Thay đổi tư duy về cạnh tranh

Theo daibieunhandan.vn

Tại Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 10/5, nhiều ý kiến cho rằng, sau 12 năm thực thi, Luật Cạnh tranh 2005 đã bộc lộ nhiều hạn chế. Sửa đổi Luật này là cơ hội để làm cho luật phù hợp với cuộc sống, đồng thời thay đổi tư duy về cạnh tranh, hiểu và áp dụng nó.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Không gắn với cuộc sống

Tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Cạnh tranh từ khi ban hành năm 2005 đến nay chưa có bất cứ sửa đổi gì và đã dần bộc lộ ít nhiều lạc hậu, không gắn với cuộc sống, không được hiểu đúng bản chất.

Dự thảo Tờ trình Chính phủ của Bộ Công thương về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) thừa nhận pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện nay chưa quy định rõ ràng về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Các quy định hiện hành chỉ đề cập đến các hình thức biểu hiện bên ngoài một cách cứng nhắc, chưa tiếp cận được bản chất phản cạnh tranh của hành vi.

“Thỏa thuận ấn định mức giá sàn, giá trần; thỏa thuận tăng giá hoặc giảm giá (không chỉ ở mức cụ thể) hoặc thỏa thuận duy trì giá bán lại cho bên thứ ba... là những thỏa thuận có bản chất hạn chế cạnh tranh, nhưng chưa được quy định”, dự thảo tờ trình Chính phủ viết.

Trong thực tiễn xem xét, xử lý một số vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, cơ quan cạnh tranh còn nhận thấy, các hiệp hội đều là tổ chức đứng sau, giữ vai trò tổ chức, lôi kéo doanh nghiệp tham gia và giám sát việc thực thi thỏa thuận giữa các doanh nghiệp.

Thậm chí trong nhiều vụ việc, hiệp hội còn ban hành các “quyết định”, các “nghị quyết” về giá cả, sản lượng... trên thị trường để các doanh nghiệp thành viên thực hiện. Tất nhiên, do quy định về chuyện này chưa cụ thể, rõ ràng nên không thể xử lý.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương chỉ ra 4 điểm hạn chế khác của Luật Cạnh tranh 2005, gồm: Yếu tố để xác định thị trường liên quan không phù hợp thực tế; quy định về kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế không có tính khả thi; chồng chéo trong quản lý dẫn đến tranh cãi hoặc đùn đẩy trách nhiệm xử lý; mô hình cơ quan thực thi chưa phù hợp.

Một điều đáng nói nữa, theo đại diện của VCCI, là tư duy về cạnh tranh trong nền kinh tế nước ta còn được đánh giá là yếu. “Nhiều doanh nghiệp nghĩ về cạnh tranh như một cái gì đó xa vời, không hình dung ra được, cũng như không hiểu luật sẽ được áp dụng như thế nào”, đại diện VCCI nói và nêu ví dụ về chuyện giá cước vận tải và xăng dầu.

Cụ thể, từ 7/2014 đến 1/2015, xăng dầu có 14 đợt điều chỉnh, tổng mức giảm 39% nhưng giá cước chỉ giảm vận tải từ 3 - 10% (trong khi lẽ ra phải giảm 14 - 16%). Tại thời điểm đó, báo chí hầu như chỉ nói về việc thanh kiểm tra giá của hãng taxi chứ không ai nghĩ đến vấn đề “neo giá”, “làm giá” giữa các doanh nghiệp vận tải.

Vì vậy, Bộ Giao thông - Vận tải và Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính buộc phải can thiệp bằng các biện pháp hành chính, yêu cầu tính toán lại giá. Điều đó cho thấy, các quy định pháp luật về cạnh tranh đã không được vận dụng ở đây, các cơ quan quản lý về cạnh tranh cũng không có hành động nào liên quan.

Nhiều điểm mới

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến ghi nhận nỗ lực của Bộ Công thương trong Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế của pháp luật hiện hành về cạnh tranh.

Chẳng hạn, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi áp dụng với cả doanh nghiệp nước ngoài, hiểu theo nghĩa được thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài, đối tượng vốn chưa được quy định rõ ràng trong luật hiện hành.

Lâu nay, quan điểm xử lý của cơ quan nhà nước đối với đối tượng này chưa nhất quán khiến doanh nghiệp nước ngoài quan ngại về việc có hay không có khả năng mình bị điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh của Việt Nam.

Một điểm đáng chú ý của Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) là không tiếp cận kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh chỉ dựa vào tiêu chí thị phần như hiện nay mà dựa trên cơ sở bản chất, tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của hành vi. Đại diện Công ty Luật Lexcomm cho rằng, bổ sung việc xác định sức mạnh thị trường của doanh nghiệp là cần thiết.

Tuy nhiên, các yếu tố xác định sức mạnh thị trường, dự thảo Luật mới chỉ được liệt kê theo tên gọi, chưa được lượng hóa, định tính. “Đây là nội dung rất quan trọng, làm nền tảng cho việc kiểm soát hoạt động cạnh tranh trên thị trường, do vậy chúng tôi đề xuất cần làm rõ ngay trong Luật”, vị đại diện này nói.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trao quyền cho cơ quan cạnh tranh trong việc đánh giá tác động cạnh tranh của việc tập trung kinh tế, đồng thời quy định các tiêu chí để doanh nghiệp có thể tự xác định giao dịch có thuộc trường hợp phải thông báo hay không.

Thay vì cấm tập trung kinh tế khi thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tập trung kinh tế từ 50% trở lên, dự thảo quy định Ủy ban cạnh tranh quốc gia thẩm định dựa trên 4 yếu tố. Tuy nhiên, các yếu tố này lại chưa được quy định rõ ràng.