Chính sách phát triển kinh tế - yếu tố tạo nên sức mạnh mềm của Việt Nam

ThS. Đỗ Thị Thảo, ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền - Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Tài chính) Năm 2007, khi tới thăm Việt Nam, GS. Joshep Nye - tác giả của Học thuyết “Sức mạnh mềm” - đã nhận định: những điểm làm nên sức hấp dẫn nhất của sức mạnh mềm Việt Nam hiện nay là tinh thần tự chủ, độc lập dân tộc; chính sách phát triển kinh tế và nền văn hóa. Những điểm này luôn có sức lôi cuốn các nước phương Tây.

Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Nguồn: internet
Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Nguồn: internet

Để tạo nên sức mạnh mềm, trong lý thuyết của GS. Joshep Nye, có ba nguồn lực chính: một là, văn hoá quốc gia; hai là, hệ giá trị quốc gia và ba là, chính sách quốc gia. Sức mạnh mềm của Việt Nam đã hội tụ đủ các yếu tố đó. Và sự thành công của chính sách phát triển kinh tế trong quá trình đổi mới đất nước là một trong những yếu tố góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, tạo nên sức mạnh mềm hấp dẫn bạn bè thế giới.

Khái niệm sức mạnh mềm

Trong những năm gần đây, thuật ngữ sức mạnh mềm được sử dụng khá phổ biến và ngày càng được nhiều người quan tâm. Đây là một khái niệm mới thuộc lĩnh vực chính trị học, được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1973, trong cuốn Sức mạnh và thịnh vượng của học giả Klaus Knorr, sau đó, được GS. Joshep Nye - nguyên Hiệu trưởng Trường Quản trị công Giôn P. Ken - nơ - đi (John F. Kennedy) thuộc Đại học Harvard Mỹ, đưa ra định nghĩa lần đầu trong cuốn Nhất định lãnh đạo: diễn biến của bản chất sức mạnh nước Mỹ (Bound to Lead: The Changing Nature of American Power), phát hành năm 1990 và phát triển thành một luận thuyết trong cuốn Sức mạnh mềm: Phương tiện để đạt được thành công trong chính trị quốc tế (Soft Power: The Means to Success in World Politics) phát hành năm 2004, càng làm cho thế giới bàn luận sôi nổi.

Khái niệm sức mạnh mềm thể hiện một tư tưởng mới, không dựa vào sức mạnh quân sự, chính trị mà dựa vào quan niệm các giá trị khác để triển khai mức độ ảnh hưởng, tham dự sự vụ quốc tế. Hiện nay, sức mạnh mềm đã trở thành chủ đề “nóng” trong việc nâng cao sức cạnh tranh quốc gia và quản lý khu vực trong phạm vi quốc tế, là khái niệm không thể thiếu trong phân tích thời sự chính trị quốc tế. Cạnh tranh sức mạnh mềm đang trở thành một hình thái cơ bản của cạnh tranh sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Theo GS. Joshep Nye, sức mạnh mềm là khả năng tác động thông qua sự hấp dẫn và sức thuyết phục để người khác làm theo những gì mình muốn. Sức mạnh mềm của một quốc gia được xây dựng trên nền tảng nền văn hóa, các giá trị và chính sách của quốc gia. Nó được thể hiện thông qua các yếu tố như hình ảnh, uy tín của đất nước và lãnh đạo, năng lực giao tiếp, nhất là khả năng thuyết phục của những người thực thi quyền lực, mức độ cởi mở của xã hội, sức hấp dẫn, quyến rũ, đặc biệt là của nền văn hóa,…

Cũng có một số học giả khác, tuy không phản đối nhưng cũng chưa hẳn nhất trí hoàn toàn với cách định nghĩa về sức mạnh mềm của GS. Nye. Có học giả định nghĩa sức mạnh mềm một cách “mềm” hơn, đó là “khả năng thu phục người khác bằng những lợi ích hay những giá trị của mình”. Lại có người cho rằng sử dụng sức mạnh mềm khó hơn nhiều so với sức mạnh cứng. Ví dụ, một quốc gia nghèo, dù có nền văn hóa đa dạng nhưng sự ổn định về chính trị không được bảo đảm thì cũng khó có thể hấp dẫn các nhà đầu tư, chưa kể đến việc có thể tạo ra một hình ảnh đẹp để hấp dẫn và gây ảnh hưởng đối với bên ngoài.

