Thị trường bất động sản quý IV/2021: Liệu có hiện tượng bán cắt lỗ?

Theo Hà Thương/reatimes.vn

Theo các chuyên gia, việc gia tăng hoạt động chào bán bất động sản trong thời gian tới là dễ xảy ra, nhưng chưa thể gọi là làn sóng bán tháo nhằm cắt lỗ sản phẩm của các doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thị trường bất động sản đã bước sang quý IV/2021 trong trạng thái nền kinh tế dần “mở cửa” trở lại, vì vậy tâm thế của nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng cho những cuộc đổ bộ mới.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ có tâm lý chờ làn sóng bán tháo bất động sản, cắt lỗ sản phẩm mới xuống tiền gom hàng. Tình trạng này diễn ra ở các phân khúc như đất nền, biệt thự, căn hộ.

Chia sẻ với PV những quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HREC) cho rằng, tâm lý chờ hàng giảm giá để đầu tư là có diễn ra ở các nhà đầu tư tư nhân, nhỏ lẻ. Những nguyên nhân khiến họ kỳ vọng vào điều này có thể kể đến như:

Thứ nhất, yếu tố dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến toàn nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, từ đó ảnh hưởng ít nhiều đến “sức khỏe” tài chính của các doanh nghiệp bất động sản.

Thứ hai là hệ quả của các đợt sốt đất hồi đầu năm.

Thứ ba, các dự án hạ tầng giao thông bị chậm tiến độ, không được triển khai theo kế hoạch do hoạt động giãn cách xã hội diễn ra nhiều tháng liền khiến giá kỳ vọng của bất động sản “ăn theo” hạ tầng giảm.

Chính những yếu tố này đã tác động đến tâm lý của người mua bất động sản, khiến họ chờ đợi các đợt bung hàng bán cắt lỗ.

Tuy nhiên, Chủ tịch HREC cho rằng, giá bất động sản vẫn sẽ giữ mức ổn định trên thị trường trong quý IV/2021, vì vậy các nhà đầu tư không nên kỳ vọng quá nhiều vào hiện tượng bán cắt lỗ.

“Ở thời điểm hiện tại, cắt lỗ chỉ xảy ra trong hai trường hợp. Một là chủ đầu tư vay vốn quá nhiều, tiềm lực tài chính yếu. Hai là vị trí bất động sản không thuận tiện giao thông, đồng bộ hạ tầng.

Khi doanh nghiệp vay ngân hàng quá nhiều từ 70 - 80% thì dịch bệnh kéo dài, nhiều tỉnh thành phải thực hiện phong tỏa khiến hoạt động bất động sản không thể diễn ra, đồng nghĩa dòng tiền không về để trả lãi ngân hàng. Từ đó các doanh nghiệp hạ giá bán sản phẩm để duy trì sức sống.

Còn đối với những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính với vốn tự có cao, không cần vay ngân hàng hay vay ít thì hiển nhiên sẽ không cần bán cắt lỗ. Thay vào đó, những doanh nghiệp này còn tận dụng thời điểm dịch bệnh để chuẩn bị nguồn cung thật tốt và chờ hết dịch bung sản phẩm ra thị trường”, ông Bảo lý giải.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, dù áp lực lãi vay là rất lớn nhưng hiện tượng bán tháo nhà ở nói riêng hay bất động sản nói chung sẽ khó diễn ra.  

Giải thích nguyên nhân, ông Đính cho rằng, bất động sản là tài sản lớn, phải tích lũy nhiều thời gian, công sức. Nếu tình thế không quá cấp bách, người chủ sẽ vay mượn để trả lãi vay chứ không dễ dàng bán đi. Ngay cả khi muốn bán bất động sản, họ cũng sẽ tìm người mua thực sự có thành ý và có năng lực để mua, chứ không rao bán đại trà công khai. 

Hơn hết, lực của thị trường vẫn tốt, nhu cầu mua nhà, nhu cầu đầu tư bất động sản vẫn rất cao. Đặc biệt khi nền kinh tế đang dần khởi động và dịch bệnh được kiểm soát từng ngày, khả năng hồi phục của thị trường bất động sản trong quý IV đạt khoảng 40% thì nhu cầu giao dịch bất động sản cũng sẽ tăng lên.

“Hạ giá sản phẩm chỉ diễn ra với những phân khúc, dự án có hiện tượng sốt đất và tăng giá ồ ạt hồi đầu năm quý I và quý II.

Bởi vì ngay từ cuối quý II, đầu quý III, Chính phủ và cơ quan địa phương đã vào cuộc thực hiện các giải pháp điều chỉnh giá, cắt các cơn sốt, giá bất động sản cơ bản trở lại bình thường. Nên chủ đầu tư nào mua phải lúc giá trên đỉnh mà không kịp tháo thì sẽ ôm phải một lượng lớn hàng. Từ đó có khả năng hạ giá bán sản phẩm ở thời gian tới.

Ngoài ra, với những dự án nằm ngoài những địa điểm Nhà nước cho phép triển khai hoặc không phù hợp quy định pháp luật cũng có thể được hạ giá bán. Tuy nhiên với những sản phẩm này, người đầu tư không nên gom hàng bởi rủi ro pháp lý là rất cao”, ông Đính chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, thay vì kỳ vọng quá lớn vào các đợt giảm giá bất động sản nhằm cắt lỗ, các nhà đầu tư hãy tìm hiểu thật kỹ các sản phẩm, nắm rõ thông tin, thủ tục pháp lý và tiềm năng phát triển. Việc đầu tư thời gian và sức lực để hiểu rõ sản phẩm sẽ giúp nhà đầu tư có nhiều thành quả hơn là chờ đợi và phụ thuộc. Hơn hết, tốc độ gia tăng tài sản nhanh hơn tốc độ gia tăng tích lũy hay gia tăng thu nhập của cá nhân, do đó không nên chờ bất động sản xuống giá mới xuống tiền.