Thị trường chứng khoán 2018 - Cơ hội trước, cạm bẫy sau
So với năm 2017, thị trường chứng khoán (TTCK) 2018 không còn là kênh đầu tư hiệu quả, do những biến động thất thường của VN Index. Điều đáng nói, những yếu tố tác động đến VN Index từ các yếu tố bên ngoài, càng khiến nhà đầu tư (NĐT), nhất là NĐT trong nước khó nhận diện được phương hướng, thậm chí rơi vào những cái bẫy trên TTCK.
Lên xuống thất thường
Tại hội thảo tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018 tổ chức ngày 20/12, ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), dự báo GDP năm 2018 có thể đạt 6,9-7% (cao nhất trong 10 năm trở lại đây).
Cũng theo ông Phước, kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục duy trì trên 7% trong năm 2019 với sự hỗ trợ của các yếu tố quốc tế, như hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại, đặc biệt từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ngoài yếu tố vĩ mô, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) cũng ghi nhận những con số khả quan. Theo thống kê, nếu loại trừ kết quả kinh doanh của nhóm ngành tài chính, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý III của các DNNY tăng lần lượt 12% và 9%.
Tuy nhiên, những thông tin nội tại đã không thể giúp TTCK duy trì đà tăng trưởng ổn định như đã diễn ra trong năm 2017. Diễn biến của thị trường trong năm 2018 được chia ra làm 4 giai đoạn khá rõ ràng. Giai đoạn 1, VN Index tăng mạnh 220,99 điểm (tương đương 22,36%) từ mốc 984,24 cuối năm 2017 lên mốc 1.204,33 vào ngày 12/4.
Giai đoạn 2, thị trường chịu áp lực chốt lời mạnh, cộng với việc khối ngoại bán ròng do lo ngại rủi ro đến từ các thị trường mới nổi dưới tác động của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang. Áp lực từ bên ngoài khiến VN Index đã giảm điểm liên tục, chạm đáy ở mức 893,16 điểm vào ngày 11/7, mất 311,17 điểm so với thời điểm đỉnh vào 12-4 (tương đương 34,84%).
TTCK năm 2018 có sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô với mức vốn hóa thị trường đạt 75% GDP, vượt chỉ tiêu đề ra của năm 2020. Mặc dù xu hướng rút vốn diễn ra tại các nền kinh tế mới nổi, nhưng NĐT nước ngoài vẫn mua ròng, thể hiện niềm tin của các NĐT, góp phần củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.
TS. Trương Văn Phước,
Quyền Chủ tịch NFSC
Giai đoạn 3, tiếp diễn cho đến phiên giao dịch cuối cùng của quý III, đánh dấu sự phục hồi của chỉ số VN Index, nhờ thông tin kết quả kinh doanh quý II tích cực, đồng thời NĐT dường như đã thích ứng với các diễn biến chính trị và kinh tế toàn cầu. Trong giai đoạn này, VN Index phục hồi tăng trên mức 1.000 điểm (tăng 32,89 điểm so với đầu năm, tương đương 3,34% và 56,35 điểm so với cuối quý II).
Giai đoạn 4, thị trường bất ngờ điều chỉnh mạnh, đặc biệt là những phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018 sau khi FED có động thái nâng lãi suất lần thứ 4 trong năm 2018. Đối với các ngành, kể từ đầu năm tới nay, nhóm tài chính và tiện ích cộng đồng đi ngược chiều thị trường khi tăng lần lượt gần 18% và 1,3%, các nhóm khác đều theo xu hướng giảm.
Nhóm CP giảm mạnh nhất là dầu khí (giảm 29,3%), tiếp theo là nhóm ngành viễn thông, dược phẩm và y tế, công nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh đi xuống chung, vẫn có các nhóm tăng trưởng tốt ngay trong giai đoạn điều chỉnh cuối năm như: công nghiệp, công nghệ thông tin, tiện ích cộng đồng, dịch vụ tiêu dùng, ngân hàng.
Thao túng giá chưa được kiểm soát
Ở giai đoạn 2, khi VN Index tạo đáy tại vùng gần 900 điểm trong tháng 7, thanh khoản của thị trường ghi nhận mức thấp kỷ lục với chỉ 2.700 tỷ đồng giá trị khớp lệnh bình quân trên cả 2 sàn (thấp nhất trong vòng 18 tháng). Trong cùng giai đoạn, giá trị giao dịch trên thị trường phái sinh (TTPS) cũng ở mức cao nhất từ trước tới nay (đạt 13.700 tỷ đồng). Điều này cho thấy sự dịch chuyển rõ rệt của dòng tiền từ thị trường cơ sở sang TTPS.
Trong nỗ lực tạo sự cân bằng giữa 2 thị trường, ngày 18/7 Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ ban đầu của Hợp đồng tương lai chỉ số VN30, từ mức 10% lên 13%. Ngay lập tức, chênh lệch thanh khoản trên 2 sàn được thu hẹp đáng kể.
Động thái này cho thấy các cơ quan quản lý cũng lo ngại việc dòng tiền chảy mạnh qua TTPS, sẽ ảnh hưởng không tốt đến thị trường cơ sở. Tuy nhiên, với NĐT có kinh nghiệm, động thái này chứng tỏ cơ quan quản lý nhà nước lo ngại sự thao túng giá trên TTPS để tác động ngược lại TTCK cơ sở.