Như vậy, xét về bản chất, các cách định nghĩa về sức mạnh mềm trên là giống nhau, song, có thể thấy, định nghĩa của GS. Nye có tính mục đích hơn, chủ động hơn trong việc tạo ra sức mạnh mềm và sử dụng nó. GS. Nye còn chỉ ra rằng, sức mạnh mềm xuất phát từ nền văn hóa. Một quốc gia được cho là có sức mạnh mềm khi văn hóa của quốc gia ấy có sức hút lớn với các tác nhân bên ngoài.

Mặc dù xuất phát từ nền văn hóa, nhưng theo ông, sức mạnh mềm có hai cách vận hành: Thứ nhất, vận hành trực tiếp thông qua việc thành lập các mạng lưới khi một lãnh đạo bị thu hút bởi một lãnh đạo khác. Thứ hai, tạo ra hình ảnh để các quốc gia khác phải ứng phó theo một cách nhất định. Khi một quốc gia tạo ra được hình ảnh đẹp, tự nó sẽ có sức lôi cuốn, thu hút và lan tỏa, gây ảnh hưởng tích cực đến các quốc gia khác. Bởi vậy, sức mạnh mềm không nhất thiết là trò chơi người thắng kẻ bại, mà có thể là một trò chơi hai bên cùng thắng (win - win).

Sau cùng, tác giả của Học thuyết Sức mạnh mềm còn đưa ra ba nguồn cơ sở chính để tạo nên sức mạnh mềm, gồm: chính sách, các hệ giá trị và đối ngoại. Khái niệm mới đã làm thay đổi cách tiếp cận quan hệ quốc tế hiện đại và đưa tên tuổi GS. Nye vào lịch sử.

Như vậy, có thể hiểu Sức mạnh mềm là khả năng ảnh hưởng đến người khác qua các phương tiện ngoại giao, văn hóa, tuyên truyền và chính trị, thuyết phục và lôi kéo, để người khác muốn làm những gì mình muốn.

Đối với một quốc gia, giống như sức mạnh cứng, sức mạnh mềm cũng là một tồn tại khách quan. Nếu biết kết hợp sức mạnh cứng với sức mạnh mềm vào một chiến lược sẽ tạo thành sức mạnh thông minh mang lại những thắng lợi lớn.

Sự thành công trong chính sách phát triển kinh tế - một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh mềm của Việt Nam

Đại hội VI (1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định tiến hành đổi mới đất nước, đưa nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trải qua gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước với những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, được thế giới đánh giá cao. Điều này đã trở thành lực hút đối với nhiều quốc gia ở khu vực và các châu lục khác.

Thành tựu về phát triển kinh tế

Bước đột phá cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam, mà dấu mốc là Đại hội VI (năm 1986) của Đảng, là sự đổi mới tư duy, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế. Đó là sự quyết tâm chuyển từ tư duy kinh tế bao cấp sang tư duy kinh tế thị trường với những cơ chế, chính sách hết sức thông thoáng. Điều này đã cởi nhiều nút thắt, tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế phát triển.

Qua 5 kỳ Đại hội tiếp theo của Đảng, từ Đại hội VII đến Đại hội XI, là sự không ngừng đổi mới toàn diện theo xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mà khởi đầu là hội nhập kinh tế quốc tế. Nhờ vậy, một mặt, khuyến khích, động viên các thành phần kinh tế trong nước bộc lộ, phát huy được khả năng nội lực của mình; mặt khác, hấp dẫn, thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, từ đó đã huy động được tổng lực các nguồn để phát triển kinh tế. Sau gần 30 năm đổi mới, những kết quả đạt được thật sự đã làm thay đổi diện mạo nền kinh tế Việt Nam và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế cũng không ngừng được nâng cao.

