Tháo gỡ khó khăn về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) cho phù hợp với thực tiễn. Dự thảo với nhiều điểm mới sẽ tháo gỡ khó khăn trong triển khai tự chủ, tạo tiền đề thúc đẩy quá trình đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị SNCL.
Sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn
Theo Bộ Tài chính, triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị SNCL.
Tuy vậy, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVD-19 đến tình hình kinh tế - xã hội, ngày 13/11/2021 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Trong đó, đã quy định lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.
Theo đó, khi phê duyệt phương án tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, các đơn vị SNCL sẽ chưa thực hiện ngay việc chi trả thu nhập cho người lao động theo cơ chế tiền lương mới quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, năm 2020-2021, dịch bệnh COVD-19 bùng phát nên ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của các đơn vị SNCL, đặc biệt là đối với lĩnh vực y tế và lĩnh vực đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Do đó, việc đánh giá tình hình thực hiện phương án tự chủ của giai đoạn trước nhằm mục tiêu đề xuất phương án tự chủ cho giai đoạn tiếp theo sẽ không đảm bảo được tính đầy đủ, khách quan, từ đó, ảnh hưởng đến việc xác định mức độ tự chủ của các đơn vị trong thời kỳ ổn định tiếp theo.
Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã có các văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Do các nội dung đề xuất của Bộ Tài chính về tháo gỡ các khó khăn về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL được quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP cho phù hợp với thực tiễn.
Tháo gỡ khó khăn trong triển khai tự chủ tài chính
Tại Dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung quy định về điều kiện phân loại đơn vị sự nghiệp công nhóm 2 để đảm bảo bao quát các trường hợp phân loại tự chủ chi thường xuyên.
Đồng thời, Dự thảo cũng sửa đổi quy định về công thức xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên xác định mức độ tự chủ gồm nội dung chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do đã được kết cấu trong phần xác định nguồn thu đảm bảo tính bao quát của các nội dung chi tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, các đơn vị nhóm 2 thực hiện trích lập quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 02 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản đóng góp. Quy định này không có sự khác biệt so với mức trích của đơn vị nhóm 3.
Theo đó, để khuyến khích đơn vị nhóm 3 chuyển đổi mức độ tự chủ lên nhóm 2, đồng thời, đảm bảo ổn định mức chi trả thu nhập tăng thêm của đơn vị đã thực hiện trong năm 2021 trở về trước, Bộ Tài chính đề xuất sửa quy định về mức chi trả thu nhập của đơn vị nhóm 2 tối đa không quá 03 lần.
Bộ Tài chính cũng đề xuất bỏ quy định về nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương vì không phù hợp với nội dung quy định về nội dung chi thường xuyên giao tự chủ dẫn đến hiểu nhầm là nguồn kinh phí cải cách tiền lương trích lập đơn vị được thực hiện tự chủ. Mặt khác, nội dung quy định về cách xác định trích nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương không phù hợp với thực tế.
Đặc biệt, Dự thảo đã sửa đổi quy định về lộ trình giảm chi thường xuyên giao tự chủ của đơn vị SNCL. Tại Khoản 4 Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về lộ trình chuyển đổi 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công nhóm 3 tương ứng với từng mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên mang tính pháp lệnh, bắt buộc phải triển khai.
Tuy vậy, trên thực tế, việc quy định chi tiết việc chuyển đổi số lượng đơn vị gặp nhiều khó khăn do mức độ tự chủ của các đơn vị nhóm 3 có thể sẽ thay đổi hàng năm phụ thuộc vào tình hình tài chính của đơn vị.
Do đó, Dự thảo sửa đổi theo hướng quy định về lộ trình giảm chi thường xuyên hỗ trợ trực tiếp cho các đơn vị SNCL đảm bảo mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW là tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị SNCL so với giai đoạn 2016 - 2020.
Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi quy định về việc điều chỉnh phân loại tự chủ của đơn vị trong một số trường hợp. Theo đó, đơn vị sự nghiệp công đã được cơ quan có thẩm quyền phân loại là đơn vị nhóm 1 hoặc nhóm 2 tiếp tục thực hiện theo các quy định về cơ chế tự chủ tài chính quy định tại Nghị định này; không được điều chỉnh phân loại sang đơn vị nhóm 3 hoặc nhóm 4 trong giai đoạn ổn định phân loại 05 năm hoặc sau giai đoạn ổn định 05 năm, trừ trường hợp đơn vị có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ hoặc có biến động lớn về tình hình kinh tế xã hội, thay đổi chính sách, chế độ hoặc do nguyên nhân bất khả kháng (như thiên tai, dịch bệnh) dẫn đến biến động nguồn thu làm thay đổi mức độ tự chủ tài chính.
Tại Dự thảo, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất cho phép các đơn vị SNCL được tiếp tục thực hiện phương án tự chủ đã được duyệt đến hết năm 2022. Từ năm 2023, các đơn vị SNCL xây dựng phương án tự chủ theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP...
Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định với nhiều quy định mới sẽ khắc phục một số tồn tại hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP thời gian qua; tạo tiền đề thúc đẩy quá trình đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị SNCL. Qua đó, góp phần nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị SNCL và tăng cường quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả đầu ra thông qua giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.