Thêm minh chứng thành công trong chính sách đối ngoại của Việt Nam

Theo chinhphu.vn

GS. Carl Thayer-chuyên gia về Việt Nam và Biển Đông của Học viện Quốc phòng Australia nhận định chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama là minh chứng cho sự thành công trong chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thu hút sự quan tâm của nhiều giới, trong đó có các chuyên gia phân tích.

GS. Carl Thayer.

GS. Carl Thayer

Nhân dịp này, phóng viên đã phỏng vấn GS. Carl Thayer -chuyên gia về Việt Nam và Biển Đông của Học viện Quốc phòng Australia,một người am hiểu về Việt Nam và khu vực Đông Nam Á - về ý nghĩa của chuyến thăm cũng như triển vọng quan hệ hai nước sau khi Tổng thống Obama rời nhiệm sở.

Phóng viên: Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung, thưa ông?

GS. Carl Thayer: Chuyến thăm Việt Nam thể hiện chính sách tái cân bằng sang châu Á của Tổng thống Barack Obama.

Chuyến thăm cũng là minh chứng cho thấy vai trò mạnh mẽ và xây dựng của Việt Nam trong ASEAN, khu vực cũng như trên toàn cầu. Tổng thống Obama muốn thừa nhận vai trò đó của Việt Nam.

Quan trọng hơn, Tổng thống Obama muốn đặt nền móng vững chắc cho quan hệ song phương bằng cách giải quyết những hậu quả của chiến tranh như vấn đề chất da cam, rà phá bom mìn và vấn đề cấm vận vũ khí.

Chuyến thăm là minh chứng cho sự thành công trong chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Hai bên có thể đưa ra những cam kết tăng cường quan hệ đối tác toàn diện đã được ký kết năm 2013, đồng thời cũng cho thấy Việt Nam có thể dựa vào nhiều bạn bè để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Ngoài ra, chuyến thăm còn cho thấy cam kết lâu dài của Hoa Kỳ đối với an ninh khu vực Đông Nam Á.

Tổng thống Obama muốn truyền thông điệp nào trong chuyến thăm Việt Nam, thưa ông?

Tổng thống Obama muốn thể hiện bằng lời nói và hành động rằng Hoa Kỳ là một cường quốc Thái Bình Dương, có quyền lợi kinh tế, an ninh từ sự ổn định của khu vực Đông Nam Á cũng như Biển Đông.

Tổng thống Obama sẽ tìm cách chứng tỏ vai trò không thể thiếu của Hoa Kỳ ở khu vực vì Hoa Kỳ ủng hộ một trật tự trên thế giới và khu vực dựa vào luật pháp cũng như chuẩn mực quốc tế, vì cả hai điều này đều nhằm bảo vệ các nước nhỏ.

Thông qua chuyến thăm, Tổng thống Obama cũng muốn cho thấy Hoa Kỳ và Việt Nam có thể tiếp tục là đối tác trong phát triển dù hai nước có những khác biệt về hệ thống chính trị-xã hội, đồng thời hai nước có nhiều thuận lợi để tăng cường hợp tác và phát triển trong những năm tới.

Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ phát triển ra sao sau chuyến thăm của Tổng thống Obama, thưa ông?

Về vấn đề này tôi cho rằng sau khi Tổng thống Obama rời nhiệm sở, ông sẽ để lại những nền tảng quan trọng cho người kế nhiệm như: Quan hệ kinh tế dựa trên TPP, tuyên bố về quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam và cam kết tôn trọng chế độ chính trị của nhau.

Theo đó, nếu bà Hillary hay ông Donald Trump trở thành tân Tổng thống Hoa Kỳ thì Việt Nam đều có thể kỳ vọng về sự tiếp nối của quan hệ với Hoa Kỳ.

Thưa ông, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam (nếu có, trong thời điểm chuyến thăm) có phản ánh lòng tin ngày càng tăng của hai nước sau các chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam đến Hoa Kỳ và sau khi hai nước ký Hiệp định TPP?

Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam sẽ phản ánh hai vấn đề riêng biệt.

Thứ nhất là di sản của quá khứ. Tổng thống Obama muốn dành những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình để thực hiện các sáng kiến nhằm cải thiện quan hệ giữa Hoa Kỳ với Iran và Cuba. Tôi nghĩ rằng ông sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam theo tinh thần tương tự.

Tổng thống Obama muốn xây dựng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trên nền tảng quan hệ đối tác toàn diện và vạch ra con đường cho tương lai quan hệ hai nước.

Nhân tố thứ hai là Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lực an ninh hàng hải. Dỡ bỏ cấm vận vũ khí sẽ tạo ra môi trường mới thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương.

Trên xu thế đó, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận phản ánh bước phát triển của lòng tin chiến lược trong Tuyên bố "Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng" do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh và người đồng cấp Hoa Kỳ Ashton Carter ký năm 2015.

Tuyên bố nói trên mở ra triển vọng về mua bán các trang thiết bị và công nghệ quốc phòng. Hơn thế nữa, hai bên có thể tiến tới mục tiêu hợp tác sản xuất chứ không chỉ đơn giản là Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ bán cho những loại vũ khí hay trang thiết bị đắt tiền như tàu chiến, máy bay chiến đấu.

Hiệp định TPP cùng với hợp tác quốc phòng là hai trụ cột quan trọng của mối quan hệ lớn hơn quan hệ đối tác toàn diện.

Xin cảm ơn ông!

"Mặc dù chi tiết chương trình nghị sự chuyến thăm không được công bố nhưng chúng ta có thể kỳ vọng Tổng thống Obama sẽ gặp gỡ ban lãnh đạo mới của Việt Nam để khẳng định những bước tiến đã đạt được trong quan hệ hai nước trong những năm vừa qua, đặc biệt là từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.

Nếu có bất kỳ tuyên bố nào, tôi nghĩ đó có thể là thông báo việc Hoa Kỳ dỡ bỏ hoặc ít nhất nới lỏng hơn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Đó sẽ là một bước tiến lớn mang tính biểu tượng, cho thấy quan hệ hai nước đã bình thường hóa hoàn toàn.

Tôi hy vọng rằng cho dù ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ thì quan hệ hai nước vẫn sẽ tiếp tục đà phát triển cũng như sẽ tiếp tục cam kết bảo vệ luật pháp và chuẩn mực quốc tế ở Biển Đông".

(Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ - CSIS).