Về tăng trưởng kinh tế: tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mặc dù không có những bước đại nhảy vọt nhưng hằng năm giữ được mức tăng trưởng đều: nếu giai đoạn 1986 - 1991, khi bắt đầu đổi mới, GDP bình quân tăng 4,4%/năm (1); sau 10 năm, giai đoạn 1991 - 1996, GDP bình quân tăng 8,2%/năm (2); và sau 20 năm - năm 2006, GDP bình quân tăng 7,5%/năm. Từ một nước thiếu ăn, mỗi năm phải nhập khẩu từ 50 vạn đến 1 triệu tấn lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lương thực lớn trên thế giới. Năm 2005, đứng thứ nhất thế giới về xuất khẩu hạt tiêu; đứng thứ hai về xuất khẩu các mặt hàng: gạo, cà phê, hạt điều; đứng thứ tư về xuất khẩu mặt hàng cao su,...

Giai đoạn 2006 - 2011, mặc dù bị ảnh hưởng chung do khủng hoảng tài chính toàn cầu (từ cuối năm 2008), song GDP bình quân cả 5 năm vẫn đạt 7%/năm, tuy thấp hơn kế hoạch (7,5 - 8%), nhưng vẫn được đánh giá cao hơn bình quân các nước trong khu vực. Cuộc sống của nhân dân đổi thay, tiến bộ rõ rệt, mức sống của người dân được cải thiện và từng bước nâng cao.

Nhờ các thành tựu về tăng trưởng kinh tế và những nỗ lực to lớn trong việc tập trung ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh xã hội, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo. Vào cuối năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam chỉ còn ở mức trên 8%, trong khi kế hoạch Đại hội Đảng IX đề ra là đến năm 2005 hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%. Tổng nguồn lực huy động cho xóa đói giảm nghèo bao gồm cả chương trình 143 (Chương trình xóa đói giảm nghèo và việc làm), chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn) và các dự án quốc tế 5 năm (2001 - 2005) khoảng 40.950 tỷ đồng. Riêng nguồn lực đầu tư cho chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo khoảng 21.000 tỷ đồng. Đến năm 2010, đã có hơn 77% người nghèo được hưởng lợi từ các chương trình và chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Công nhận thành tích nổi bật trong xóa đói, giảm nghèo thời gian qua, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết: Việt Nam nằm trong số 38 quốc gia được vinh danh là nước có nhiều thành tích trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Chính sách xóa đói nghèo của Việt Nam không chỉ nhằm giúp tăng thu nhập cho người nghèo mà còn giúp họ cải thiện sinh kế và tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, hòa nhập xã hội.

Người nghèo ngày càng được tiếp cận với các dịch vụ sản xuất và đời sống dân sinh, được vay vốn tín dụng, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt; được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt; được thụ hưởng các chương trình văn hóa, phát thanh, truyền hình cùng nhiều dịch vụ văn hóa khác. Khoảng cách giàu nghèo dần được thu hẹp, mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm ổn định, các chính sách an sinh xã hội được chú trọng và không ngừng nâng cao, xã hội Việt Nam ngày càng ổn định và phát triển sẽ là lực hút để nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng cao.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt về hệ thống giao thông, làm cho hàng hóa giao thương thuận tiện, nhanh chóng. Điều này đã góp phần to lớn làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam, giảm đáng kể khoảng cách vùng miền. Kết cấu hạ tầng phát triển đã khẳng định kinh tế ở khu vực đó phát triển, đây là một yếu tố quan trọng thức đẩy đầu tư.

Các chính sách kinh tế hấp dẫn, thu hút nguồn đầu tư từ nước ngoài

Để tạo môi trường thuận lợi mở rộng quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước, kích thích sự quan tâm của nước ngoài trong việc đầu tư vào Việt nam, sau 10 năm đổi mới đất nước, năm 1996, Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, sự kiện này đã tạo khuôn khổ, hành lang pháp lý để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư vào Việt Nam.

Cùng với việc đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam đã tiến hành điều chỉnh các chính sách kinh tế theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp, mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ đi đôi với việc xây dựng các biện pháp cải cách đồng bộ trong nước, đó là: cải cách hành chính trong đăng ký kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đầu tư, quy trình, thủ tục xuất, nhập khẩu, thực hiện cơ chế một cửa, các thủ tục liên quan đến đăng ký kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đầu tư đã đơn giản và nhanh chóng hơn.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam còn có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách thuế linh hoạt. Đồng thời, chú ý thúc đẩy mạnh mẽ việc bảo vệ sở hữu trí tuệ (IP) và cho ra đời các đạo luật để bảo vệ nhà đầu tư; hệ thống luật pháp liên quan tới đầu tư nước ngoài tiếp tục được cải thiện tạo ra một môi trường pháp lý cởi mở, minh bạch cho các hoạt động đầu tư...

