Thị trường bán lẻ Việt Nam: Doanh nghiệp nội có “lật ngược thế cờ”?
Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện chiếm hơn 50% thị phần kênh bán lẻ hiện đại. Mặc dù chỉ có 110 trong tổng số 800 điểm siêu thị trên cả nước, tức chỉ bằng 1/8, nhưng doanh số một điểm bán của doanh nghiệp FDI có thể gấp 7 - 8 lần doanh nghiệp nội.
Doanh nghiệp FDI nắm 50% thị phần kênh bán lẻ hiện đại
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay?
Ông Vũ Vinh Phú: Thị trường bán lẻ Việt Nam rất giàu tiềm năng với gần 95 triệu dân, thị trường nông thôn rộng lớn, trong khi đó hệ thống bán lẻ hiện đại còn rất ít. Cả nước mới có khoảng 800 siêu thị, chiếm 25%, kênh truyền thống chiếm 75%. Hơn nữa, nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp dồi dào do điều kiện tự nhiên thuận lợi cho chăm sóc và phát triển nhanh.
Tuy nhiên, hiện nay, thị trường Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều mặt hàng của các nước với quy mô ngày càng lớn và có nhiều ở các kênh phân phối nội địa như hàng Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc… Trong đó, đặc biệt là Thái Lan, nước có mức độ thâm nhập mạnh cả ở sản xuất, phân phối và hàng hóa vào thị trường Việt Nam. Đáng chú ý là, cuộc cạnh tranh để xâm nhập và phát triển hệ thống phân phối này của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang rất mạnh mẽ và quyết liệt, có nhiều ưu thế hơn so với doanh nghiệp Việt.
Tại dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2025, tầm nhìn đến 2035, Bộ Công thương đặt mục tiêu đến năm 2025, mức bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 88% tổng mức bán lẻ và khu vực FDI chiếm khoảng 12%; đến năm 2030, mức bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm 80% tổng mức bán lẻ và khu vực FDI chiếm 20%. Ông đánh giá thế nào về mục tiêu này?
Tôi cho rằng, hiện nay hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại của doanh nghiệp FDI chiếm hơn 50% thị phần kênh bán lẻ hiện đại. Bởi, mặc dù chỉ có 110 điểm trên 800 điểm siêu thị trên cả nước, tức chỉ bằng 1/8 nhưng một điểm bán của doanh nghiệp FDI có doanh số gấp 7 - 8 lần doanh số của doanh nghiệp nội. Nếu con số chiếm lĩnh thị phần kênh bán lẻ hiện đại mà tôi và một số chuyên gia nêu là đúng, còn Bộ Công thương bảo lưu ý kiến của mình sẽ dẫn tới định hướng dựa trên số liệu không thực tế, sẽ có những hậu quả khó lường.
Hàng Việt đã có nhiều tiến bộ trước sức ép của hàng ngoại nhưng lại không có chỗ đứng thực sự trong các siêu thị, các cửa hàng bán lẻ ngoài thị trường. Hàng Việt 10 quả xoài mới có 1 quả vào được siêu thị do chi phí trung gian và chiết khấu quá cao vô lí khi gửi hàng vào khâu bán lẻ hiện đại.
Hiện nay, đồ chơi, đồ điện dân dụng, may mặc thì Trung Quốc có thị phần từ 40% - 50%. Hàng điện máy, điện tử cao cấp thì Thái Lan, Malaysia, Indonesia… chiếm 60% - 70%. Chúng ta chỉ có hàng nông sản là chiếm 80% - 90%.
Tuy nhiên, có lẽ lo ngại về hàng Thái chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt là lớn nhất. Cách đây hàng chục năm, Thái Lan đã từng có tham vọng “biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường”, trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm. Thực tế đã chứng minh điều này, ngoài việc thực hiện liên doanh hợp tác, M&A, họ đã đầu tư, sản xuất và phân phối bằng mọi con đường.
Hiện đại hóa chợ truyền thống
Theo ông cần những giải pháp nào để nâng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp nội trong thị trường bán lẻ?
