Thị trường chứng khoán: Cần có 3 cấp giám sát


Ba cấp giám sát thị trường chứng khoán (TTCK) gồm: Công ty chứng khoán (CTCK); Sở Giao dịch Chứng khoán (Sở GDCK) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Đây là điểm mới trong Dự án Luật Chứng khoán sửa đổi.

Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, về công tác giám sát thị trường, Luật hiện hành giám sát theo 2 cấp: Sở Giao dịch Chứng khoán – UBCKNN. Tức là, thông qua việc giám sát trên hệ thống giao dịch trực tuyến, nếu Sở GDCK phát hiện có dấu hiệu giao dịch bất thường, biến động về giá, giao dịch, khối lượng sẽ phân tích và báo cáo UBCKNN. Từ đó, UBCKNN tiếp tục có bước xử lý tiếp theo như kiểm tra, thanh tra, thu thập hồ sơ, tài liệu,…theo quy định.

Tuy nhiên, tại Dự án Luật sửa đổi lần này, Ban soạn thảo quy định 3 cấp giám sát: CTCK – Sở GDCK – UBCKNN. Theo đó, tại CTCK, khi cung cấp dịch vụ, phát hiện giao dịch bất thường phải báo cáo Sở GDCK. Đây là thông lệ quốc tế mà tất cả các nước ASEAN, các nước phát triển, Liên minh Châu Âu áp dụng.

Theo UBCKNN, nội dung Dự án Luật Chứng khoán sửa đổi đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hoá các nhóm chính sách đề nghị xây dựng Dự án Luật được Chính phủ thông qua; tăng cường quản lý nhà nước về chứng khoán, TTCK, đảm bảo TTCK hoạt động an toàn, minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro hệ thống. Nội dung của Dự thảo Luật đã phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và dự kiến sửa đổi của các Luật đang xây dựng trình Quốc hội.

Dự án Luật Chứng khoán sửa đổi đã được UBCKNN tham khảo kinh nghiệm từ rất nhiều nước, từ nhiều Luật. Qua trao đổi, nhiều chuyên gia ở các nước đều đánh giá Luật Chứng khoán sửa đổi đã tiệm cận được các thông lệ quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc của Tổ chức Quốc tế của các Uỷ ban Chứng khoán - IOSCO cũng như các chuẩn mực tiên tiến tại các nước Châu Âu, Châu Mỹ và phù hợp với thực tế tại Việt Nam.

Đến nay, qua các vòng thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến của Chính phủ và Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã tương đối hoàn chỉnh. Dự thảo Luật sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 5/2019, xem xét thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 10/2019.

“Chúng tôi kỳ vọng Luật Chứng khoán sửa đổi lần này là bước tiến đột phá để đảm bảo TTCK hoạt động an toàn, hiệu quả hơn, quản lý giám sát thị trường chặt chẽ, đảm bảo thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam”- Bà Vũ Thị Chân Phương chia sẻ.

Lý giải cơ sở để cơ quan soạn thảo đề xuất mức sửa đổi, nâng điều kiện về vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng đối với chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, bà Phương cho biết, Luật Chứng khoán đã ban hành từ 2006, đến nay đã 12 năm, quy mô của các công ty đại chúng đã tăng rất nhiều.

Mức đề xuất này đã được ban soạn thảo tham khảo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài và thực tế tại một số nước trong khu vực. Mặt khác, hiện nay, tại Việt Nam, trên 2 Sở GDCK, mức vốn từ 30 tỷ đồng của các CTCK chiếm đa số (trên 80%). Như vậy, chọn mức 30 tỷ đồng như dự thảo là phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn tại TTCK Việt Nam.

Để khắc phục hạn chế của Luật hiện hành, bảo đảm thực hiện tốt các cam kết quốc tế, phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán đạt hiệu quả, trên cơ sở rà soát, đảm bảo phù hợp với các luật khác liên quan, Dự án Luật cũng đề xuất bổ sung một số quyền cho UBCKNN trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.