Thị trường Bắc Âu: Ưa chuộng hàng Việt
Thủy sản, gạo, dệt may, da giày… là những mặt hàng Việt Nam được thị trường Bắc Âu ưa chuộng.
Tại thị trường Bắc Âu, cá tra Việt Nam được đánh giá rất cao. Tại châu Âu, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu cho biết, cá tra Việt Nam được tiêu thụ nhiều nhất tại thị trường Bắc Âu.
Theo số liệu của hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 4 năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 1,03 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó số liệu xuất khẩu, nhập khẩu tương ứng là 689,13 triệu, tăng 19,2% và 342,16 triệu tăng 7,3%. Trong đó, Bắc Âu là một trong những thị trường tiêu thụ tương đối tốt.
Cùng với cá tra, gạo Việt Nam cũng được thị trường Bắc Âu rất ưa chuộng. Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụỵ Điển - chỉ rõ, hiện nay, doanh nghiệp khu vực Bắc Âu thường mua gạo Japonica từ các nước trong khu vực EU như Tây Ban Nha, Ý, hoặc nhập khẩu từ Nhật Bản, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam chỉ bằng 1/3-1/2, dù chất lượng không hề thua kém. Do vậy, khi được giới thiệu và nhập khẩu thử, các doanh nghiệp đều hào hứng với gạo của Việt Nam.
Nhìn chung, Bắc Âu là các nước nhỏ, nhưng có nền kinh tế mở, hiện đại, xuất nhập khẩu thường chiếm 50-60% GDP. Mặc dù dân số ít nhưng kim ngạch nhập khẩu của các nước Bắc Âu khá ấn tượng. Đây là cơ hội cho Việt Nam – vốn là một quốc gia mạnh về sản xuất hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực EU nói chung và Bắc Âu nói riêng.
Hiệp định EVFTA mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu sẽ khó hơn rất nhiều nếu so với các nước trong EU có dân số lớn và nằm ở vị trí trung tâm châu Âu. Doanh nghiệp Việt Nam thường chọn đưa hàng vào thị trường Bắc Âu thông qua các nhà nhập khẩu trung gian lớn tại Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, và Ba Lan.
Do vậy, phát triển thị trường Bắc Âu trong thời gian tới cần phải định hướng lại với cách tiếp cận mới.
Cụ thể, bà Thúy cho biết, thứ nhất, cần quảng bá để tăng sự hiện diện của hàng Việt Nam tại thị trường. Chỉ cần người tiêu dùng biết đến hàng Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu nhiều hàng Việt Nam thì cho dù không nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam mà thông qua các đầu mối tại các nước EU khác cũng giúp tăng kim ngạch xuất khẩu nói chung của Việt Nam.
Thứ hai, tập trung xuất khẩu tại chỗ. Hiện nay, các tập đoàn bán lẻ của Bắc Âu hoạt động trên khắp thế giới về tất cả các lĩnh vực như: Thực phẩm, đồ gia dụng, thủ công, mỹ nghệ... Nếu như doanh nghiệp Việt Nam cung cấp được hàng cho các tập đoàn này, hoặc vận động các tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam, đồng nghĩa với việc hàng sản xuất tại Việt Nam sẽ được phân phối tại mạng lưới bán lẻ rộng khắp của họ. Do vậy, việc thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, thu hút các tập đoàn có sẵn mạng lưới phân phối toàn cầu của các nước này về Việt Nam đầu tư sản xuất rồi xuất khẩu ngược lại vào hệ thống phân phối của họ cần được ưu tiên. Khi đó, không chỉ tăng đầu tư, tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn tăng sang các nước Bắc Âu.