Thêm “trợ lực” để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ bứt phá

Theo Báo Đại biểu Nhân dân (daibieunhandan.vn)

Thời gian qua, vấn đề kết nối giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các tập đoàn đa quốc gia không mới nhưng luôn là vấn đề nóng. Làm sao để các doanh nghiệp nội trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho cho các tập đoàn đa quốc gia vẫn là bài toán khó.

Thiếu nhà cung ứng trong nước

Báo cáo từ Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho thấy, không thể phủ nhận trong thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có những tiến bộ nhất định, đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, để đón đầu và nắm bắt cơ hội đó, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt còn yếu, chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), một chiếc ô tô có đến 30.000 linh kiện, song 80% số này đến từ nguồn nhập khẩu. Số còn lại do doanh nghiệp trong nước sản xuất với những chi tiết đơn giản.

Nghị quyết số 115/NQ-CP năm 2020 về giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ do Chính phủ ban hành đặt ra mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yêu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, năm 2030 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.

Nói về thực tế này, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam Hiroyuki Ueda từng chia sẻ, 2 năm qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng hãng vẫn tuyển dụng được 12 nhà cung cấp mới. Với số lượng này đã nâng tổng số nhà cung cấp cho đơn vị là 46, nhưng chỉ có 6 đơn vị là doanh nghiệp Việt. Tương tự, Giám đốc đối ngoại của Honda Việt Nam Nguyễn Huy Trung, cũng cho biết hiện công ty đang duy trì trên 100 nhà cung ứng cấp 1 cho các sản phẩm linh phụ kiện, phụ tùng xe máy. Qua khảo sát, có trên 70% nhà cung ứng hiện nay có thể chuyển đổi trở thành nhà cung ứng phụ tùng cho ô tô. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cần phải có lộ trình, chính sách hỗ trợ. Cũng bởi, số lượng linh kiện ô tô nhiều hơn xe máy, độ phức tạp và đòi hỏi công nghệ cao hơn, nên sẽ cần phải đảm bảo chất lượng, tính thẩm mỹ và ổn định cao trong sản xuất.

Nhìn nhận về vấn đề này, Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho hay, hiện nay dung lượng thị trường cho ngành công nghiệp hỗ trợ rất lớn nhưng thiếu trầm trọng các nhà cung ứng trong nước. Chẳng hạn, cả nước có 20 doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô nhưng mới chỉ có 84 doanh nghiệp cung ứng cấp 1 và 145 doanh nghiệp cung ứng cấp 2, 3. Trong khi đó, Thái Lan chỉ có 16 doanh nghiệp lắp ráp nhưng có đến 690 doanh nghiệp cung ứng cấp 1 và 1.700 doanh nghiệp cung ứng cấp 2, 3.

Gỡ “nút thắt”

Xuất phát từ những vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ, mới đây Cục Công nghiệp cùng Công ty Ô tô Toyota Việt Nam nỗ lực triển khai các hoạt động hỗ trợ nhằm phát triển năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ như: Sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất và lập danh sách nhà cung cấp tiềm năng về phụ tùng, linh kiện ô tô để kết nối với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam; Tìm kiếm, hỗ trợ nhà cung cấp tiềm năng cấp 2 và cấp 3 để giới thiệu đến nhà cung cấp cấp 1 từ những dữ liệu của hoạt động sàng lọc; Hỗ trợ tham gia đào tạo theo một số Chương trình phát triển nhà cung cấp Việt Nam.

Phó Giám đốc Khối kế hoạch Bán hàng & Dịch vụ Toyota Việt Nam Hiroshi Okamura nhấn mạnh, đối với Toyota Việt Nam, đẩy mạnh nội địa hóa không chỉ đơn thuần là gia tăng số lượng nhà cung cấp Việt mà quan trọng hơn là nâng cao năng lực, chất lượng của nhà cung cấp, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh.

Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel Trần Thị Thu Trang cho rằng các doanh nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để nâng cao được giá trị gia tăng trong sản xuất là xu hướng tất yếu. Song thực tế, các doanh nghiệp tập đoàn nước ngoài tham gia là các doanh nghiệp đầu chuỗi nên sẽ có sự ưu tiên cho các doanh nghiệp nước họ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước vẫn có nhiều lợi thế, ít rủi ro, nhân công rẻ. Nhưng làm thế nào để doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài là vấn đề cần phải nhìn nhận.

“Cạnh tranh về giá vẫn là thách thức, đây là cạnh tranh sòng phẳng toàn cầu. Cạnh tranh về giá có vấn đề, sau đó là tài chính, như các nước vay ưu đãi Chính phủ 0,5-1%, vay âm, còn Việt Nam vay đến hơn 6%. Cuối cùng là vấn đề nguyên vật liệu quy mô do Việt Nam sản xuất lại không có, do đó việc nhập khẩu làm cho giá trị gia tăng cao cùng với vấn đề tài chính cũng có cạnh tranh rất khủng khiếp. Vì vậy, muốn nâng cao vị thế cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam phải học tập liên tục, có chiến lược tầm nhìn đi trước với sự mong đợi của khách hàng” bà Trang cho hay.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) Phạm Tuấn Anh cho biết việc triển khai chính sách cấp bù lãi suất theo Nghị quyết số 115/NQ-CP đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Trong thời gian tới, để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn, nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản…

Ngoài ra, Nhà nước cần ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, cần có thêm những chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, hay các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.