Tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công

Thùy Linh

Dù đã thực hiện nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhưng kết quả của quý I/2023 vẫn chưa được như kỳ vọng. Kho bạc Nhà nước đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường công tác kiểm soát chi, tạo điều kiện tối đa cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

Hoạt động nghiệp vụ tại KBNN Bình Dương.
Hoạt động nghiệp vụ tại KBNN Bình Dương.
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm

Trong các tháng đầu năm 2023, hệ thống KBNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Với vai trò là cơ quan kiểm soát và thanh toán vốn, trong những tháng đầu năm, KBNN đã tiếp tục yêu cầu các đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, cập nhật các chủ trương, chính sách, các văn bản chế độ mới liên quan đến thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 nói chung, các văn bản chính sách liên quan đến công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước nói riêng để triển khai công tác kiểm soát chi đảm bảo thông suốt, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và đúng quy định của pháp luật hiện hành.

KBNN cũng định kỳ hàng tháng kịp thời tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công; trong đó, nêu rõ tỷ lệ giải ngân cao thấp của các bộ cơ quan ngang bộ và địa phương, làm cơ sở để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có biện pháp thúc đẩy giải ngân.

Đáng chú ý, KBNN đã ban hành Chỉ thị số 589/CT-KBNN ngày 7/2/2023 về tăng cường công tác kiểm soát chi, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán của hệ thống KBNN. Từ đó, chỉ đạo KBNN các tỉnh, thành phố nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác kiểm soát chi vốn ngân sách nhà nước qua KBNN; đảm bảo kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ động phối hợp với chủ đầu tư để kịp thời nắm bắt các vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ; đôn đốc chủ đầu tư có khối lượng đến đâu thì làm thủ tục nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay gửi KBNN.

Dù KBNN đã có nhiều giải pháp thích cực để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhưng có thể thấy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm thường rất chậm và năm 2023 cũng không ngoại lệ. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, ước đến hết quý I, lũy kế vốn đầu tư kiểm soát, thanh toán qua KBNN thuộc kế hoạch năm 2023 là 73.672,3 tỷ đồng, bằng 10,4% kế hoạch năm 2023 Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước thanh toán là 72.231,2 tỷ đồng (bằng 10,6% kế hoạch năm 2023 Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao); vốn ngoài nước kiểm soát, xác nhận qua KBNN là 1.441,1tỷ đồng (bằng 5,2% kế hoạch năm 2023 Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao).

Sở dĩ có tình trạng này là do trong tháng 1 và tháng 2/2023, các Bộ, ngành và địa phương tập trung phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, nên chưa có khối lượng hoàn thành làm cơ sở giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, trong tháng 1/2023, thời điểm các chủ đầu tư tập trung hoàn thiện hồ sơ thanh toán vốn đầu tư công năm 2022 và là thời gian trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cũng như các chủ đầu tư thực hiện thủ tục đối chiếu, chuyển nguồn sang năm 2023 nên cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Đáng chú ý, KBNN cho biết, các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chưa được triển khai thủ tục đầu tư nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của Chương trình.

Đổi mới công tác kiểm soát chi

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, KBNN đang tiếp tục yêu cầu các đơn vị KBNN trực thuộc theo sát và đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn gửi đến kho bạc ngay khi có khối lượng được nghiệm thu.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách, giúp phục hồi nhanh nền kinh tế, KBNN tiếp tục yêu cầu các đơn vị KBNN đôn đốc chủ đầu tư thu hồi tạm ứng, nhất là các dự án tạm ứng kéo dài nhiều năm. Đối với trường hợp tạm ứng kéo dài nhiều năm hoặc khó có khả năng thu hồi, các đơn vị KBNN cần kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo xử lý, tránh rủi ro, mất vốn…

Trong thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản. Đồng thời, triển khai diện rộng và đồng bộ các chương trình ứng dụng công nghệ vào nghiệp vụ như: hệ thống kiểm soát thanh toán vốn đầu tư qua KBNN; hệ thống dịch vụ công trực tuyến; xây dựng chương trình kết nối dữ liệu, hợp đồng điện tử với hệ thống đấu thầu quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (eGP); số hóa hồ sơ lưu trữ về công tác kiểm soát chi nguồn vốn đầu tư công; giảm thiểu các nội dung thực hiện kiểm soát thủ công, áp dụng quy trình rút gọn nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ, đúng quy trình pháp luật…

Về lâu dài, KBNN cho biết, quy trình, nghiệp vụ kiểm soát chi đầu tư tiếp tục được đổi mới, phù hợp với Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Theo đó, KBNN sẽ thực hiện ghi nhận, chia sẻ và liên thông dữ liệu số trong toàn bộ quá trình quản lý chi ngân sách nhà nước thông qua hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (phân hệ dịch vụ kiểm soát chi và cam kết chi ngân sách nhà nước), đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 4/2023