Thị trường bán lẻ: Sức ép lớn từ nguồn cung
(Tài chính) Theo báo cáo của Savills Việt Nam, từ nay đến cuối năm 2015, thị trường bán lẻ Hà Nội sẽ có thêm 16 dự án mới với tổng diện tích bán lẻ khoảng 353.000 m2. Trong đó, 4 dự án đã hoàn thành và 3 dự án đang trong quá trình hoàn thiện.
Nguồn cung mặt bằng bán lẻ trong hai năm tới dự kiến rất lớn. Trong năm 2016, dự kiến 8 dự án đang trong quá trình xây dựng sẽ ra mắt, cung cấp khoảng 234.000 m2 mặt sàn bán lẻ cho thị trường. Trong năm 2017, ước tính có khoảng 186.000 m2 mặt sàn bán lẻ từ 8 dự án sẽ gia nhập thị trường.
Trong quý 1/2015, tổng nguồn cung bán lẻ của Hà Nội giảm -3% theo quý và tăng 5% theo năm. Giá thuê trung bình giảm -2% theo quý và -10% theo năm. Trung tâm bách hóa ghi nhận mức tăng 2% theo quý, trong khi khối đế bán lẻ có mức giảm -4% theo quý. Giá thuê của trung tâm mua sắm giữ mức ổn định theo quý.
Công suất cho thuê đạt 84%, tăng 4 điểm % theo quý và 2 điểm % theo năm. Khối đế bán lẻ có công suất cho thuê tăng mạnh nhất, ở mức 11 điểm % theo quý; theo sau là Trung tâm bách hóa với 7 điểm % và Trung tâm mua sắm với 2 điểm % theo quý.
Khu nội thành, trung tâm và khu khác đều có diện tích thuê thêm được tốt hơn quý trước trừ khu vực phía Tây. Khu vực nội thành có mức tăng cao nhất, đạt 11.000 m². Trong 9 tháng sắp tới, thị trường sẽ có thêm 16 dự án mới với tổng diện tích bán lẻ khoảng 353.000 m2. Trong đó, bốn dự án đã hoàn thành và ba dự án đang trong quá trình hoàn thiện. Trong năm 2016, tám dự án đang trong quá trình xây dựng sẽ cung cấp khoảng 234.000 m2 mặt sàn bán lẻ cho thị trường. Trong năm 2017, dự kiến có khoảng 186.000 m2 mặt sàn bán lẻ từ tám dự án sẽ gia nhập thị trường.
Bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, nhận định: “Mặc dù giá cho thuê trung bình tiếp tục giảm nhưng phân khúc bán lẻ vẫn ghi nhận động thái tích cực với công suất và diện tích cho thuê thêm đạt mức cao hơn so với các Quý trước. Việc tái cấu trúc mặt bằng vẫn tiếp tục diễn ra ở một số trung tâm thương mại.”
Trong quý này, các nhà bán lẻ cả nội và ngoại đều có những hoạt động tích cực. Vincom Retail mở rộng chuỗi cửa hàng Vinmart+, bao gồm các siêu thị mini và cửa hàng tiện ích, trong khi hai thương hiệu mới là VinPro (cửa hàng đồ điện tử) và VinDS (TTTM tổng hợp) cũng được ra mắt trong năm nay. Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) và hai tập đoàn đến từ Thái Lan (BJC và Central Group) cũng mở rộng kinh doanh bằng cách hợp tác với các nhà bán lẻ nội.
Trong cuộc khảo sát ý kiến người tiêu dùng của CBRE thực hiện tháng 8/2014 với 1.000 người tiêu dùng từ 18 – 64 tuổi tại Hà Nội và TP. HCM được phỏng vấn, 25% số người được hỏi nói rằng họ sẽ đi mua sắm ít hơn tại cửa hàng. 45% - 50% người được hỏi nói rằng họ sẽ mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn. Bất ngờ là, 69% người tham gia trả lời từ 55 – 64 tuổi nghĩ rằng họ sẽ dùng điện thoại thông minh/máy tính bảng để mua sắm thường xuyên hơn, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn của người trẻ tuổi. Mặc dù triển vọng của loại hình TTTM truyền thống vẫn sẽ lạc quan, người vận hành TTTM cần phải nhận thức được những thách thức của hình thức bán lẻ trực tuyến. Điều này rất quan trọng trong việc quản lý và marketing cho TTTM.
CBRE khuyến nghị các nhà bán lẻ cần thay đổi chiến lược để thúc đẩy cả thương mại điện tử lẫn hoạt động kinh doanh ngoại tuyến bằng các hoạt động: tận dụng nguồn dữ liệu lớn (“big data”); áp dụng chiến lược trực tuyến đến ngoại tuyến (O2O); xây dựng những ứng dụng đơn giản và hiệu quả cho những khách hàng muốn mua sắm qua điện thoại thông minh/máy tính bảng.
Dự báo, trong thời gian tới, giá thuê mặt bằng bán lẻ TTTM sẽ giữ ổn định trong ngắn hạn; Các TTTM yếu sẽ cần phải tái cơ cấu ngành hàng và thêm các khách thuê chủ chốt. Hình thức chia sẻ doanh thu sẽ trở nên phổ biến hơn.