Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách đầu tư xây dựng

PV.

Chính phủ vừa yêu cầu lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt, kịp thời thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Hoạt động đầu tư xây dựng nhiều năm qua đã đóng góp rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Hoạt động đầu tư xây dựng nhiều năm qua đã đóng góp rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Hoạt động đầu tư xây dựng đã đóng góp rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều năm qua; Tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân và chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật, với nhiều nhóm thủ tục khác nhau thuộc trách nhiệm giải quyết của nhiều bộ, ngành và địa phương.

Thời gian qua, hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng ngày càng được hoàn thiện, công tác quản lý đầu tư xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả đầu tư, xây dựng, chất lượng công trình xây dựng được nâng cao hơn...

Tuy nhiên, số lượng thủ tục đầu tư xây dựng còn nhiều, phức tạp, thời gian thực hiện còn dài. Đại diện Hiệp hội Hội nhà thầu xây dựng Việt Nam mới đây từng khẳng định, thời gian thẩm định quy định là 15 ngày nhưng có thể kéo dài lên 5-6 tháng là bình thường. Đây cũng chính là lý do các nhà đầu tư nước ngoài thà mua lại dự án qua M&A với chi phí cao hơn một chút để không phải đi vào “mê hồn trận” thủ tục hành chính khi xin cấp phép dự án.

Một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thống nhất. Đây được xem là rào cản lớn nhất trong việc cải tiến các thủ tục của công tác đầu tư xây dựng. Chẳng hạn, liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng là cơ quan soạn thảo và chỉ đạo, theo dõi thực hiện 4 luật gồm: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở. Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và chỉ đạo Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan soạn thảo Luật Đất đai, Luật Bảo vệ Tài nguyên môi trường. Bộ Công an phụ trách Luật Phòng cháy chữa cháy…

Như vậy, có thể thấy, điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng có tới cả chục luật, trong đó vướng mắc nhất là cùng một vấn đề những giữa luật nọ và luật kia có sự khác biệt trong quy định dẫn tới nhiều khó khăn cho các đơn vị thực thi. Trong khi đó, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng chưa chặt chẽ, kịp thời...

Trước tình hình đó, ngày 25/8, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 110/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng. Theo đó, Nghị quyết này đưa ra 4 nhóm giải pháp quan trọng gồm:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Thứ hai, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, kịp thời trong quá trình soạn thảo, ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật.
Thứ ba, củng cố bộ máy, tổ chức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đầu tư xây dựng.
Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đầu tư xây dựng; Kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Trong các nhóm giải pháp được đưa ra, Nghị quyết số 110/NQ-CP cũng nhấn mạnh việc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị định, thông tư trong phạm vi được phân công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật, giữa nghị định với luật, giữa thông tư với nghị định trong các khâu: Chuẩn bị dự án, thực hiện dự án, kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác, sử dụng bảo đảm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời tháo gỡ kịp thời các bất cập, vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn hoạt động đầu tư xây dựng, nhất là trong thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra, kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện dự án, công trình đầu tư xây dựng. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ, suy thoái đạo đức, gây nhũng nhiễu, tiêu cực.

Các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai các quy định về đầu tư xây dựng; Công khai hóa danh sách các bộ, ngành và địa phương gây cản trở hoặc chậm trễ trong việc thực hiện giải ngân theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu tư xây dựng, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là đối với một số vụ việc dư luận quan tâm và bức xúc...