Tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp "vượt bão"
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay, giới chuyên môn cho rằng, cần nhìn vào thực trạng của từng doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần xác định thách thức, cơ hội để chủ động hoạch định các giải pháp phù hợp để vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.
Đây là một trong những nội dung được các diễn giả đến từ cơ quan quản lý, hiệp hội nghề nghiệp, chuyên gia... đưa ra tại "Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức sáng ngày 19/7/2023, tại Hà Nội.
Doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc
Đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam và "sức khoẻ" của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023, các chuyên gia tham dự Diễn dàn có chung nhận định, kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm chịu tác động xấu từ bối cảnh kinh tế thế giới vốn đang gặp nhiều khó khăn và thách thức do những tác động từ các yếu tố bên ngoài (xung đột Nga - Ukraina chưa có hồi kết, nhiều quốc gia trên thế giới tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nhiều nền kinh tế là đối tác thương mại lớn của Việt Nam có mức tăng trưởng chậm lại....)
Trong khi đó, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, có độ mở lớn nhưng quy mô còn khiêm tốn, nên chịu tác động mạnh từ bên ngoài trên nhiều lĩnh vực, nhất là về xuất khẩu, thương mại, đầu tư, tài chính, tỷ giá, lãi suất...
Hoạt động của doanh nghiệp Việt trong những tháng đầu năm đã phản ánh rõ những tác động tiêu cực trên.
Số liệu từ Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho thấy, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2023, đã có hơn 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp đang hoạt động, phần lớn cũng phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh…
Nhận định cho thời gian tới, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 vẫn còn hiện hữu, vấn đề biến đổi khí hậu, nạn hạn hán, lũ lụt cũng như các điều kiện cạnh tranh khác của các thị trường lớn, xung đột địa chính trị, lạm phát cao, giá xăng dầu, nhiên liệu cũng đang ở mức cao, sự phục hồi và khó khăn của các đối tác thương mại lớn.
Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu của các đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng sản xuất kinh doanh xanh, kinh tế số, Cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
"Điều đó đặt ra yêu cầu lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế mới, nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh, mất cơ hội tiến sâu vào giá trị toàn cầu", ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp
Trước những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải, để hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Thông qua Nghị quyết này, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, đảm bảo bình ổn, nhất quán, rõ ràng, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đánh giá, trải qua 2 năm đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế thế giới suy thoái, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Các doanh nghiệp thiếu đơn hàng do nhu cầu tiêu dùng giảm, khiến sản xuất suy giảm… Trước tình hình đó, ngành Ngân hàng rất chia sẻ và đồng cảm với các doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như VNBA đã tích cực kêu gọi các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Một số kiến nghị của VNBA liên quan đến cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý tiếp thu và có những điều chỉnh.
Để tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cần nhìn vào thực trạng của từng doanh nghiệp để tìm ra các vấn đề cụ thể, sau đó cùng thảo luận, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị Chính phủ một số giải pháp: Thực hiện chính sách giảm chi phí cho doanh nghiệp; đẩy mạnh đầu tư công để tạo đà phát triển; cải cách thủ tục hành chính; cần kiện toàn, nâng cao hỗ trợ DNNVV; hoàn thiện chính sách về thuế cho doanh nghiệp càng sớm càng tốt; xây dựng cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh, tăng cường và mở rộng phát triển thị trường vốn, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Để giải quyết những khó khăn trước mắt, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội đề nghị tập trung kiểm soát việc ban hành quy định mới làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp để tuân thủ với các chính sách toàn cầu mới, yêu cầu kinh doanh xanh, bền vững; thực hiện “nới lỏng” khung thể chế để hỗ trợ giải quyết khó khăn, cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Về dài hạn, ông Hiếu đề nghị, cần một cơ chế bền vững thông qua việc thành lập cơ quan giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế (ROB) nhằm kiểm soát chất lượng quy trình soạn thảo, xác định các lĩnh vực trọng tâm để nâng cao chất lượng quy định, nâng cao chất lượng quy định một cách có hệ thống; là đầu mối, phối hợp trong soạn thảo, ban hành; xây dựng bộ công cụ, hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo, thực tiễn mới.
Còn theo TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong bối cảnh kinh tế thế giới bất định hơn và suy giảm nhu cầu ở các thị trường chủ chốt đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp cần tìm kiếm đầu ra ở các thị trường xuất khẩu mới, cũng như từ thị trường trong nước.
Sự chuyển hướng ấy sẽ chỉ phát huy hiệu quả cao nhất nếu đặt trong khung chính sách tổng thể về lưu tâm, cải thiện mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
"Chính ở đây, vai trò của các chính sách nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng, mở rộng không gian kinh tế cho khu vực tư nhân là rất quan trọng", TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
Ngoài ra, TS. Trần Thị Hồng Minh cũng khuyến nghị, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp hết sức nhuần nhuyễn các chính sách/giải pháp để tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Long – Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp - cho rằng, để vượt qua khó khăn, bên cạnh những giải pháp từ chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ... thì sự nỗ lực của doanh nghiệp sẽ rất quan trọng.
“Chính phủ đã đặt việc hỗ trợ doanh nghiệp lên trọng tâm hàng đầu, tuy nhiên, để vượt qua khó khăn phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh.
Bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tại diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia cũng chia sẻ thêm những xu hướng, cơ hội mới từ kinh tế thế giới trong những tháng cuối năm 2023 và đầu 2024 để doanh nghiệp nắm bắt, thích ứng và phục hồi, phát triển.
Giới chuyên môn cũng kiến nghị, Chính phủ cần có giải pháp ngắn hạn cho những khó khăn hiện nay, trong đó tập trung chủ yếu vào chính sách tài khóa. Cần phải điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là áp dụng các nguyên tắc về thuế tối thiểu toàn cầu để giữ chân các nhà đầu tư và thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài.
Ngoài ra, cần tiếp tục quán triệt triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường mới; cũng như cần có giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản.
Các diễn giả tại diễn đàn cũng khuyến nghị, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt chuẩn bị đầy đủ các điều kiện duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Phát huy tối đa năng lực, từng bước vượt qua khó khăn, từ đó khẳng định vị thế kinh tế Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.