mạnh công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu; liên kết nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trên từng địa bàn và trong cả nước…
Chủ động hội nhập quốc tế
Trong những năm vừa qua, Việt Nam không ngừng mở rộng phạm vi các nước ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần nhằm loại bỏ việc đánh thuế trùng, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc hợp tác, trao đổi thông tin và hỗ trợ lẫn nhau giữa cơ quan thuế Việt Nam và các nước trong công tác quản lý thuế quốc tế nhằm ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản, đồng thời thúc đẩy đầu tư. Tính đến năm 2014, Việt Nam đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với 71 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó 60 hiệp định đã có hiệu lực thi hành.
Ký cam kết với ASEAN cắt giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN vào ngày 28/7/1995; Thực hiện các cam kết cắt giảm hàng rào thuế quan với các tổ chức quốc tế và quốc gia để hướng tới mục tiêu tự do hóa thương mại, tiêu biểu là: Chương trình hành động của quốc gia (IAP) để thực hiện tự do hóa thương mại vào năm 2000 với mức thuế nhập khẩu là 0% theo cam kết để trở thành thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 14/11/1998; Những cam kết ràng buộc các mức thuế nhập khẩu và giảm dần theo hướng mở cửa thị trường khi gia nhập WTO.
Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 ngày 14/06/2005, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006, thay thế cho Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2001 đã sửa đổi các quy định về thuế suất, giá tính thuế, thời hạn nộp thuế để tạo điều kiện thực hiện các cam kết song phương, đa phương và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 sửa đổi, bổ sung một số quy định theo đúng các cam kết với WTO, góp phần nâng cao tính minh bạch của chính sách gắn liền với việc thúc đẩy dịch vụ tài chính ngân hàng phát triển thông qua việc bổ sung điều kiện để được khấu trừ thuế GTGT là phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 xóa bỏ các ưu đãi vi phạm nguyên tắc thị trường; xóa bỏ các ưu đãi dưới hình thức trợ cấp, trợ giá đối với sản xuất trong nước; xóa bỏ các loại ưu đãi xuất khẩu… do vi phạm nguyên tắc WTO; tiếp tục ưu đãi theo vùng, miền để đảm bảo hiệu quả trong phân bổ nguồn lực. Luật Thuế TNDN năm 2008 đã bổ sung những quy định về nguyên tắc và nội dung xử lý đối với các DN có thu nhập từ đầu tư ra nước ngoài ở cả những nước đã hoặc chưa ký Hiệp định thuế với nước ta cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Luật Thuế TTĐB số 27/2008/QH12 điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB cho phù hợp với mục tiêu điều tiết thu nhập và hướng dẫn tiêu dùng; sửa đổi bổ sung một số quy định theo đúng cam kết với WTO; xóa bỏ quy định miễn thuế, thu hẹp diện giảm thuế TTĐB để đảm bảo công bằng, bình đẳng về nghĩa vụ thuế và đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.
Luật Thuế TNDN số 32/2013/QH13 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về khoản chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN, nhằm phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Mức thuế suất thuế TNDN đã tương đồng và xấp xỉ bằng với các nước trong khu vực. Nhìn chung, các nội dung sửa đổi, bổ sung tại Luật Thuế TNDN số 32/2013/QH13 đều nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN, góp phần thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất kinh doanh, phù hợp với xu thế cải cách thuế của thế giới và bảo đảm lộ trình của Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020.
Luật Thuế GTGT số 31/2013/QH13 cũng đã sửa đổi, bổ sung những nội dung mới về đối tượng không chịu thuế; giá tính thuế; thuế suất thuế GTGT; ngưỡng đăng ký nộp thuế GTGT và phương pháp tính thuế; khấu trừ thuế GTGT; hoàn thuế GTGT... Điểm nổi bật của lần sửa đổi, bổ sung này là việc quy định mức doanh thu để xác định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh không chịu thuế GTGT (doanh thu năm từ 100 triệu đồng trở xuống) và bổ sung cơ chế ngưỡng doanh thu nộp thuế theo phương pháp khấu trừ (doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm) cùng với sửa đổi phương pháp tính thuế nhằm giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, nhất là đối với các đối tượng nộp thuế có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, thông qua việc giảm bớt thủ tục, hồ sơ kê khai, nộp thuế, góp phần đơn giản hóa công tác quản lý thuế.
Hiện đại hóa công tác quản lý thuế
Cơ quan quản lý thuế thống nhất là Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính đã được thành lập theo hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương để thay thế cho các cơ quan quản lý các nguồn thu khác nhau trước đây. Với việc ban hành và triển khai áp dụng Luật Quản lý thuế từ 01/7/2007 (sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 01/7/2013) tách biệt chính sách thuế với công tác quản lý thuế, các thủ tục hành chính thuế, quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc thực thi pháp luật thuế đã được quy định rõ ràng, công khai, minh bạch hơn. Phương pháp quản lý thuế theo cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan thuế thực hiện quản lý theo chức năng đã góp phần nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.
Các dịch vụ tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế thực hiện thủ tục hành chính thuế cũng tiếp tục xây dựng và triển khai đa dạng, trong đó đặc biệt chú trọng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ qua hình thức điện tử như: kê khai thuế qua mạng, nộp thuế qua mạng, qua các ngân hàng thương mại và mở rộng quy mô hoạt động của đại lý thuế; triển khai, hiện đại hóa hệ thống thuế theo hướng áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế, tăng cường xử lý nợ đọng, thanh tra, kiểm tra thuế; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế theo hướng tập trung, đầy đủ, chính xác, thống nhất trên phạm vi cả nước.