Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cải thiện lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa

Theo Thu Trang/congthuong.vn

Cải thiện năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN) bán lẻ nội địa là một trong những vấn đề của ngành Công Thương được các đại biểu, cử chi cả nước quan tâm tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV.

Thị trường bán lẻ Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ nước ngoài
Thị trường bán lẻ Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ nước ngoài

Với xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, nhiều DN bán lẻ ngoại không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng tại thị trường hấp dẫn này. Đây là thách thức đối với các DN bán lẻ nội địa trong việc giành lại thị phần trước sự tham gia của các thương hiệu ngoại.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, DN FDI tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam chủ yếu ở phân khúc thị trường bán lẻ hiện đại và chiếm khoảng 25-30% thị phần. Trong đó, FDI chiếm khoảng: 15% thị phần của phương thức bán lẻ qua trung tâm thương mại, 50% thị phần của phương thức bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi, 10% thị phần của phương thức bán hàng qua siêu thị mini và khoảng 50% thị phần của phương thức bán lẻ không thông qua cửa hàng. Có thể thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ nước ngoài.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thay thế Nghị định số 23/2007/NĐ-CP.

Theo đó, Nghị định số 09/2018/NĐ-CP sẽ củng cố, hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp lý nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động phân phối bán lẻ của doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các hoạt động lập cơ sở bán lẻ, phát triển chuỗi bán lẻ của đối tượng này từ việc mở rộng phạm vi quản lý theo nhà đầu tư, tên, nhãn hiệu…

Cùng với đó, Bộ Công Thương tích cực triển khai Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp mạng lưới phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 được Thủ tướng tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 13/9/2015.

Trong quá trình triển khai Đề án này, Bộ Công Thương tiếp tục yêu cầu các DN phân phối FDI trở thành đối tác chiến lược quan trọng của Đề án, nhằm hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn và đồng hành cùng các DN, các nhà sản xuất trong nước qua các chương trình phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đủ chất lượng để tham gia vào mạng lưới phân phối nước ngoài ở cả trong nước và nước ngoài. Đồng thời, định hướng các DN phân phối FDI phát triển và cạnh tranh đúng đắn, lành mạnh tại thị trường Việt Nam, gắn kết chặt chẽ với nguồn nhân lực và hàng hóa trong nước.

Trong bối cảnh hiện nay, việc mở cửa thị trường theo các cam kết hội nhập quốc tế, cùng với việc các rào cản thương mại, điều kiện ràng buộc về thuế quan được gỡ bỏ là xu hướng tất yếu. Các hiệp định thương mại có hiệu lực sẽ là cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư đến từ các nước thành viên CPTPP.

Bên cạnh đó, vấn đề hàng nội, hàng ngoại cũng cần được tiếp cận cởi mở và đa chiều hơn theo mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu. Với cơ chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với hội nhập kinh tế quốc tế thì xu thế mua bán doanh nghiệp, góp vốn, chuyển nhượng cổ phần (gọi tắt là M&A) giữa các DN trong nước hay giữa các nhà đầu tư nước ngoài với DN trong nước sẽ ngày càng phổ biến.

Cùng với đó, môi trường tự do hóa thương mại đặt ra những thách thức đối với năng lực cạnh tranh của hàng hóa và chủ thể bán lẻ trong nước. Đây cũng là cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính các đối tượng này.

Chính vì vậy, vấn đề cải thiện năng lực cạnh tranh của hàng hóa và DN trong nước chính là bài toán dài hạn của chính DN trong nước, đồng thời đòi hỏi sự phối hợp, chung sức của cả hệ thống chính trị và ngành Công Thương.