Để nâng cao vị thế của doanh nghiệp nội, không còn con đường nào khác là đầu tư cho ngành bán lẻ trong nước mạnh lên thông qua những quy định phù hợp. Tạo cho doanh nghiệp nội cơ hội tiếp cận nguồn vốn và mặt bằng kinh doanh cũng như tạo lập sự minh bạch, bình đẳng về môi trường kinh doanh. Tăng cường mối liên kết giữa nhà sản xuất và kênh phân phối. Ngành sản xuất Việt Nam, đặc biệt là những ngành sản xuất nông sản, thực phẩm phải đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và nâng chất lượng hàng hóa lên một tầm cao hơn.
Đồng thời phải gắn kết với khâu bán lẻ thành chuỗi, bớt những khâu trung gian, thương lái. Lấy ví dụ về 1kg đường, nhà máy bán 10.000 đồng/kg đến khâu bán lẻ 21.200 đồng/kg, giá cao vô lí đang hiện diện ở thị trường nội địa. Một số mặt hàng khác cũng tương tự, chẳng hạn như thịt lợn. Năm 2017, giá lợn giảm đến 53% nhưng trong siêu thị chỉ giảm 5 nghìn đồng. Thế mới thấy khâu bán lẻ “ăn” hầu hết lợi nhuận của người sản xuất. Ở Thái Lan, 1 bát mì mà “ăn” chênh lệch quá 30% sẽ bị thu chênh lệch.
Do đó, tôi và Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam nhất trí là phải luật hóa việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản xuất và phân phối ở Việt Nam, mà trước hết ưu tiên cho người sản xuất. Bởi, họ không trồng rau thì lấy đâu ra rau để bán, họ không trồng mía thì lấy gì để làm đường.
Thị trường bán lẻ trong nước làm tôi liên tưởng tới hình ảnh đánh bóng chuyền, mình nâng quả bóng lên cho người khác đập. Khi đầu vào cho sản xuất có giá thành cao, dịch vụ hậu cần (logistic) kém… sẽ đẩy giá sản phẩm lên, khi đó hàng nhập khẩu sẽ tràn vào cạnh tranh mạnh mẽ.
Chúng ta có cần quan tâm đến chợ truyền thống nữa không?
Chúng ta phải chú trọng hơn nữa kênh bán lẻ truyền thống tức là chợ. Chợ hiện đang chiếm đến 75% thị phần, tuy nhiên kênh phân phối này đang tăng trưởng chậm lại. Một phần đến từ sự phát triển mạnh mẽ, sôi động của bán lẻ hiện đại, một phần là do khâu đầu tư, cải tạo cho kênh này đang bị hạn chế.
Tại Hà Nội có năm không có đồng nào để cải tạo chợ. Do vậy, nhiều chợ hạ tầng kém, dơ bẩn, an toàn phòng chống cháy nổ không bảo đảm. Nhưng cũng có nhiều chợ biến thành trung tâm thương mại đem lại lợi nhuận cho nhóm lợi ích. Bà con do tiền sạp cao nên hầu như buôn bán khó khăn hoặc bỏ chợ. Chúng ta phải quan tâm cải tạo lại chợ bởi chợ sẽ tồn tại hàng trăm năm nữa, vì đến năm 2040 chúng ta mới phấn đấu đạt 45% bán lẻ hiện đại, vẫn còn 55% là chợ truyền thống. Ngoài ra, phải xây dựng các chợ đầu mối để giao dịch hàng hóa.
Và rất quan trọng việc phải kiểm soát thị trường. Đã có thời điểm khoai Trung Quốc đội lốt khoai Đà Lạt, các sản phẩm may mặc cũng bị gắn mác giả. Đành rằng buôn bán thì họ phải gian lận để đem lại lợi nhuận nhiều nhất, nhưng cơ quan quản lý nhà nước không phát hiện được thì đó là khuyết điểm.
Đối với doanh nghiệp, trong bối cảnh hội nhập giữa các nền kinh tế, muốn phát triển bền vững, doanh nghiệp cần phải xây dựng đạo đức văn hóa kinh doanh, không buôn bán hàng cấm, hàng giả; giữ gìn thương hiệu, giữ chân, khách hàng, tăng cường hình thức bán hàng kể cả trực tiếp hay online. Xây dựng những chiến lược dài hơn, xa hơn và chú trọng hơn việc xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp để chuẩn bị cho “cuộc đua” cần sức bền này.
Xin cảm ơn ông!