Thanh khoản ngân hàng dồi dào trong tháng 8
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, hệ thống tài chính trong 8 tháng đầu năm nhìn chung đã đảm bảo tốt khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế do thanh khoản của khu vực ngân hàng khá dồi dào.
Theo đó, tính đến cuối tháng 8/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 10,5% so với đầu năm 2015.
Vốn huy động từ hệ thống các tổ chức tín dụng tăng khoảng 11% so với đầu năm, song tín dụng chỉ tăng ở mức tương đương so với cùng kỳ năm trước (9,2%) và chưa có dấu hiệu bứt phá trong quý III/2016.
Trong đó, tín dụng các khu vực ưu tiên tăng trưởng thấp hơn mức chung của toàn hệ thống cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 8 tiếp tục dồi dào, biểu hiện ở mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm khoảng 0,3-0,5 điểm % ở tất cả các kỳ hạn so với tháng trước và duy trì ở mức thấp, trong khi khối lượng giao dịch bình quân giảm 24% so với tháng trước.
Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua USD trên thị trường và đồng thời mở rộng phát hành tín phiếu kỳ hạn ngắn (14 ngày).
Trong tháng 8, các tổ chức tín dụng đã hấp thụ hết lượng tín phiếu kỳ ngắn hạn do Ngân hàng Nhà nước phát hành với mức lãi suất rất thấp trong khoảng từ 0,7% đến 1,2%/năm, thấp hơn lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 2 tuần (1,28%/năm) càng cho thấy thanh khoản ngân hàng khá dư thừa. Theo thống kê tính đến 22/8/2016, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng hơn 128.000 tỷ đồng qua thị trường mở.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay những tháng cuối năm có nhiều yếu tố thuận lợi như: thanh khoản liên ngân hàng dồi dào; tỷ lệ tín dụng/huy động là 84,6%, giảm so với mức 85,7% cuối năm 2015; áp lực tăng lãi suất do yếu tố tỷ giá được giảm thiểu do thị trường ngoại hối ổn định; lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm ở các kỳ hạn, cùng với việc trái phiếu chính phủ đã đạt hơn 89% kế hoạch năm sẽ giảm áp lực lên lãi suất ngân hàng.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng nhận định, việc giảm lãi suất cho vay còn gặp một số thách thức do tiến trình xử lý nợ xấu diễn ra còn chậm. Nợ xấu tính đến tháng 6/2016 toàn hệ thống là 2,78%, tăng 0,23 điểm % so với cuối năm 2015.
Số nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm là 59,7 nghìn tỷ đồng (giảm 14,55% so cùng kỳ năm trước), chủ yếu là nhờ khách hàng trả nợ gần 31 nghìn tỷ đồng, số nợ xấu bán cho VAMC đạt 8,88 nghìn tỷ đồng.