Thay đổi trong chính sách phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ giúp thị trường ổn định và phát triển
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tại Việt Nam, thị trường TPDN tuy có sự tăng trưởng mạnh mẽ về mặt quy mô, nhưng lại đối mặt với nhiều nguy cơ cản trở đến sự phát triển bền vững của thị trường, đặc biệt là nhiều rủi ro mới phát sinh khi phần lớn TPDN được phát hành riêng lẻ. Điều này đòi hỏi cần phải tiếp tục có sự điều chỉnh, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan để tạo điều kiện cho thị trường phát triển an toàn và minh bạch.
Thị trường TPDN Việt Nam sau nhiều năm ảm đạm liên tục thì từ năm 2019 đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc với khối lượng trái phiếu phát hành liên tục tăng nhanh. Tuy nhiên, nhiều rủi ro mới phát sinh khi phần lớn TPDN được phát hành riêng lẻ, tổ chức phát hành chủ yếu là các công ty bất động sản, ngân hàng, công ty chứng khoán, một số DN có tình hình tài chính yếu kém vẫn có thể phát hành trái phiếu, nhà đầu tư thiếu hiểu biết về tổ chức phát hành hay không được cung cấp đầy đủ thông tin về trái phiếu và tổ chức phát hành.
Để đảm bảo an toàn cho sự phát triển của thị trường TPDN, tháng 9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế nhằm tăng cường tính minh bạch của thị trường, nâng cao chất lượng của tổ chức phát hành và nhà đầu tư.
Cụ thể, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã điều chỉnh một số quy định về hồ sơ, đảm bảo tính minh bạch của việc phát hành TPDN, bổ sung quy định về điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, DN phát hành phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm trong một số trường hợp cụ thể theo quy định của Luật Chứng khoán nhằm giúp đưa thị trường trái phiếu gần hơn với thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng đưa ra quy định nhằm tăng tính chuyên nghiệp, tự chịu trách nhiệm của các bên tham gia thị trường. Đối với tổ chức phát hành, đó là trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ mục đích phát hành trái phiếu riêng lẻ. Quy định mới cũng cho phép DN phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ, hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, và tạo điều kiện cho DN đảm bảo dòng tiền kinh doanh...
Đối với nhà đầu tư, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã định nghĩa nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể mua trái phiếu phát hành riêng lẻ trước thực trạng trên thị trường có rất nhiều nhà đầu tư cá nhân mua TPDN nhưng lại không hiểu hoặc nắm được thông tin về DN phát hành. Bên cạnh đó, nhà đầu tư khi tham gia thị trường phải tự có trách nhiệm tìm hiểu thông tin, đọc một bản công bố thông tin và phải tự ký vào bản đó, xác nhận tiếp nhận đầy đủ thông tin DN công bố. Đây là những quy định nhằm tăng chất lượng cũng như trách nhiệm của nhà đầu tư khi đưa ra quyết định đầu tư của mình.
Bên cạnh các quy định liên quan đến phát hành, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cũng bổ sung các quy định liên quan đến giao dịch trái phiếu, cụ thể DN chào bán riêng lẻ phải đăng ký trái phiếu tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, và giao dịch mua bán trên hệ hống giao dịch TPDN chào bán riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán. Quy định này không chỉ tạo thanh khoản tốt hơn cho các trái phiếu chào bán riêng lẻ mà còn góp phần xây dựng thị trường thứ cấp cho TPDN.
Ngoài ra, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cũng đưa ra các quy định khác như: sửa đổi thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào báo trái phiếu riêng lẻ, quy định các trường hợp mua lại TPDN riêng lẻ trước hạn... Có thể thấy, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã xác định đúng bản chất của việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, tăng tính chuyên nghiệp của thị trường. Việc phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ ngày càng thu hẹp lại, nhường chỗ cho phát hành ra công chúng. Đây sẽ là động lực giúp thị trường trái phiếu phát triển trong tương lai.
Tuy nhiên, một số quy định trong Nghị định số 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực ngay hoặc sau một thời gian ngắn chưa phù hợp với điều kiện hiện tại của thị trường TPDN Việt Nam. Áp lực đáo hạn TPDN là rất lớn trong năm 2023, nhiều DN gặp khó khăn cân đối dòng tiền, đảm bảo thanh khoản trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau nhiều sai phạm trên thị trường. Do vậy, Bộ Tài chính đã kịp thời nghiên cứu, bổ sung và trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần ổn định thị trường trong bối cảnh hiện nay.
Cụ thể, về phía nguồn cầu cho TPDN, Bộ Tài chính đề xuất lùi thời gian thực hiện quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân sang tới ngày 1/1/2024. Việc lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp giúp duy trì được nguồn cầu cho TPDN đến từ các nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính nhưng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Về phía cung TPDN, Bộ Tài chính đề xuất lùi thời hạn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm tới ngày 1/1/2024 đối với phát hành riêng lẻ trái phiếu. Điều này cũng phù hợp trong bối cảnh hiện nay số lượng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam còn ít, khó có thể đáp ứng được nhu cầu nếu số lượng DN có nhu cầu xếp hạng tín nhiệm tăng cao đột biến. Cùng với đó, việc thực hiện xếp hạng tín nhiệm cũng chiếm thời gian và chi phí của DN.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ DN giải quyết khó khăn về cân đối dòng tiền, Bộ Tài chính đề xuất cho phép DN được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố. Việc gia hạn phải được các chủ sở hữu trái phiếu đại diện trên 65% tổng số trái phiếu lưu hành chấp thuận. Quy định này có thể hỗ trợ DN giảm bớt áp lực trả nợ bằng cách giảm lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào năm 2023-2024.
Ngoài ra, trong dự thảo Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, Bộ Tài chính cũng kiến nghị cho phép DN phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thoả thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc và lãi đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác. Những quy định này giúp giảm áp lực cho DN khi trái phiếu đáo hạn trong vòng 2 năm tới.
Những thay đổi trong chính sách về phát hành TPDN riêng lẻ sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho DN, góp phần ổn định và phát triển thị trường. Tuy nhiên, việc lùi thời hạn xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp theo đề xuất trong Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi có thể sẽ dẫn đến việc một số lượng nhà đầu tư tiếp tục mua trái phiếu mà không hiểu rõ về DN và không nhận diện rõ rủi ro. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu.
Hơn nữa, cần có các biện pháp để củng cố niềm tin của nhà đầu tư như tăng cường minh bạch thông tin. Như vậy, việc xếp hạng tín nhiệm cần được thực hiện sớm để hướng đến thị trường TPDN minh bạch và phát triển bền vững.