Thấp thỏm lo lãi suất tăng

Theo enternews.vn

Bức tranh kết quả hoạt động kinh doanh ngành ngân hàng trong nửa đầu năm cho thấy sự khả quan về lợi nhuận, nhưng đi kèm là nỗi lo nợ xấu tăng khiến lãi suất cũng nhấp nhổm tăng theo.

Thấp thỏm lo lãi suất tăng.
Thấp thỏm lo lãi suất tăng.

Gánh nặng xử lý nợ xấu không chỉ đang đè lên vai các ngân hàng thương mại mà còn tạo ra áp lực khiến lãi suất cho vay khó giảm. Nỗi lo này càng có cơ sở khi mới đây, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính quý II/2016.

Dự phòng rủi ro “bào mòn” lợi nhuận

Theo các báo cáo tài chính quý II/2016, một số ngân hàng có sự phân hóa mạnh về lợi nhuận, tỷ lệ nợ xấu qua kết quả kinh doanh; một số ngân hàng lạc quan về mức lợi nhuận tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước và không ít ngân hàng khác lại gây bất ngờ về con số nợ xấu tăng mạnh.

Báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, trong quý II, ngân hàng này đã cải thiện khá tốt các hoạt động kinh doanh. Cụ thể, SCB kiếm được 1.120,3 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng, tăng rất mạnh so với mức 421,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng đột biến từ 420 tỷ đồng lên 1.038 tỷ đồng đã “bào mòn” gần hết lợi nhuận. Kết quả, trong quý II, SCB chỉ còn 67 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh so với 6 tháng đầu năm (94 tỷ đồng).

Theo giới phân tích, kết quả này không phải quá bất ngờ, bởi SCB vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc sau khi được sáp nhập từ 3 ngân hàng cổ phần mấy năm trước. Chi phí dự phòng rủi ro đối với những ngân hàng đang tái cấu trúc vẫn là “gánh nặng” khiến lợi nhuận còn lại không cao.

Tại BIDV, báo cáo tài chính quý II/2016 của ngân hàng này cho thấy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng trưởng khả quan với 7.873 tỷ đồng. Có điều, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh lên tới 4.526 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế của nhà băng này chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ. Và dù tiếp tục lãi lớn trong nửa đầu năm nay, nhưng ngân hàng này cũng chịu áp lực khi nợ có khả năng mất vốn tăng lên mức 6.343 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% cuối năm ngoái lên 2% tính đến 30/6/2016.

Nửa đầu năm 2016, tỷ lệ nợ xấu ở một số ngân hàng có xu hướng tăng trở lại

Trong một gam màu khác, có những ngân hàng lợi nhuận sụt giảm bất ngờ hoặc tỷ lệ nợ xấu tăng đột biến. Cái tên khác gây bất ngờ với kết quả lợi nhuận thấp so với cùng kỳ là Sacombank. Báo cáo tài chính quý II/2016 vừa được ngân hàng này công bố cho thấy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro tín dụng sụt giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm 2015, khi chỉ đạt 1.094 tỷ đồng (con số cùng kỳ là 2.223 tỷ đồng). Lợi nhuận giảm gần một nửa trong khi mức trích dự phòng rủi ro tín dụng lại cao hơn, kéo lợi nhuận trước thuế của Sacombank chỉ còn vỏn vẹn 363,2 tỷ đồng, bằng xấp xỉ 1/5 so với cùng kỳ năm trước.

Tại Eximbank, báo cáo tài chính quý II/2016 cũng cho thấy, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã tăng gấp đôi trong quý II, đẩy khoản chi phí này lũy kế từ đầu năm đến nay lên tới 661 tỷ đồng. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu tại Eximbank đã tăng khá mạnh từ 1,86% cuối năm ngoái lên đến 5,3% tính đến hết quý II/2016, trong đó nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn – tăng từ 802 tỷ đồng lên 1.073 tỷ đồng.

Cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã đưa tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng về dưới mức 3%. Nhưng trong nửa đầu năm 2016, tỷ lệ nợ xấu ở một số ngân hàng có xu hướng tăng trở lại, tạo áp lực xử lý nợ xấu, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng… vẫn tiếp tục “ăn mòn” lợi nhuận của không ít ngân hàng.

Trả lời báo chí tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm của hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng có nợ xấu trên 3% phải báo cáo phương án giải quyết về Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, phát biểu trước Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định, xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn. Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mới xử lý được 32.400 tỷ đồng trong tổng số 241.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua.

Lo tăng lãi suất cho vay

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, cách đây vài tuần, doanh nghiệp ông đã nhận được thông báo điều chỉnh lãi suất của ngân hàng theo hướng nhích lên. Dù mức tăng không nhiều, nhưng đây là biểu hiện cho thấy xu hướng tăng lãi suất có thể tiếp tục trong tương lai, khiến doanh nghiệp không dám mạnh dạn vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Rất nhiều doanh nghiệp khác cũng “chùn tay” vay vốn ngân hàng khi nghe lãi suất có thể nhích lên. Thực tế, theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong quý I/2016, lãi suất cho vay đã tăng nhẹ ở kỳ hạn dài so với cuối năm trước thêm 0,2-0,5%/năm, trong khi đó hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận của khối doanh nghiệp phi tài chính lại giảm do chi phí đầu vào tăng cao. Khó khăn cũng khiến số lượng doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động tiếp tục tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Saigon Food phân tích, lãi suất cho vay dù đã giảm rất nhiều so với trước, nhưng để doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nhận được thông báo nhích lãi suất lên của ngân hàng e rằng rất khó.

“Quan trọng hơn, doanh nghiệp đầu tư dự án phải mất vài năm, nhưng ngân hàng lại chỉ cho vay trung dài hạn với lãi suất ưu đãi trong thời gian ngắn, sau đó thả nổi theo thị trường thì không doanh nghiệp nào dám vay”, bà Lâm chia sẻ.

Lo ngại của các doanh nghiệp là dễ hiểu, bởi trong quá khứ đã có rất nhiều doanh nghiệp “chết lâm sàng” khi lãi suất tăng vọt lên hơn 20%/năm.

Và theo nhiều chuyên gia kinh tế, khi các ngân hàng vẫn phải tập trung nguồn lực để xử lý nợ xấu thì rất khó mong lãi suất có thể giảm thêm như kỳ vọng của doanh nghiệp. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng, các điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất đang có nhiều yếu tố thuận lợi, nhưng để duy trì mặt bằng lãi suất thấp thì hệ thống ngân hàng cần phải chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh xử lý nợ xấu để giảm trích lập dự phòng.