Thị trường bất động sản và các luồng tiền tiềm năng
(Taichinh) - Sau đợt suy giảm năm 2011-2013, về cơ bản các yếu tố để thị trường bất động sản (BĐS) phục hồi đã xuất hiện, trong đó có thể kể đến các luồng tiền tiềm năng vận hành vào thị trường.
PGS., TS. Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương mới đây đã cho biết, trong thời gian tới, thị trường BĐS có xu hướng tốt lên và đang có khá nhiều luồng tiền tiềm năng vận hành vào thị trường:
Trước hết là luồng tiền từ hệ thống ngân hàng: Thị trường BĐS phụ thuộc lớn vào luồng tiền từ hệ thống ngân hàng thương mại. Trong năm 2015, một số nguồn tiền từ hệ thống ngân hàng thương mại cho thị trường BĐS đã được xác định là: (i) Gói 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà thu nhập thấp; (ii) Luồng tiền hệ thống xem xét cho vay thông qua tăng dư nợ tín dụng; (iii) Luồng tiền ngân hàng cho các nhà đầu tư thứ cấp. Cùng với lãi suất chấp nhận được, luồng tiền từ hệ thống ngân hàng được cho là xung lực mạnh cho thị trường BĐS.
Thứ hai, luồng tiền từ bản thân các DN kinh doanh BĐS: Các DN BĐS đã trụ lại thị trường BĐS thời gian qua là những DN BĐS mạnh hoặc chí ít là đã đủ sức vượt qua các khó khăn. Một số DN đã tăng vốn đón đầu chu kỳ tăng trưởng BĐS. Một số đã chuyển giao một phần hoặc một phần DN, dự án để thực hiện hóa nguồn vốn. Luồng tiền từ bản thân các DN kinh doanh BĐS được cho là luồng tiền thực.
Thứ ba, luồng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài thông qua mua bán, sáp nhập: Đến nay, một số DN nước ngoài đang mua lại cổ phần, DN, dự án của DN BĐS Việt Nam. Xét về mặt luồng tiền, đây là luồng tiền hỗ trợ thị trường.
Thứ tư, luồng tiền kiều hối và từ các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài: Năm 2014, Việt Nam đã đón nhận 12 tỷ USD kiều hối. Một lượng lớn kiều hối đã được sử dụng vào việc mua nhà đất. Năm 2015, cùng với việc mở ra cho các đối tượng nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam, luồng tiền kiều hối dự kiến sẽ tăng lên và tỷ lệ đầu tư vào BĐS cũng tăng lên.
Thứ năm, luồng tiền từ dân cư: Lượng tiền trong dân hiện nay chưa có số liệu chính xác. Khi thị trường BĐS khởi sắc, kinh tế ổn định và phát triển, lượng tiền này sẽ vận hành vào thị trường.
Thứ sáu, luồng tiền từ các quỹ đầu tư: Hiện có khoảng 10 quỹ đầu tư tại Việt Nam có khả năng đầu tư vào thị trường BĐS. Những năm 2010-2014, do nhiều nguyên nhân, các quỹ này giải ngân ít vào thị trường BĐS. Cùng với việc nền kinh tế ổn định, tái phục hồi, thị trường BĐS khởi sắc, sẽ có một lượng tiền từ các quỹ đã và sẽ hình thành đầu tư vào thị trường BĐS.
Ngoài ra, thị trường BĐS cũng sẽ đón nhận những luồng tiền tiềm năng khác từ dòng tiền trên thị trường chứng khoán, dòng tiền từ các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ các công cụ phái sinh khác...
Theo PGS., TS. Trần Kim Chung, nhiều khả năng, từ quý II đến quý III/2015, thị trường BĐS sẽ đón nhận những xung lực mới từ những động năng Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tình hình kinh tế thế giới dần ổn định, nguồn kiều hối và vốn đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào thị trường nhờ tác động của các chính sách mới. Trong dài hạn, một chu kỳ mới của thị trường BĐS sẽ hình thành, giai đoạn trầm lắng của thị trường đã đủ dài để nền kinh tế tích lũy thế năng cho một chu kỳ mới.