Thay đổi tâm thế cạnh tranh trong kinh doanh

Theo Trung Vũ/thanhtravietnam.vn

Đầu năm 2018, bên cạnh những nội dung thiết yếu về quốc kế dân sinh mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm, có một nội dung cũng được các nhà lãnh đạo đất nước chú ý không kém ấy là làm sao nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt và tạo dựng, củng cố sự cạnh tranh lành mạnh ngay giữa các doanh nghiệp nội.

Với thị trường trong nước, cần thay đổi tâm thế từ ưu tiên dùng hàng Việt sang chinh phục thị trường quốc nội. Nguồn: internet
Với thị trường trong nước, cần thay đổi tâm thế từ ưu tiên dùng hàng Việt sang chinh phục thị trường quốc nội. Nguồn: internet

Một cái thuộc về thế, một cái thuộc về tâm, mà theo ý kiến của các nhà lãnh đạo, các cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế phát biểu trong các hội nghị, hội thảo và trên truyền thông, báo chí, hội nhập quốc tế đồng nghĩa với việc chúng ta phải tiếp nhận sự du nhập hàng ngoại vào bán ở nước ta, đồng thời lại phải làm sao bán được nhiều hàng của ta trên các thị trường thế giới.

Năm 2018 là thời điểm thực thi nhiều cam kết, Hiệp định thương mại với các nước. Nên chúng ta phải chuẩn bị một tâm thế hội nhập mới, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa, hoàn thiện thể chế kinh tế, chủ động thích ứng với hội nhập. Cho đến nay chúng ta đã phê chuẩn 10  Hiệp định thương mại tự do FTA song phương và đa phương với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.

Chúng ta cũng đã cơ bản kết thúc đàm phán FTA với EU, dự kiến năm nay hiệp định thương mại quan trọng này sẽ chính thức có hiệu lực với nhiều thuận lợi và khó khăn thách thức, như giảm  thuế theo cam kết tạo cơ hội cho ta đưa hàng sang Châu Âu. Song lại phải cắt giảm thuế nhập khẩu, sẽ tăng sức ép cạnh tranh cho nhà sản xuất và kinh doanh trong nước không chỉ về giá mà còn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là với sản phẩm chăn nuôi, thủy hải sản khi thời gian qua đã có hàng mấy trăm lô hàng bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Một số ngành hàng của ta có nguy cơ khó đáp ứng các quy định của EU về xuất xứ. Hiệp định thương mại Việt Nam EU quy định khá chi tiết về các thủ tục, điều kiện ràng buộc, trong khi khả năng truy xuất nguồn gốc nguyên liệu và năng lực chuẩn bị hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của ta còn nhiều hạn chế.

Tuy nhiên với EU cũng như với các nước ta đã ký FTA, việc thực thi các hiệp định thương mại ấy cũng sẽ tạo điều kiện cho kinh tế nước ta dễ dàng mở rông thị trường xuất khẩu, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị mạng lưới sản xuất toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh sau những tập dượt, bài học kinh nghiệm thắng thua sâu sắc.

Vấn đề đặt ra là sự chuẩn bị tâm thế hội nhập quốc gia, có chính sách thuế phù hợp, hội nhập tạo lợi về thuế đối với hàng của ta xuất khẩu nhưng với hàng nhập khẩu lại giảm thu thu thuế do nhiều thứ hàng sẽ phải phi thế quan. Mặt khác sẽ có những biến động thị trường quốc tế liên quan tới nhiều vẫn đề khác, như quan hệ chính trị, kinh tế sẽ thay đổi điều này, việc nọ, một số đối tác kinh doanh với các doanh nghiệp nước ta sẽ điều chỉnh chiến lược. Tình hình đó đặt ra cho ta nhiều việc phải xem xét, cân nhắc trong hội nhập kinh tế, cần tăng cường công tác nghiên cứu để đáp ứng kịp thời.

