Thế "tiến thoái lưỡng nan" của nhà đầu tư căn hộ nghỉ dưỡng

Theo Phạm Minh/vnbusiness.vn

Từ đầu năm 2020 đến nay, các phân khúc của thị trường bất động sản (BĐS) đều gặp khó khăn nhất định, nhưng riêng "mảng" căn hộ nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng thì gần như... "chết đứng", bởi nhà đầu tư không thể xoay xở trong mùa dịch - bán không ai mua, thuê cũng không ai tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm khó khăn nhất của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Thị trường này sẽ chỉ hồi phục khi ngành kinh tế du lịch hồi phục. 

“Đi cũng dở, ở không xong”

Từ đầu năm 2020, khi đại dịch COVID19 xuất hiện, thị trường BĐS nghỉ dưỡng rơi vào cảnh khó khăn. Nhưng khó khăn nhất là bắt đầu vào đầu năm 2021, dịch bệnh bùng phát lần thứ 3 khiến việc đi lại bị hạn chế tối đa. Đến thời điểm dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát, thì nhà đầu tư “ngấm đòn”, nhất là khi không có một khách du lịch nào thuê cũng như không thể giao dịch được sản phẩm mình rao bán.

Anh Dương Văn Dũng (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) thở dài chia sẻ, hồi năm 2018 anh tích cóp sau bao năm làm lụng vất vả, cùng với tiền vay lãi suất ngân hàng được ưu đãi 10% mua 1 căn condotel ở Quảng Ninh. Anh tính toán, cuối năm 2019 nhận bàn giao thì mùa du lịch 2020 sẽ bắt đầu cho thuê, lợi nhuận 11%/năm. Tiềm năng tại đây cho thuê từ 17-18 triệu đồng/tháng, thì chỉ trong vòng mấy năm anh sẽ trả được hết nợ ngân hàng.

Thế nhưng “người tính không bằng trời tính”, đầu năm 2020 dịch Covid-19 ập đến, kế hoạch cho thuê bị phá sản, anh chỉ túc tắc cho khách lẻ thuê mùa cao điểm hè, nỗi lo số nợ ngân hàng 1 tỷ đồng chưa biết khi nào mới trả hết.

Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Nhật Nam (Royal City, Thanh Xuân, Hà Nội) năm 2019 cũng theo sự giới thiệu của bạn bè, đầu tư 2 căn condotel tại Vũng Tàu. Anh bàn bạc với gia đình vay thêm ngân hàng, cộng với số tiền tích cóp được mua 2 căn hộ nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao với giá 2,2 tỷ đồng/căn, số tiền vay ngân hàng gần 3 tỷ đồng, mỗi tháng trả cả lãi và gốc khoảng 24 triệu đồng. Tính nhanh, mỗi tháng thu từ 2 căn hộ này cũng vào 40 - 50 triệu/tháng.

Mọi chuyện tưởng chừng suôn sẻ thì đến đầu năm 2020, dịch bệnh xảy ra, 2 căn hộ nghỉ dưỡng tại Vũng Tàu vừa đưa vào kinh doanh được 4-5 tháng thì buộc phải đóng cửa gần 2 tháng, được mở tiếp gần 3 tháng cuối năm 2020, tới đầu năm 2021 lại tiếp tục đóng cửa. Cho đến giữa năm 2021 thì đóng cửa hoàn toàn, chưa hẹn ngày mở cửa.

Đứng ngồi không yên với 2 căn hộ nghỉ dưỡng, anh Nam quyết định nhờ môi giới tại Vũng Tàu và đăng trên các trang thông tin mua bán BĐS tính bán 1 căn để giảm lãi vay ngân hàng, nhưng rồi 2 tháng nay không có người hỏi mua.

