Thị trường bất động sản vẫn còn đó những rủi ro!

Theo kinhdoanhnet.vn

(Taichinh) - Theo các chuyên gia đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam hiện đã có nhiều dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên vẫn còn đó những rủi ro. Đặc biệt, các doanh nghiệp và các nhà quản lý cần hết sức cẩn trọng trước nguy cơ “bong bóng” BĐS quay trở lại.

Cần hết sức cẩn trọng trước nguy cơ “bong bóng” BĐS quay trở lại. Nguồn: internet
Cần hết sức cẩn trọng trước nguy cơ “bong bóng” BĐS quay trở lại. Nguồn: internet

Theo Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, thị trường BĐS trên cả nước thời gian qua đã có những tín hiệu đáng mừng với lượng giao dịch nhà đất thành công tăng nhiều lần so với cùng kỳ các năm trước.Giao dịch thành công cả phân khúc nhà giá thấp và phân khúc trung cao cấp, tồn kho bất động sản giảm đến 40% kể từ năm 2014.

Cùng với những yếu tố khởi sắc trên, thị trường này cũng nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ như sự hồi phục của nền kinh tế, sự phát triển của hệ thống hạ tầng và giao thông tại các đô thị lớn, sự quan tâm của người mua nhà và các nhà đầu tư BĐS quay trở lại, các thay đổi từ chính sách quản lý nhà ở…

Song, theo ông Thành, thị trường BĐS vẫn còn đó những rủi ro. Chẳng hạn, tăng trưởng công nghiệp – xây dựng chậm lại trong thời gian qua khi tỷ lệ đô thị hóa chưa tới 40% cũng đặt ra những nghi vấn về một ngành bất động sản – xây dựng “chưa giàu đã già”. Chưa hết, khi đặt thị trường này vào mối tương quan với kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính mới thấy những thách thức rất lớn cho BĐS từ rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô, vấn đề nợ công, xử lý nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng…

Từ đó, ông Thành kết luận, thị trường BĐS vẫn hấp dẫn trong thời gian tới nhưng cần cẩn trọng để giám sát các rủi ro, đề phòng “bong bóng” BĐS quay trở lại mà bất cứ doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như những nhà hoạch định chính sách phải lưu tâm.“Chính phủ, một mặt muốn thị trường BĐS hồi phục, một mặt lại lo lắng thị trường này phát triển quá nóng dẫn đến không kiểm soát được,” ông Thành nhận xét.

Bên cạnh đó, theo TS. Trần Ngọc Quang, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea), thị trường đang diễn biến có nhiều dấu hiệu tích cực là một thực tế, các biểu hiện của các doanh nghiệp hiện nay thể hiện sự lạc quan vào sự phát triển của thị trường cũng như tin tưởng vào việc điều hành của Chính phủ. Các doanh nghiệp bất động sản của chúng ta mặc dù đã có bước phát triển tốt song còn nhiều tồn tại yếu kém, trong đó sức cạnh tranh chưa đủ mạnh để đương đầu với các nhà đầu tư ngoại. Theo ông Quang, thị trường BĐS hiện tồn tại 5 điểm yếu sau.

Theo đó, tồn tại lớn nhất là tiềm lực của các doanh nghiệp còn yếu, chủ yếu trên thị trường là các doanh nghiệp nhỏ, trong lĩnh vực bất động sản cũng vậy. Trong khi đó việc đầu tư các dự án bất động sản cần các doanh nghiệp có tiềm lực lớn.Thứ hai, năng lực quản lý và trình độ nghề nghiệp của các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa chuyên nghiệp như việc thiết kế, quản lý dự án, quản lý đầu tư, quản lý vận hành sau đầu tư…

Nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, việc đào tạo cũng chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng và chất lượng của thị trường. Việc quản lý chất lượng nguồn nhân lực cho thị trường cũng chưa hiệu quả dẫn đến tồn tại một lượng lớn một đội ngũ những cá nhân, doanh nghiệp làm về bất động sản song chất lượng không cao, thiếu chuyên nghiệp.

Mặc dù, các quy định của pháp luật về bất động sản cũng đang được hoàn thiện ngày một tốt hơn, phù hợp hơn song thách thức là việc đảm bảo sự tuân thủ các quy định của những nhà phát triển, đầu tư, phân phối bất động sản và của chính đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy chính quyền thực hiện việc quản lý sự tuân thủ này.

Khi được hỏi về việc thị trường nhà đất thời gian gần đây đồng loạt có sự tăng giá sẽ tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh trong thời gian tới, ông Quang nhấn mạnh rằng: "Chúng ta đều biết rằng cần phát triển thị trường một cách bền vững, tránh tình trạng tăng giá bán một cách đột biến qua hệ thống bán hàng bởi điều đó sẽ phá vỡ sự phát triển lành mạnh của thị trường. Mục tiêu chúng ta là đưa giá BĐS về sát với giá trị thực, gần với nhu cầu của người dân, chứ không phải đưa giá BĐS ngày càng cao lên, sẽ rất nguy hiểm.“Thị trường bền vững và cân đối đấy mới là điều chúng ta kỳ vọng. Chúng ta không mong muốn sự phát triển quá nóng hay sự bùng nổ ở giai đoạn nhất thời nào đó”, ông Quang nói.

Một vấn đề nữa là, ai cũng đều biết thu nhập của người dân còn thấp hơn nhiều so với giá bán bất động sản. Trong khi tốc độ tăng trưởng thu nhập của đại đa số người dân còn chậm, thì việc áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ để từng bước nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm góp phần vào quá trình giảm dần khoảng cách giữa giá bất động sản với khả năng thực tế của người mua là rất cần thiết.