Có thể nói, hiện tượng thao túng giá đang là “căn bệnh” khó trị trên TTCK, dù các cơ quan quản lý đã có nhiều giải pháp ngăn chặn. Không chỉ gây thiệt hại cho NĐT, còn làm TTCK kém minh bạch. Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, hiện nhiều CP có chỉ số cơ bản tốt xuống giá, trong khi CP có mức vốn hóa nhỏ, lợi nhuận trên cổ phần (EPS) thấp lại tăng mạnh, xuất phát từ các chiêu thức làm giá CP ngày càng tinh vi. Theo ông Hiển, các “đội lái” thường nhắm đến 2 loại CP để làm giá.
Đầu tiên là CP có tiềm năng thực sự nhưng ít thông tin, nên giá vẫn ở mức vừa phải. Với nhóm CP này, “đội lái” sẽ cấu kết với lãnh đạo DN để nhận được sự hỗ trợ về mặt thông tin. Nhóm CP thứ 2 là những DN có quy mô nhỏ, giá thấp để dễ dàng tung ra các lệnh ảo và thao túng giá.
Trước hoạt động thao túng giá CP diễn biến phức tạp, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa, tăng mức xử phạt, thậm chí xử lý hình sự đối với một số trường hợp làm giá CP, để răn đe và góp phần làm tăng tính minh bạch trên TTCK.
Kênh thoái vốn nhà nước hiệu quả
Bỏ qua những yếu tố thao túng giá CP hay sự tăng giảm bất thường, TTCK đang là kênh thoái vốn nhà nước hiệu quả nhất ở thời điểm hiện tại. Có thể lấy dẫn chứng từ trường hợp của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG). Cuối năm 2017, Tổng công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chào bán 96,2 triệu cổ phần VCG (tương đương 22% vốn điều lệ) nhưng không thành công.
Bất ngờ đã xảy ra khi toàn bộ số cổ phần mang ra đấu giá vào cuối tháng 11 đều được đặt mua, thậm chí giá đặt mua cao hơn 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Trước đó, việc thoái vốn của Bộ Công Thương tại Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) cũng gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, sau khi SAB niêm yết trên HOSE, việc thoái vốn trở nên dễ dàng, thậm chí số tiền thu về từ đợt thoái vốn đạt 110.000 tỷ đồng khiến nhiều người bất ngờ.
Dù cơ hội thoái vốn khi đưa CP trên TTCK khá rõ ràng, nhưng nhiều DN vẫn chưa mặn mà với việc đưa CP lên niêm yết. Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài chính, đến thời điểm cuối năm 2018, vẫn còn 667 DN chưa thực hiện định kỳ đăng ký giao dịch trên TTCK (số lượng DNNN sau cổ phần hóa chưa niêm yết trong năm 2017 là 747 DN). Hiện mới có 231/747 DN (tương đương 31%) đã đăng ký công ty đại chúng với UBCKNN.
Trong đó, có 152 DN đã niêm yết, 56 DN chưa niêm yết, 23 DN đã hủy đăng ký công ty đại chúng. Như vậy, chỉ có 152/747 DN (tương đương 20,3%) thực hiện nghĩa vụ đăng ký niêm yết sau cổ phần hóa. Trong đó, TPHCM là địa phương có nhiều DN chưa niêm yết sau cổ phần hóa nhất, với 11 công ty mẹ và hàng trăm công ty con.
Theo nhận định của CTCK Vietcombank (VCBS), năm 2019 quy mô của TTCK sẽ có nhiều biến chuyển tích cực, với việc các tập đoàn lớn trong nước đã và đang tiếp tục thoái vốn như VEA, Lilama, Viglacera… có thể kéo nguồn tiền lớn quay lại thị trường.
Thanh khoản thị trường vì vậy cũng được cải thiện, với khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2019 ước đạt 255 triệu CP trên cả 2 sàn, tương ứng với mức tăng 12% so với 2018. Giá trị giao dịch theo đó đạt mức tăng khoảng 14%, tương đương giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt khoảng 5.700 tỷ đồng trên cả 2 sàn.
Theo Nghị định 108/2013/NĐ-CP, hành vi thao túng giá CP bị phạt tiền tối đa đối với tổ chức đến 1,2 tỷ đồng, với cá nhân đến 600 triệu đồng. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị tịch thu toàn bộ khoản thu lời bất hợp pháp (nếu có). Luật Hình sự (sửa đổi 2015) có hiệu lực kể từ năm 2018 cũng đưa ra nhiều chế tài xử phạt nặng, trong đó cao nhất là phạt tù tối đa 7 năm đối với hành vi thao túng giá CP.
Theo Nghị định 108/2013/NĐ-CP, hành vi thao túng giá CP bị phạt tiền tối đa đối với tổ chức đến 1,2 tỷ đồng, với cá nhân đến 600 triệu đồng. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị tịch thu toàn bộ khoản thu lời bất hợp pháp (nếu có). Luật Hình sự (sửa đổi 2015) có hiệu lực kể từ năm 2018 cũng đưa ra nhiều chế tài xử phạt nặng, trong đó cao nhất là phạt tù tối đa 7 năm đối với hành vi thao túng giá CP.