Thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 9: Phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch COVID-19
Thị trường chứng khoán (TTCK) không thể đi ngược tăng trưởng kinh tế về dài hạn. Mức tăng của TTCK Việt Nam tháng 9 gần như phụ thuộc hoàn toàn vào việc tái khởi động nền kinh tế và các gói hỗ trợ phục hồi sản xuất.
Đà tăng bị cản trở bởi dịch bệnh
Tiếp nối đà hồi phục từ tuần cuối của tháng 7, TTCK Việt Nam trong tháng 8 ghi nhận mức tăng nhẹ cả về điểm số và thanh khoản. Yếu tố cản đà tăng của chỉ số VN-Index chính là diễn biến dịch COVID-19 trở nên phức tạp với số ca nhiễm, số ca tử vong tăng cao tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam.
Chính phủ chấp nhận hi sinh kinh tế, siết chặt giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg để “xanh hoá” vùng đỏ khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất lâm vào tình cảnh khó khăn, hao hụt lao động. Các chỉ kinh tế vĩ mô trong quý III sụt giảm phần nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Mức đỉnh chỉ số VN-Index ghi nhận được trong tháng 8 là vào ngày 19/8 với 1.374,85 điểm. Sau đó, 2 phiên, thị trường quay lại mốc tâm lý 1.300 điểm. Từ mốc tâm lý 1.300 điểm này, chỉ số đã hồi phục và đóng cửa phiên cuối tháng tại 1.331,47 điểm, tăng nhẹ 21,42 điểm (+1,6%) so với thời điểm cuối tháng 7.
Thị trường chung chỉ tăng nhẹ bởi dòng tiền vẫn rời nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, khi mà chỉ số VN30 vẫn giảm 1,18% (tháng 7 giảm 5,3%). Dòng tiền có xu hướng tập trung vào nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa nhỏ và trung bình. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa trung bình (VN-Midcap) lại cho thấy diễn biến tích cực vượt trội, tăng 5.74%. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu có vốn hoá nhỏ (VN-Smallcap) bứt phá với mức tăng đến 16,52%.
Tính từ đầu năm, chỉ số VN-Index và chỉ số VN30 tăng tương ứng 20,6% và 33,4%. Tăng trưởng của chỉ số VN-Midcap và VN-Smallcap mở rộng lên 32,8% và 43,7%. Như vậy, nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ chiếm ưu thế thu hút dòng tiền, trong khi nhóm VN30 đã suy yếu so với mặt bằng chung sau giai đoạn dẫn dắt từ tháng 4 năm 2021.
Trong nhóm 10 cổ phiếu gây áp lực nhiều nhất lên thị trường thì có đến 8 mã Ngân hàng là CTG, BID, TCB, VIB, ACB, STB, MBB và OCB, 2 mã còn lại là VHM và SAB. Ở chiều ngược lại, không có nhóm ngành cụ thể nào nâng đỡ cho thị trường. Thay vào đó là sự đóng góp riêng lẻ của các mã GVR, HPG, VPB, MSN, VJC, VCB, BCM, SSI, BVH và DPM.
Chờ đợi "chất xúc tác" cho thị trường
Theo ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, nếu như năm 2020 và nửa đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 là lý do để TTCK Việt Nam đi lên, thì nay lý do đó không còn phù hợp nữa. Trong bối cảnh hiện nay, chỉ kiểm soát được dịch bệnh, ổn định và phục hồi nền kinh tế mới giúp TTCK có điểm tựa để đi lên.
“Về lý thuyết, tăng trưởng kinh tế luôn luôn đi chung với TTCK, hoặc có nhiều quan điểm cho rằng chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế. Do đó, chứng khoán đi ngược tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn là có thể, giống như năm ngoái, khi lượng nhà đầu tư mới (F0) tăng kỷ lục, là bệ đỡ cho thị trường. Nhưng chứng khoán đi ngược kinh tế trong một thời gian dài thì nó giống như 1 sợi dây bị kéo căng 2 đầu, ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm, có thể đứt gãy hoặc gây tổn thương cho 1 trong 2 bên”, ông Phan Dũng Khánh phân tích.
Theo nhận định của SSI Research, triển vọng TTCK Việt Nam trong ngắn hạn hiện đang ở trạng thái chưa được xác định rõ ràng, do vẫn chưa có thể đánh giá hết những ảnh hưởng về mặt kinh tế của làn sóng COVID-19 lần thứ 4 cũng như thời điểm chính thức TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có thể quay trở lại các hoạt động giao thương bình thường.
Kỳ vọng nới lỏng giãn cách thận trọng có thể diễn ra từ quý IV/2021, cùng các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ sẽ kích hoạt một quá trình hồi phục kinh tế mới. Chất xúc tác cho thị TTCK nằm ở các chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khoá mở rộng còn dư địa, cũng như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh. Các chuyên gia phân tích thị trường của SSI Research đã đưa ra 2 kịch bản đối với TTCK trong tháng 9.
Kịch bản thứ nhất với kỳ vọng thị trường khả quan, khi định hướng và lộ trình mở cửa lại nền kinh tế được cụ thể hóa, tâm lý nhà đầu tư lạc quan. Nhịp điều chỉnh được xác nhận kết thúc khi chỉ số VN-Index phá vỡ thành công kháng cự 1.350 điểm đi cùng với khối lượng lớn, khi đó mục tiêu gần của chỉ số là khu vực 1.380 điểm. Tín hiệu để kịch bản này diễn ra là chỉ số VN30 hoặc phần lớn các cổ phiếu vốn hóa trụ cột thu hút dòng tiền trở lại sau các tín hiệu cân bằng trong những phiên gần đây
Trong khi đó, kịch bản thứ hai mang tâm lý thận trọng hơn, với lo ngại lộ trình mở cửa lại nền kinh tế không như dự kiến sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư do rủi ro triển vọng tăng trưởng lợi nhuận kém kéo dài. Chỉ số VN-Index có thể quay lại với trạng thái điều chỉnh, trước khi tìm kiếm điểm cân bằng tại vùng hỗ trợ 1.300 - 1.285 điểm rồi mới hồi phục trở lại.