Thêm nhiều giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp
Nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, thực hiện nghĩa vụ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật… là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu luôn được Tổng cục Hải quan đẩy mạnh thực hiện
Tổng cục Hải quan vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 05/3/2018 và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2019, 2020.
Kế hoạch hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, thực hiện nghĩa vụ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Theo đó, các nhiệm vụ được ngành Hải quan tập trung thực hiện trong năm 2019 và 2020, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; Đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Để bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, ngành Hải quan tiếp tục triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.
Cùng với đó, ngành Hải quan tích cực tham mưu cho Bộ Tài chính triển khai thực hiện Nghị định quy định thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ngay sau khi Nghị định được Chính phủ ký ban hành; Tham mưu triển khai thực hiện Nghị định hướng dẫn thực hiện hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN – ACTS ngay sau khi có Nghị định.
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung và nghiên cứu, thí điểm thuê dịch vụ của bên thứ ba trong cung cấp các tiện ích cho cả doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước để thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.
Nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án tổng thể quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm mục đích kết nối các cơ quan chính phủ và các bên trong chuỗi cung ứng liên quan đến các hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên nền Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN.
Chủ động phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; Nghiên cứu, triển khai thực hiện một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một sản phẩm, hàng hóa; Xây dựng Đề án thí điểm thực hiện cơ chế bảo lãnh thông quan đối với một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành.
Để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, trong thời gian tới, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục được cơ quan Hải quan đẩy mạnh triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung: Triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan nhằm đấu tranh có hiệu quả với hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng khác và chính quyền địa phương trong trao đổi thông tin, phối hợp tuần tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý vi phạm…