Chứng khoán 2018: Kịch tính đến phút chót!

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Đã từng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2018 nhưng những gì thị trường chứng khoán vừa trải qua lại là những thăng trầm, đảo điên. Đến tận phút chót, thị trường vẫn đang diễn ra những chuỗi ngày “đỏ lửa” khiến tâm lý giới đầu tư bị đè nặng.

Thị trường chứng khoán đang lạc nhịp trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam. Nguồn: Internet
Thị trường chứng khoán đang lạc nhịp trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam. Nguồn: Internet

Phiên giao dịch ngày 21/12, chỉ số Vn-Index đánh mất mốc 920 điểm, xuống dưới vạch xuất phát 984 điểm hồi đầu năm và giảm 24% so với mức đỉnh 1.200 điểm.

Chưa bao giờ thị trường chứng khoán Việt Nam lại bị ảnh hưởng bởi thị trường thế giới lớn như năm 2018. Với mỗi diễn biến của giá dầu, của việc Fed tăng lãi suất hay những phiên lao dốc của hai chỉ số lớn sàn chứng khoán Mỹ là Dow Jones và S&P 500, chứng khoán Việt cũng trong tình trạng “mất phanh”, mặc dù các chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực.

Thế giới trắng tay

Tại phố Wall, các chỉ số lớn liên tiếp rơi vào vùng điều chỉnh, kết thúc thời kỳ tăng trưởng cao và kéo dài. Nhóm cổ phiếu công nghệ từ chỗ được giới đầu tư đặc biệt yêu thích và kỳ vọng nay trở thành những “tội đồ” và bị bán tháo nặng nề.

Tính đến phiên giao dịch ngày 20/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones rớt xuống mức 22.859 điểm về vùng thấp nhất trong năm, tệ hơn cú sụt giảm hồi tháng 2, cũng chính là thời điểm Fed đưa ra thông báo chính thức nâng lãi suất lần thứ tư trong năm 2018.

Cổ phiếu Facebook có lẽ là cổ phiếu hứng chịu những cơn bão nặng nề nhất bởi bê bối tiết lộ thông tin người dùng. Những cổ phiếu công nghệ khác như Alphabet, Amazon và Netflix đều tăng so với hồi đầu năm nhưng cũng không có diễn biến thực sự ấn tượng.

Ngoài ra, chỉ số S&P 500 đang hướng tới quý tệ nhất kể từ cuối năm 2008, khi đã mất 15%; Nasdaq giảm 19,5% kể từ đỉnh tháng 8.

Tương tự, chỉ số MSCI World Index – chỉ số theo dõi hoạt động trên thị trường chứng khoán của thị trường mới nổi, cũng “bốc hơi” hơn 10%, xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ cũng kéo theo những cú rung lắc mạnh tại thị trường châu Á trong năm qua. Các chỉ số lớn của châu Á đồng loạt giảm trước tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư.

Chỉ số Nikkei 225 mất 10,92% so với đầu năm, chạm mức thấp nhất trong 52 tuần với 20.392,58 điểm khi kết thúc phiên giao dịch ngày 20/12; Shanghai Index cũng có một năm lao dốc, ghi nhận mức giảm 22,85%; chứng khoán Hong Kong đã chứng kiến đợt giảm dài nhất trong 36 năm với cú trượt dài của gã khổng lồ công nghệ Tencent; chỉ số Kospi rơi vào mức đáy 1996,05 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng không ngoại lệ, phải hứng chịu những lo ngại của các nhà đầu tư do bất ổn đến từ các sự kiện chính trị như Brexit hay cuộc khủng hoảng chính trị ở Italia.

Việt Nam cũng “sốc”

Năm 2018 cũng là năm thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất trước sự trồi sụt của thị trường thế giới

Phiên giao dịch ngày 9/4, chỉ số Vn-Index chạm đỉnh 1.204,3 điểm trước sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chỉ số này tăng 22,4% trong vòng hơn 4 tháng và trở thành chỉ số tăng trưởng mạnh nhất thế giới, thanh khoản đạt hàng chục nghìn tỷ mỗi phiên.

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, một đợt sóng điều chỉnh kéo dài đã lấy đi hết những thành quả mà thị trường đạt được. Trong quý II, chứng khoán Việt lại được “xướng tên” với vị trí thứ nhất nhưng là giảm mạnh nhất so với thế giới.

Không chỉ về mặt điểm số, thanh khoản thị trường còn sụt giảm rất mạnh cho thấy dòng tiền đã đứng ngoài thị trường để ‘trú bão’. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tục khiến thị trường biến động với biên độ lớn.

Tương tự thị trường Mỹ, nhóm cổ phiếu ngân hàng với những cái tên “lừng lẫy” như VPB (VPBank), VCB (Vietcombank), CTG (VietinBank), BID (BIDV)…từng được giới đầu tư yêu thích bao nhiêu thì lại khiến họ “cháy túi” bấy nhiêu.

Ngoài ngân hàng, nhóm cổ phiếu dầu khí cùng sự lao dốc của giá dầu thế giới cũng góp phần không nhỏ vào sự đảo điên của thị trường.

Ngay cả những cái tên gây “xôn xao” dư luận với những phiên IPO thành công ngoài sức mong đợi như BSR (Lọc hóa dầu Bình Sơn), POW (PV Power), OIL (PV Oil) cũng đều lao dốc.

Rồi cũng thật bất ngờ trong giai đoạn đầu quý III, thị trường bất ngờ hồi phục trong những phiên giao dịch đầu tháng 9 với sự trở lại của khối ngoại và diễn biến tích cực giá dầu.

Tại thời điểm đó, nhóm cổ phiếu dầu khí vươn lên trở thành những “ngôi sao” của sàn chứng khoán khi đạt biên độ tăng tới vài chục phần trăm chỉ trong thời gian ngắn, hầu hết các cổ phiếu nhóm ngành khác cũng hồi phục.

Chỉ số Vn-Index tìm lại ngưỡng 1.000 điểm; Hnx-Index cũng đạt mức trên 115 điểm. Khi đó, hàng loạt những đánh giá nhận định thị trường hoàn toàn có thể tìm lại vùng đỉnh hồi tháng 4, nút thắt tâm lý của nhà đầu tư được cởi bỏ.

Thế nhưng, ảnh hưởng của những lần tăng lãi suất của Fed cũng như các biến động của thị trường thế giới một lần nữa đã lấy đi hết những thành quả mà thị trường Việt đạt được sau một thời gian dài tích lũy, mức thấp nhất thiết lập trong năm là 880,85 điểm ngày 30/10. Tại thời điểm hiện này, chỉ số Vn-Index đã giảm

Tăng và giảm là một điều bình thường trên thị trường chứng khoán, nhưng thăng trầm vào đảo điên như năm 2018 thì không phải là điều được mong đợi. Thị trường tăng trưởng bền vững không chỉ là mục tiêu của cơ quan quản lý mà đó còn là kỳ vọng của đa số nhà đầu tư.

Vẫn còn vài phiên giao dịch nữa mới kết thúc năm 2018 nhưng với những diễn biến hiện nay, lấy lại những gì đã mất là điều khó có thể xảy ra, thậm chí trong kịch bản tiêu cực thị trường còn có thể lùi sâu hơn mốc 900 điểm.

Sẽ có nhiều tiếc nuối nhưng thị trường chứng khoán là vậy luôn mang đến cho người tham gia nó những bất ngờ. Bất ngờ vui, bất ngờ buồn và bất ngờ hoảng loạn.