"Cao điểm hè năm 2020 doanh thu cũng đạt 40 - 50 triệu đồng/tháng/2 căn. Giờ căn hộ nghỉ dưỡng cũng bão hoà, du lịch thì đóng cửa, rút về đầu tư đất nền hay chung cư còn thấy ổn định hơn vì nhu cầu để ở vẫn luôn luôn cần. Lãi ít hay nhiều trong bối cảnh hiện nay đều tốt hơn so với việc chôn vốn tại chỗ", anh Nam chia sẻ.

Năm 2021 khó hồi phục  

Trên thực tế, tình cảnh như của anh Dũng hay anh Nam hiện nay không phải là hiếm. Nhiều nhà đầu tư đang rất "đau đầu" khi mà số vốn bỏ ra khá lớn nhưng nay thì nằm bất động, bán hay cho thuê đều không thể. Họ dường như đang ở trong thế "tiến thoái lưỡng nan", ít nhất là ở giai đoạn này.

Trong một diễn biến liên quan, báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, quý II/2021 cả nước có 5 dự án mới với 4.829 căn hộ du lịch, 270 biệt thự du lịch được cấp phép; 54 dự án với 20.013 căn hộ du lịch, 3.415 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Bình, Hà Tĩnh…

Nguồn cung mới khách sạn 4-5 sao và khu du lịch nghỉ dưỡng trên cả nước vẫn rất hạn chế. Giá cho thuê bình quân phòng khách sạn và BĐS nghỉ dưỡng trong quý II/2021 giảm khoảng 20-25% so với quý trước. Công suất thuê phòng khách sạn toàn thị trường nửa cuối quý II/2021 sụt giảm mạnh. Một số khách sạn đăng ký làm địa điểm cách ly có trả phí được coi là một trong những giải pháp tình thế để tăng tỷ lệ lấp đầy phòng và cải thiện doanh thu nhưng có rất ít hiệu quả trong thực tế.

Lượng BĐS tồn kho chưa được giao dịch hầu như chỉ có ở các nhà đầu tư thứ cấp và một số loại hình bất động sản đang chịu tác động nặng nề của bệnh dịch như BĐS du lịch, nghỉ dưỡng.

Dự kiến, trong những tháng cuối năm, nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, nguồn cung và sức cầu của sản phẩm này khó có thể hồi phục và khó có sự đột biến về giá. Bên cạnh đó, tình trạng nhà đầu tư chuyển nhượng để cắt lỗ căn hộ nghỉ dưỡng đang ngày càng lan rộng và sẽ còn kéo dài.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam cho hay, biến động của ngành du lịch nói chung và ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú nói riêng phụ thuộc hoàn toàn vào công tác kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ. Minh chứng rõ, nhu cầu dịch chuyển và lưu trú của khách du lịch nội địa là rất lớn, có thể quan sát rất rõ ở các giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát.

“Mọi dự báo về ngành du lịch trong năm 2021 vẫn còn phải bỏ ngỏ khi các biện pháp hạn chế đi lại ngày càng bị thắt chặt. Kéo theo đó, thị trường khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng cũng sẽ phụ thuộc vào sự hồi phục của ngành du lịch", bà Trang nói.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, trong năm 2021 khó mong đợi sự khôi phục của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, nhất là với các sản phẩm nghỉ dưỡng mới. Lý do được ông Võ giải thích là việc sửa Luật Đất đai 2013 bị chậm lại tới năm 2023, cùng với việc đại dịch vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới nên khách nước ngoài chưa thể tới Việt Nam.

Về triển vọng đầu tư trong lĩnh vực nghỉ dưỡng tại Việt Nam nói chung, một số chuyên gia BĐS cho rằng, nhiều nhà đầu tư quốc tế đã bày tỏ sự quan tâm tới phân khúc BĐS nghỉ dưỡng. Sở dĩ là do các nhà đầu tư có cái nhìn dài hạn về tiềm năng phục hồi của thị trường nghỉ dưỡng tại Việt Nam sau dịch, khi tình hình được kiểm soát và các hoạt động phục vụ khách du lịch nội địa và quốc tế được mở cửa trở lại.