Thêm nhiều nạn nhân dính "bẫy" đa cấp tiền ảo
Nhiều nạn nhân cho biết, họ đã trắng tay vì các dự án tiền ảo “rác” lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tiêu biểu là các dự án Skynet 4fx, AT Capital… Các dự án đa cấp tiền ảo tại Việt Nam mọc lên như nấm sau mưa, rất nhiều dự án đa cấp tiền ảo đã được phản ánh như: tiền ảo Gem, Vitea, BBO, Win, CBR, Silling, ETM, BKC…
Lừa đảo tiền ảo lan đến tận vùng quê
Gửi đơn kêu cứu lên báo chí, ông P.T (Bảo Lâm, Lâm Đồng) - một cựu chiến binh mất sức gần 70 tuổi cho hay, nhiều năm nay, gia đình ông sống trong cảnh giật gấu vá vai. Năm 2019, vợ ông mất vì ung thư, được bảo hiểm chi trả gần 100 triệu đồng.
Biết được gia đình nghèo đột nhiên có khoản tiền lớn, tháng 12/2019, vợ chồng Nguyễn Phúc Hoan (trú tại Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) và vợ chồng Nguyễn Đình Thuật (tổ dân phố 18, đường Hàm Nghi, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) cùng tìm đến và tranh nhau mời ông đi uống cà phê, giới thiệu với Thự - một chuyên gia tư vấn đầu tư tài chính.
Thự tự giới thiệu là người dân tộc Thái tại Tây Bắc, đang cộng tác với Dự án Skynet 4fx và hướng dẫn bố con ông T. đầu tư vào dự án này với lãi suất 20%/tháng, lợi nhuận trả vào ví hàng ngày bằng tiền ảo Ethereum (ETH). Sau khi nghe Thự giới thiệu dự án với lợi nhuận hấp dẫn, dù không hiểu gì về công nghệ thông tin và tiền ảo, nhưng bố con ông T. cũng đồng ý đầu tư gói 1.100 USD, số tiền quy đổi mà Thự yêu cầu ông T. đóng là 27,5 triệu đồng.
Sau khi đóng tiền, từ ngày 5/12 đến 12/12/2019, ông T. được Skynet 4fx trả lãi đều đặn bằng Etherum, quy ra tiền Việt là gần 700.000 đồng. Tuy nhiên, từ ngày 13/12, ông T. nhận được thông báo sàn nâng cấp và tạm thời không trả lãi. Tiếp đó, ông nhận được thông tin sàn sẽ không còn trả lãi bằng ETH nữa, mà chuyển sang trả bằng tiền ảo nội bộ do sàn tự phát hành và thông báo đến ngày 20/2/2020, tiền ảo Skynet 4fx sẽ lên sàn.
Lo lắng của ông T. ngày càng tăng khi mãi ngày 20/2, tiền ảo Skynet 4fx vẫn mất hút và đến ngày 25/2/2020 thì trang web Skynet 4fx chính thức bị đánh sập. Liên hệ với các nhà đầu tư khác, ông T. mới vỡ lẽ mình bị lừa. Trong tổng số tiền đầu tư 27,5 triệu đồng, ông mới lấy lại được tiền gốc gần 700.000 đồng.
Không chỉ bị lừa tham gia Dự án Skynet 4fx, bố con ông T. còn bị vợ chồng Nguyễn Phúc Hoan dụ đầu tư vào Dự án tiền ảo đa cấp AT Capital. Theo đó, cứ đầu tư vào 1 ETH thì nhà đầu tư nhận về 4 ATcoin (tiền ảo nội bộ do Dự án AT Capital phát hành). Thế nhưng, sau khi bỏ tiền đầu tư, gia đình ông T. mới nhận ra sự dại dột của việc bỏ tiền đầu tư “một cục”, nhưng chỉ được nhận lãi nhỏ giọt, chưa biết bao giờ mới hoàn vốn. Trong khi số vốn gốc chưa thể rút hết, thì ngày 1/6/2020, bố con ông T. cùng các nhà đầu tư nhận được thông báo phải tham gia mời gọi người khác gia nhập hệ thống thì mới cho rút lãi.
“Rõ ràng, đây là các dự án lừa đảo, đa cấp, lấy tiền người trước trả tiền cho người sau. Chúng tôi thiếu thông tin, thiếu kiến thức nên bị lừa. Cả hai dự án mà chúng tôi bị dụ tham gia đều không có hợp đồng, không có cam kết, không có hành lang pháp lý nào bảo vệ. Nhà đầu tư buộc phải tuân theo công ty mà không có quyền phản bác. Tôi rất mong các đối tượng lừa đảo này sẽ bị pháp luật trừng trị để những người khác không rơi vào cảnh bi đát như gia đình tôi”, ông T. mệt mỏi kiến nghị.