Doanh nghiệp cần cùng nhà nước sẵn sàng chủ động nắm bắt các cơ hội cũng như ứng phó với các thách thức hội nhập nhất là với các FTA đẳng cấp cao. Cần xây dựng chương trình hợp tác công tư bài bản giữa nhà nước với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, tổ chức xã hội để tuyên truyền vẫn động nâng cao nhận thức về phát triển sản xuất kinh doanh và nâng cao giá trị hàng Việt, phát huy tính chủ động, tính tự lực đổi mới tự nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đẩy mạnh sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước trung ương và địa phương đối với doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, kinh doanh tăng trưởng bền vững, hợp tác liên kết giữa người sản xuất đơn lẻ với doanh nghiệp và giới kinh doanh. Doanh nghiệp cần được hỗ trợ thông tin đầy đủ về thị trường trong nước và thị trường thế giới nhất là các nước có FTA với nước ta để có sự chuẩn bị tốt hơn trong kinh doanh, tiếp cận công nghệ  mới và tiên tiến.

Với thị trường trong nước, cần thay đổi tâm thế từ ưu tiên dùng hàng Việt sang chinh phục thị trường quốc nội. Sau 10 năm thực hiện cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt, trong hệ thống siêu thị Việt Nam, hàng hóa sản xuất trong nước đã chiếm tỷ trọng 70 – 80%. Cuộc vận động này không nhằm bảo hộ hàng hóa trong nước mà chính là vận động toàn xã hội hướng đến tinh thần yêu nước và khích lệ sự vươn lên cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam.

Thời gian qua, Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt đông xúc tiến thương mại, triển lãm, thông tin quảng bá sản phẩm hàng hóa, xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt, có các cơ chế chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường nội địa, thiết lập hệ thống phân phối đưa hàng hóa Việt đến với người tiêu dùng trên cả nước.

Các doanh nghiệp trong nước đã chú trọng hơn đến chất lượng, mẫu mã, giá thành, thị hiếu, đưa ra thị trường sản phẩm phù hợp, tạo sức hấp dẫn cũng như  niềm tin cho người tiêu dùng, thị trường bán lẻ đã mở rộng mạng lưới cửa hàng và tăng cường bán lẻ trực tuyến với nhiều hình thức phong phú. Các nhà bán lẻ trong nước đã có ý thức rằng, trong cạnh tranh hội nhập không chỉ cần nâng cao chất lượng hàng hóa mà còn phải đổi mới, hiện đại cách thức bán hàng, tiếp cận khéo léo, thông minh, hòa nhã thu hút khách mua hàng, cạnh tranh nổi được với sự tràn ngập hàng hóa ngoại vốn đã có tiếng là đẹp, rẻ, bây giờ lại càng rẻ hơn nhờ phi thuế quan.

Cách đây chưa lâu, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã vào Việt Nam mở các cửa hàng bán lẻ, song chưa thành công, nhưng hiện nay họ quay trở lại và đã phát huy được  sức mạnh, mở to rộng của hàng mới, mua thâu tóm các cửa hàng khác. Họ có thế mạnh về nguồn vốn dồi dào, nếu có đi vay ngân hàng cũng vay lãi suất thấp, thương hiệu có bề dày thành tích  thu hút khách mua hàng trong ngoài nước, lại luôn thay đổi cách thức kinh doanh, bắt kịp tiến độ công nghệ và địa phương hóa công nghệ của mình do đó sức cạnh tranh rất mạnh, đây là điều mà các nhà bán lẻ Việt Nam cần phải biết.

Với cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, nhiều doanh nghiệp của chúng ta còn yếu về năng lực cạnh tranh cả về hàng hóa, lẫn năng suất lao động, năng lực sáng tạo, kinh doanh không tiến bộ là mấy, thậm chí còn thụt lùi. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp nước ta, trước hết cần xây dựng khung phân tích về năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, có sự tham khảo tiêu chí trên thế giới, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp thúc đẩy nâng cao năng suất cũng như năng lực cạnh tranh.

Cần chú ý đến sự cạnh tranh lành mạnh trong nội bộ các doanh nghiệp trong nước, cần có sự liên kết với nhau để nâng cao sức cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại ngay trên sân nhà cũng như hội nhập kinh tế thế giới. Để làm tốt việc này cũng như củng cố  thương hiệu, không để mất đi giá trị hàng Việt thì phải cương quyết đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả. Có làm tốt các việc kể trên thì các doanh nghiệp mới đủ sức sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh nổi trên thị trường trong nước cũng như thị trường khu vực và thế giới.