Thị trường chứng khoán kết thúc tháng 8 với nhiều dấu hiệu tích cực

PV.

Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc tháng 8 với nhiều dấu hiệu tích cực khi các chỉ số trên HOSE đều có xu hướng tăng. Đặc biệt, thanh khoản thị trường cũng thiết lập kỷ lục mới khi giá trị giao dịch đạt mức 38.075 tỷ đồng vào phiên ngày 20/08/2021 – mốc cao nhất trong 21 năm qua kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào vận hành.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 08/2021, chỉ số VN-Index đạt mức 1.331,47 điểm, tăng 1,64% so với tháng trước và tăng 20,62% so với đầu năm 2021.

Chỉ số VNAllshare đạt 1.359,37 điểm, tăng 1,15% so với tháng trước và tăng 31,67% so với đầu năm 2021; VN30 đạt 1.428,66 điểm, giảm 1,28% so với tháng trước nhưng lại tăng đến 33,42% so với đầu năm 2021.

Số liệu của thị trường cũng cho thấy, so với tháng trước, các chỉ số ngành ghi nhận sự tăng trưởng cao trong tháng này bao gồm: ngành Chăm sóc sức khỏe (VNHEAL) tăng 18,38%, ngành Công nghiệp (VNIND) tăng 11,96% và ngành Nguyên vật liệu (VNMAT) tăng 8,21%. Ở chiều ngược lại, các ngành ghi nhận sự sụt giảm bao gồm ngành Công nghệ thông tin (VNIT) giảm 0,04% và ngành Tài chính (VNFIN) giảm 3,23%. 

Đặc biệt, thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 08 thiết lập kỷ lục vào phiên ngày 20/08/2021 với giá trị giao dịch đạt mức 38.075 tỷ đồng cao nhất trong 21 năm qua, và khối lượng giao dịch đạt gần 1,2 tỷ cổ phiếu.

Cũng trong tháng này, giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt ghi nhận trên 23.034 tỷ đồng và 703,36 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng lần lượt 13,95% về giá trị và tăng 16,63% về khối lượng bình quân so với tháng trước.

Tổng giá trị và khối lượng giao dịch cổ phiếu trong tháng lần lượt đạt trên 506.768 tỷ đồng và 15,47 tỷ cổ phiếu, tương ứng tăng lần lượt 13,95% về giá trị và tăng 16,63% về khối lượng so với tháng trước.

Trong tháng 08, tổng khối lượng giao dịch chứng quyền có bảo đảm (CW) đạt 223,54 triệu CW với giá trị giao dịch đạt gần 624 tỷ đồng. Kể từ ngày đầu tiên chính thức giao dịch, đã có 392 mã CW trên 26 cổ phiếu cơ sở của 10 tổ chức phát hành được niêm yết và giao dịch.

Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, trong tháng 08/2021, tổng giá trị giao dịch của khối ngoại chỉ đạt trên 66.944 tỷ đồng, chiếm 6,61% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị gần 6.318 tỷ đồng. Theo lũy kế từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 36.769 tỷ đồng trên sàn HOSE.

Tuy kết thúc tháng 8 với nhiều dấu hiệu tích cực song theo các chuyên gia kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức. Cụ thể theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, thị trường chứng khoán vẫn sẽ khó tránh khỏi một số nhịp điều chỉnh tiếp theo từ nay đến hết năm 2021.

Trên góc độ dòng tiền, các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng có 3 rủi ro, thách thức lớn cần lưu tâm, cụ thể:

Thứ nhất là, dòng vốn tích lũy thực ngày càng giảm (tiết kiệm/GDP giảm từ mức 41,2% năm 2013 xuống còn khoảng 30,5% năm 2020, chênh lệch tiết kiệm - đầu tư cũng giảm từ mức 8,2 điểm % xuống mức âm 3,9 điểm %; tình trạng thất nghiệp, thu hẹp, ngừng trệ sản xuất, giảm thu nhập do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19). Do đó, nếu nhu cầu đầu tư tiếp tục tăng cao, tất yếu sẽ dẫn đến vay nợ nhiều hơn và rủi ro cao hơn.

Thứ hai, dòng vốn chiếm 85-90% thanh khoản thị trường là của các nhà cá nhân nhỏ lẻ, chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh, tâm lý đám đông và đòn bẩy tài chính còn cao.

Thứ ba, tính “hai mặt” của dư nợ margin đó là có thể giúp thị trường tăng trưởng nhanh, mặt khác có thể làm gia tăng rủi ro khi thị trường điều chỉnh. Mặc dù, dư nợ margin vẫn đang trong tầm kiểm soát song nguy cơ đang lớn dần khi hệ số tổng dư nợ margin/vốn chủ sở hữu đang tăng mạnh (từ mức 93,3% quý IV/2020 lên mức 155% trong quý II/2021, nhiều công ty chứng khoán tiệm cận/vượt trần quy định); hệ số dư nợ margin/giá trị giao dịch trung bình quý II/2021 dù thấp hơn giai đoạn 2019-2020 song lại là mức cao so với nhiều TTCK thế giới (khoảng 1,5-2,5 lần, Mỹ: 1,9 lần; Trung Quốc2,1 lần...).

Quy mô thị trường trên HOSE tính đến hết ngày 31/08/2021, có 469 mã chứng khoán giao dịch trong đó gồm: 385 mã cổ phiếu, 02 mã chứng chỉ quỹ đóng, 07 mã chứng chỉ quỹ ETF, 53 mã chứng quyền có bảo đảm và 22 mã trái phiếu. Tổng khối lượng cổ phiếu đang giao dịch đạt trên 108,26 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 5,01 triệu tỷ đồng, tăng gần 1,9% so với tháng trước, đạt khoảng 79,76% GDP năm 2020 (GDP theo giá hiện hành).