Tương tự, chia sẻ với phóng viên, anh Phan Hoàng Nam (Nam Sách, Hải Dương) cho hay, anh bị dụ dỗ tham gia Dự án Skynet 4fx từ cuối năm 2019 và hiện không còn hy vọng lấy lại tiền. Anh được người quen vồn vã giới thiệu tham gia Dự án Skynet 4fx, được quảng cáo là sàn ứng dụng công nghệ AI, blockchain với 6 hệ sinh thái gồm đầu tư, bảo hiểm, game online…
Dự án cho lợi nhuận 18-28%/tháng, riêng gói đầu tư sẽ cho lợi nhuận 8%/ngày (tối đa 200%/tháng), nếu giới thiệu người tham gia, thì được hưởng hoa hồng nhị phân thêm 8% nữa. Dự án sẽ trả tiền lời bằng token do sàn tự tạo ra. Khi hoa hồng hoặc tiền lời đủ 30 USD thì tiền sẽ tự động chuyển về ví và nhà đầu tư có thể rút ra được.
“Tin lời người quen, tôi đã đầu tư 5.000 USD, nhưng mới chỉ rút ra được hơn 2 triệu đồng thì sàn bị đánh sập, liên tục báo lỗi 522, không thể truy cập tài khoản, đồng nghĩa với việc mất sạch tiền. Khi tôi liên hệ thì người quen quay ngoắt 180 độ, chối bỏ trách nhiệm, cho rằng đầu tư là phải chịu rủi ro”, anh Nam cho hay.
Bỏ tiền thật mua tiền ảo rác
Thời gian gần đây, các dự án đa cấp tiền ảo tại Việt Nam mọc lên như nấm sau mưa, rất nhiều dự án đa cấp tiền ảo đã được Báo Đầu tư phản ánh như: tiền ảo Gem, Vitea, BBO, Win, CBR, Silling, ETM, BKC…
Điểm chung của các dự án này là dụ nhà đầu tư bỏ tiền thật mua một trong những đồng tiền ảo thuộc top 3-top 5 các tiền ảo hàng đầu trên thế giới (thường là Bitcoin, Ethereum, USDT). Sau đó, sử dụng số tiền ảo này để mua tiền ảo nội bộ do các công ty này tự phát hành (tiền ảo rác). Chiêu thức này khiến các sàn lừa đảo vừa thu về lượng lớn tiền ảo giá trị lớn, có tính thanh khoản cao, vừa để né cơ quan chức năng truy dấu vết dòng tiền (nếu chuyển tiền đầu tư bằng tiền đồng thì sẽ rất dễ bị truy dấu vết, kết tội lừa đảo, chiếm đoạt).
Nhà đầu tư vì ham lãi suất cao, nhắm mắt đổ tiền vào các dự án này theo chỉ dẫn của các “chuyên gia tài chính” tự phong, mà không hề có chứng từ nào. Chính vì vậy, khi mất tiền, họ cũng không có bằng chứng khiếu kiện.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, 100% dự án đa cấp tiền ảo tại Việt Nam nở rộ gần đây đều có dấu hiệu lừa đảo. Nguyên nhân, theo ông Hiếu, là do hành lang pháp lý của Việt Nam còn quá nhiều lỗ hổng, chưa có chế tài xử lý vi phạm. Trong khi đó, về phía nhà đầu tư, dù nhiều người biết tiền ảo không được pháp luật bảo vệ, song vì lòng tham, họ vẫn bất chấp lao vào.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho hay, NHNN đã nhiều lần khẳng định, không thừa nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, NHNN khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo.
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và sự nở rộ của các loại tiền ảo như hiện nay, ông Sơn thừa nhận, việc nghiên cứu xây dựng khung pháp lý về tiền ảo là rất cần thiết với Việt Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia, rất có thể, hành lang pháp lý sửa đổi tới đây sẽ đưa ra chế tài xử phạt chặt chẽ hơn với các hoạt động huy động vốn hoặc giao dịch bằng tiền ảo.
Bộ Tài chính đang xây dựng hành lang pháp lý về tiền ảo
Việc xây dựng hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động ICO, chỉ đạo các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan tới tiền ảo trái pháp luật, tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền… đã được Thủ tướng giao Bộ Tài chính từ năm 2018.
Đầu tháng 5/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có quyết định thành lập Tổ nghiên cứu của Bộ Tài chính về tài sản ảo, tiền ảo.
Tổ nghiên cứu có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.