Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh

Thực hiện: Thanh Sơn, Lý Tuấn

Sáng 16/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh sáng 16/4.
Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh sáng 16/4.

Tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh, nhất là trong khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19; đưa ra giải pháp kịp thời, linh hoạt, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; rà soát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định, thông tư mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành vừa ban hành thời gian qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực...

Báo cáo tại cuộc làm việc, ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong quý I/2023, tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) ước tăng 0,7% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,7% (cùng kỳ giảm 4,8%); doanh thu du lịch tăng 77,2% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước gần 125.000 tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán năm. Thành phố thu hút được gần 498 triệu USD vốn FDI, tăng 22,4% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,08%...

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

 

Tuy nhiên, Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng cho rằng, TP. Hồ Chí Minh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp; thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn; nợ xấu ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng; doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm. Có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm; số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm và số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ... Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công thấp; tiến độ và nội dung giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp của các sở, ban, ngành chưa đạt yêu cầu...

Cùng với lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nếu kinh tế và thu ngân sách nhà nước của TP. Hồ Chí Minh giảm thì cả nước sẽ bị ảnh hưởng theo. Năm 2022, tổng thu ngân sách của Thành phố chiếm tỷ lệ 26% số thu ngân sách của cả nước. Năm 2023, cả nước đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5 -7% nhưng GRDP của Thành phố quý I chỉ tăng 0,7 %. Nếu từ nay đến cuối năm không có đột phá thì sẽ khó khăn.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, về giải ngân vốn đầu tư công, theo kế hoạch, năm 2023, TP. Hồ Chí Minh được phân bổ 70.000 tỷ đồng cho vốn đầu tư công. Tuy nhiên, trong quý I/2023, TP. Hồ Chí Minh mới chỉ giải ngân được 1.608 tỷ đồng, đạt khoảng 4% trong tổng số hơn 43.400 tỷ đồng số vốn đã phân bổ. Nếu tính tổng vốn đầu tư công của Thành phố được giao trong năm thì tỷ lệ vốn đã giải ngân vẫn rất thấp.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Việt Dũng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Việt Dũng

 

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới, đặc biệt là việc giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung triển khai các giải pháp thu hút đầu tư, đầu tư công và đầu tư tư nhân. Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, TP. Hồ Chí Minh đề xuất đầu tư dự án Xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc theo phương thức PPP; Tập trung đôn đốc tiến độ các dự án trọng điểm như: Nhà ga T3, tuyến Metro số 1, dự án rạch Xuyên Tâm, nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50.... và các công trình đã khởi công.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả thực hiện công vụ, cải thiện môi trường đầu tư, triển khai thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị gắn với kế hoạch thúc đẩy đầu tư công.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, TP. Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại; là đô thị lớn, đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía nam; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là cực tăng trưởng của Vùng và cả nước. Thành phố hiện có 41 khu công nghệ cao, khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động, trong đó Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh với diện tích 1.079 ha. Có lực lượng lao động đông đảo (trên 5 triệu người, chiếm gần 10% lực lượng lao động cả nước), trong đó có nhiều nhân lực chất lượng cao, chuyên gia. Có 11,6 nghìn doanh nghiệp FDI, 265.000 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động...

Nhấn mạnh tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, TP. Hồ Chí Minh có đầy đủ yếu tố phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, trở thành thành phố văn minh, hiện đại, động lực tăng trưởng quan trọng cho Vùng và cả nước. Những kết quả của Thành phố trong quý I/2023 góp phần cùng cả nước đạt được mục tiêu ổn định kinh tế mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng-an ninh, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế...

Chỉ đạo về định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu TP. Hồ Chí Minh bám sát tình hình, trên tinh thần bình tĩnh, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để xử lý, giải quyết cả 3 nhóm công việc: Công việc thường xuyên, công việc tồn đọng, công việc phát sinh; không cầu toàn, không nóng vội, không chủ quan cũng không bi quan. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các chỉ đạo, điều hành gần đây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn, việc làm sinh kế cho người dân; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, thị trường trái phiếu, bất động sản, các quy định về phòng cháy, chữa cháy; quy hoạch, giao đất, định giá đất; triển khai chương trình phục hồi và phát triển, kích cầu đầu tư, tiêu dùng...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu TP. Hồ Chí Minh tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu). Về xuất khẩu, cần cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng. Giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội. Về lâu dài phải thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu. Chính phủ vừa gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và đang đề xuất Quốc hội miễn giảm thuế, phí, lệ phí; Thành phố cần tổ chức thực hiện thật tốt...

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Tổ Công tác của Chính phủ cùng Thành phố nghiên cứu việc tái cơ cấu nền kinh tế, xác định động lực, cơ chế đột phá để TP. Hồ Chí Minh phát triển nhằm thực hiện đúng vai trò theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai sớm các dự án giao thông trọng điểm vùng, liên vùng và quan tâm đầu tư trang thiết bị y tế cho 3 bệnh viện cửa ngõ TP. Hồ Chí Minh; cho phép TP. Hồ Chí Minh thí điểm thực hiện cấp giấy phép lao động điện tử cho người lao động nước ngoài để phù hợp với chủ trương, chương trình chuyển đổi số; Chủ động quyết định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn Thành phố năm 2023...

Người đứng đầu Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước trực thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025; Cho chủ trương TP. Hồ Chí Minh phối hợp các bộ/ngành Trung ương sắp xếp lại các cơ sở nhà đất trên địa bàn Thành phố...  Đồng thời, chỉ đạo Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản quan tâm giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến phương án sử dụng đất các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phẩn hóa; doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa chuyển mục đích sử dụng đất...