Thấy gì từ đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ?

Theo Trương Khắc Trà/diendandoanhnghiep.vn

Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang có xu hướng đảo ngược. Phải chăng giới đầu tư "đánh hơi" thấy bất ổn kinh tế trong tương lai?

Lạm phát ở Mỹ hiện cao nhất trong 40 năm qua
Lạm phát ở Mỹ hiện cao nhất trong 40 năm qua

Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất lên mức 0,75-1% kể từ cuộc họp diễn ra vào ngày 5/5 vừa qua, dự kiến Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ lãi suất tăng lên khoảng 1,9 - 2,2% vào cuối năm nay. Như một tác động tâm lý thông thường, nhà đầu tư lo ngại giá đồng vốn tăng mạnh sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế, nên đã đổ mạnh vốn đầu tư vào trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, khiến giá trái phiếu này tăng, làm cho lợi suất trái phiếu chững lại.

Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ sau quyết định tăng lãi suất của Fed.
Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ sau quyết định tăng lãi suất của Fed.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt mức 3% kể từ tháng 12/2018 (hiện ở mức 3,12%), nhưng đến nay mức tăng lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chậm hơn nhiều so với mức tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm (hiện đang ở mức 2,72%).

Hiện tại, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm chênh nhau chỉ khoảng gần 0,4%, thực tế đang có chiều hướng đảo ngược, nghĩa là nhà đầu tư lo ngại kinh tế Mỹ sẽ có nguy cơ suy thoái trong tương lai gần.

Với những gì đã từng xảy ra, đường cong lợi suất trái phiếu là bức tranh phản chiếu của thị trường đối với nền kinh tế, đặc biệt là lạm phát. Trong 7 lần suy thoái kinh tế gần nhất, đường cong lợi suất trái phiếu đều báo hiệu đảo ngược giữa hai loại trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm.

Tất nhiên, với chênh lệch khoảng 0,4%, thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn được xem là phẳng chứ chưa rơi vào kịch bản bị đảo ngược - khi mức chênh lệch đạt đến mức dưới 0%. Nhưng nhiều dấu hiệu liên quan cho thấy, khủng hoảng nhẹ đến vừa phải có thể xảy ra.

Chỉ số kinh tế Mỹ hiện không tốt, GDP âm 1,4% trong quý I, CPI tháng 3 đã leo lên 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái -  mức cao nhất trong 4 thập kỷ trở lại đây và vượt xa mục tiêu lạm phát mà Fed đề ra là 2%.

Giá cả leo thang đang là đề tài chính trị rất “nóng” ở Mỹ, sẽ là tâm điểm cuộc chiến của Tổng Joe Biden trước thềm bầu cử giữa kỳ. Oái ăm ở chỗ, dù tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ chỉ ở mức 3,6%, nhưng tình trạng thiếu lao động vẫn diễn ra ở Mỹ, khiến doanh nghiệp phải tăng lương để tuyển dụng và giữ chân người lao động, đẩy giá cả tăng tốc.

Ông Joe Biden cho rằng, đứt gãy chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và chiến sự Nga - Ukraine là nguyên nhân gây ra lạm phát kỷ lục ở Mỹ. Những nguyên nhân này được cả thế giới thừa nhận.

Song, cũng chính Nhà trắng đã bơm thêm động lực để lạm phát tăng mạnh. Trong hơn 2 năm dịch bệnh, không một chính phủ nào bơm tiền cứu trợ nhiều như Mỹ. Theo khảo sát của Ngân hàng JP Morgan, đến cuối năm ngoái, số dư tài khoản của các gia đình thu nhập thấp ở Mỹ cao hơn 66% so với trước đại dịch.

Đó là kết quả sau khi mỗi người dân được tặng 3.200 USD, cùng 600 USD/tuần với lao động mất việc. Có tiền trong túi nhưng không được ra đường, tụ tập tiêu dùng vào dịch vụ. Thế là Amazon tại Mỹ tăng trưởng bùng nổ đến kinh ngạc!

Nghĩa là người dân Mỹ dồn toàn lực vào mua sắm hàng hóa hữu hình thông qua thương mại điện tử; điều này cộng với việc chuỗi cung ứng từ Trung Quốc ngưng trệ khiến giá hàng hóa tăng âm thầm. Cùng với cú đánh bồi từ giá năng lượng do chiến sự Nga-Ukraine khiến lạm phát vuột khỏi tầm kiểm soát của Fed.

Lạm phát tăng vọt đã là chỉ dấu “cứng” cho thấy suy thoái kinh tế đã thực sự diễn ra trên mặt trận thương mại, sản xuất cũng như thị trường tài chính tiền tệ.