Mặt khác, lực lượng lao động của Việt Nam độ tuổi bình quân trẻ, có trình độ, được giáo dục tốt và ham học hỏi; tỷ lệ chi phí lao động ở Việt Nam khá thấp so với nhiều nước ở khu vực châu Á nói chung và các nước láng giềng nói riêng; kết cấu hạ tầng Việt Nam những năm gần đây được đầu tư đáng kể… Những yếu tố trên chính là môi trường thuận lợi và hấp dẫn để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào Việt Nam cũng như mạnh dạn hơn trong việc tăng vốn, mở rộng quy mô các dự án đầu tư, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, xuất, nhập khẩu có những bước tăng trưởng ngoạn mục.

Nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư trong nước; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - điện đại hóa; tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động; đồng thời đây cũng là kênh chuyển giao công nghệ quan trọng, góp phần nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế; nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm; nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, tạo thêm áp lực đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Sau gần 30 năm đổi mới, trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng kinh tế khu vực và thế giới, nền kinh tế của Việt Nam đạt được những dấu mốc hết sức quan trọng: Kinh tế tăng trưởng liên tục ở mức khá cao. Không phải ngẫu nhiên mà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2006 tại Việt Nam đã đạt kỷ lục mới. Cũng trong năm 2006, Việt Nam nằm trong danh sách 11 nước đang phát triển đáng được chú ý (Next-11). Nguồn FDI từ các mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thu hút được hơn 10 nghìn dự án FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 160 tỷ USD.

Nhiều nhà đầu tư lớn, các tập đoàn xuyên quốc gia đã và đang đặc biệt quan tâm đến Việt Nam. Cùng với thị trường thế giới ngày càng rộng mở, FDI kéo theo tư bản, công nghệ, tri thức kinh doanh tiên tiến đang trở thành những ngoại lực thuận lợi cho Việt Nam. Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và nhận Quy chế mậu dịch bình thường vĩnh viễn (PNTR) của Mỹ, thị trường lớn nhất thế giới, đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình phát triển kinh tế, đưa Việt Nam lên vị trí một thành viên chính thức, đầy đủ của cộng đồng quốc tế. Và, với những cam kết để gia nhập WTO, Việt Nam đã chuyển nhanh hơn vào kinh tế thị trường. Từ đây, kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, khác về chất so với giai đoạn trước. Với dân số hơn 100 triệu vào năm 2020 cùng nhiều tiềm năng khác, Việt Nam được dự báo hoàn toàn có khả năng trở thành một nền kinh tế có “trọng lượng” trên thế giới.

Có thể thấy, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để gia tăng ảnh hưởng sức mạnh mềm của mình trong lĩnh vực này. Để khai thác và tiếp tục phát huy những tiềm năng đó chúng ta cần nỗ lực xây dựng thương hiệu quốc gia - chứa đựng trong đó những giá trị của những thương hiệu nhỏ hơn, của mỗi người dân, của mỗi doanh nghiệp. Để làm được điều đó, trước tiên và trên hết, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân khi tham gia kinh doanh phải luôn nhận thức rõ, nhận thức lại và xây dựng cho được thương hiệu, đồng thời xác định giữ chữ tín - đó là điều kiện để cạnh tranh được với thương trường và tồn tại bền lâu.

Mỗi quốc gia đều có thể xây dựng sức mạnh mềm theo cách riêng của mình, tiếp tục duy trì sự ổn định và có được tốc độ nhanh trong phát triển kinh tế - đó là con đường để Việt Nam đạt được sự công nhận quốc tế, không ngừng nâng cao và tỏa sáng sức mạnh mềm của mình.
-------------------------------------------------------
(1) Võ Hồng Phúc: “Những thành tựu về kinh tế - xã hội qua 20 năm đổi mới (1986 - 2005)”, trong sách Việt Nam 20 năm đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 141

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1996, tr.12

(3) Việt Nam đạt những thành tựu lớn trong xóa đói giảm nghèo, http://www.vietnamembassy-slovakia.vn/vi/vnemb.vn/tinkhac/ns050912154204