Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái:
Theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng để có biện pháp điều hành phù hợp
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá sáng 3/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu, các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp, hiệu quả, đáp ứng mục tiêu quản lý lạm phát.
Giá cả cơ bản ổn định theo kịch bản điều hành
Theo Bộ Tài chính, từ nay đến cuối năm vẫn còn một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như: Lương cơ bản tăng từ ngày 1/7/2023; dịch vụ du lịch có xu hướng phục hồi trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát; giá một số mặt hàng vật liệu xây dựng như cát, đá xây dựng dự báo có thể tăng vào cuối năm, do nhu cầu triển khai các dự án giao thông trọng điểm, tập trung tại 3 điểm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long.
Bày tỏ đồng thuận cao với báo cáo đầy đủ, toàn diện của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, dư địa điều hành CPI trong năm nay còn lớn, phản ánh công tác điều hành giá linh hoạt, hiệu quả trong thời gian qua. Từ những thuận lợi này, cần tính đến khả năng điều hành giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu theo lộ trình thị trường.
Phân tích thêm về các nhóm hàng hóa, dịch vụ tác động tới chỉ số CPI, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ có 4 nhóm hàng hóa chính sau: Giáo dục; vật liệu xây dựng; dịch vụ du lịch, giải trí; năng lượng, nhiên liệu. Do đó, cần lưu ý trong điều hành giá 4 nhóm mặt hàng này.
Thông tin về diễn biến giá cả mặt hàng xăng, dầu trong những tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, 6 tháng đầu năm, giá năng lượng giảm đã tạo điều kiện dư địa điều hành cuối năm. Tuy nhiên, từ tháng 7 giá xăng dầu quay đầu tăng, bình quân tháng 7, giá dầu Singapore tăng từ 4,24% - 8,35%.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, trong 7 tháng năm 2023, thị trường hàng hóa thế giới chịu tác động đan xen bởi nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội.
Các nền kinh tế lớn đối mặt với tăng trưởng thấp, trong khi tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ có xu hướng gia tăng..., nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt (Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25% vào ngày 26/7/2023).
Ở trong nước, 7 tháng năm 2023, giá điện được điều chỉnh tăng từ ngày 4/5/2023, nhưng giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát và theo xu hướng giảm dần.
Từ đầu năm tới nay, thời tiết tương đối ổn định, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên nguồn cung lương thực, rau, quả dồi dào, giá mặt hàng nông sản không có biến động lớn.
Giá thịt lợn có xu hướng giảm trong 3 tháng đầu năm do sức tiêu thụ chậm sau đó giá tăng trở lại từ tháng 5 do nhu cầu tiêu dùng tăng vào mùa du lịch. Giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng trong nước có diễn biến tăng, giảm đan xen, do tác động của giá thế giới, nhưng bình quân chung vẫn giảm mạnh so cùng kỳ năm trước.
“Dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,2% - 3,7%, thấp hơn mục tiêu đề ra”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhận định.
Kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây lạm phát trong nước
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, trong những tháng còn lại của năm 2023 các bộ ngành, địa phương bám sát các kịch bản đã đề ra, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới; kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây lạm phát trong nước; thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành lưu ý đảm bảo cung cầu hàng hóa, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, nhất là để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao trong các dịp lễ, tết cuối năm...
Đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, cần tiếp tục theo dõi sát và các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, rà soát tham số đầu vào, đánh giá bối cảnh, tác động, mức độ và liều lượng điều chỉnh phù hợp để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở điều hành giá đảm bảo kiểm soát lạm phát cả năm.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đảm bảo kịp thời, minh bạch, đầy đủ thông tin về giá và công tác điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Các địa phương chủ động thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật khi hàng hóa có biến động bất thường.