Thị trường chứng khoán năm 2013: Kỳ vọng từ những giải pháp đồng bộ (*)

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

(Tài chính) Bước sang năm 2013, kinh tế thế giới và trong nước được dự báo vẫn còn đối mặt với những khó khăn, thách thức song cũng xuất hiện không ít điều kiện thuận lợi. Nằm trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn sẽ có nhiều cơ hội để phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Những yếu tố tác động

6 thuận lợi

Tình hình kinh tế trong nước năm 2013 được sẽ có những yếu tố thuận lợi, đó là:

Thứ nhất, Chính phủ tiếp tục tích cực triển khai các biện pháp để tái cấu trúc nền kinh tế khi các đề án về tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), hệ thống ngân hàng và TTCK đã được ban hành. Đồng thời, Chính phủ cũng tiếp tục thực hiện các chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2013 cao hơn so với mức tăng trưởng năm 2012.

Thứ hai, Chính phủ đã và đang chỉ đạo triển khai các giải pháp tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, xử lý các vấn đề về nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản, tăng trưởng tín dụng và mặt bằng lãi suất.

Thứ ba, điều kiện kinh tế trong nước đã có những cải thiện nhất định khi lạm phát từng bước được kiềm chế (chỉ số CPI năm 2012 đã giảm xuống 6,81%); cán cân thương mại cải thiện mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm dần, tỷ giá được duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối tăng…

Thứ tư, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường thông qua các giải pháp về thuế, phí, hỗ trợ tài chính, chi tiêu ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản. Đặc biệt, các giải pháp tái cấu trúc DNNN sẽ tạo ra những tác động tích cực cho cộng đồng DN cả nền kinh tế.

Thứ năm, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm dần mặt bằng lãi suất, triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất….

Thứ sáu, khung pháp lý cho thị trường và cho công tác tái cấu trúc thị trường, đặc biệt là tái cấu trúc cho các công ty chứng khoán về cơ bản được hoàn thiện nên đây cũng là tiền đề rất quan trong để thúc đẩy TTCK trong thời gian tới.

5 khó khăn

Thứ nhất, tình hình kinh tế, tài chính thế giới dự báo trong năm 2013 còn có nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro và tốc độ tăng trưởng toàn cầu khó phục hồi. Nhiều nhà phân tích và tổ chức quốc tế đã tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng các nền kinh tế lớn như Mỹ, khu vực Eurozone, Trung Quốc, Nhật Bản.

Thứ hai, trong nước, chính sách kinh tế phải thực hiện dồng thời mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đề phòng lạm phát tăng cao trở lại và vẫn bảo đảm tăng trưởng cao hon so với năm 2012.

Thứ ba, sức cầu trong nước còn yếu, khả năng cạnh tranh, hiệu quả của nền kinh tế còn thấp.

Thứ tư, việc xử lý nợ xấu ngân hàng và tái cấu trúc DNNN là vấn đề lớn và không thể xử lý ngay trong ngày một ngày hai.

Thứ năm, ngân sách nhà nước sẽ còn có nhiều khó khăn, yêu cầu chi cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô tăng nhưng nguồn thu có nhiều khó khăn.

Giải pháp thực hiện năm 2013

Để tiếp tục thúc đẩy TTCK phát triển đồng thời triển khai tái cấu trúc thị trường một cách hiệu quả, bảo đảm vận hành một cách ổn định, lành mạnh trong thời gian tới, cần có các giải pháp vừa cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn và triển khai công tác tái cấu trúc thị trường, vừa tổng thể nhằm bám sát chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020 với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành, đặc biệt giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Về các giải pháp vĩ mô

Theo đó, tiếp tục bám sát triển khai và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Chính phủ nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát ở mức thấp và duy trì tăng trưởng cao hơn năm 2012. Ngoài ra, tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm tái cấu trúc nền kinh tế theo các đề án, chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về các giải pháp về tín dụng, tiền tệ, thuế

Theo đó, xây dựng và triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả bảo đảm điều hành lãi suất và tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vi mô. Ngoài ra, nâng cao khả năng quản trị rủi ro trong một loạt ngân hàng dựa trên yêu cầu về chỉ tiêu an toàn tài chính để có tín hiệu về tín dụng cho lĩnh vực chứng khoán nhằm thúc đẩy TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn. Bên cạnh đó, từng bước giảm dần mặt bằng lãi suất và tháo gỡ để DN tiếp cận được vốn.

Về các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho TTCK

Theo đó cần thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, không đưa chứng khoán vào nhóm phi sản xuất để thể hiện quan điểm nhìn nhận TTCK đúng bản chất hơn và thể hiện sự quan tâm hơn đến TTCK.

Thứ hai, tháo gỡ khó khăn cho DN. Theo đó, xem xét tháo gỡ khó khăn cho việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá trên cơ sở ý kiến của Đại hội dồng cổ đông về giá phát hành dưới mệnh giá, đồng thời DN vẫn phải tuân thủ các điều kiện phát hành ra công chúng và một số điều kiện quy định khác. Tháo gỡ cho DN trong vấn đề huy động vốn qua phát hành trái phiếu; sớm xây dựng tổ chức định mức tín nhiệm, triển khai sản phẩm quỹ hưu trí và các sản phẩm mới về trái phiếu...

Thứ ba, giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, xem lại khái niệm nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài theo hướng khuyến khích hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài; Trước mắt kiến nghị cho phép thí điểm một số loại hình công ty niêm yết cho phép NĐT chiến lược nước ngoài nắm giữ cổ phiếu không có quyền biểu quyết vượt tỷ lệ trên 49%, ngoại trừ đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Thí điểm thực hiện phân loại danh mục ngành nghề đối với một số loại hình công ty niêm yết, trên cơ sở đó cho phép NĐT tổ chức nước ngoài sở hữu trên 49%, tập trung đối với các DN trong các nhành nghề ko cần nắm giữ theo quy định hiện hành; Xem xét cho phép NĐT nước ngoài sơ hữu trên 49% đến 100% trong các tổ chức kinh doanh chứng khoán; Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng ko thực sự cần thiết nắm giữ…

Thứ tư, giải pháp về thuế. Theo đó, kiến nghị Chính phủ trình quốc hội tiếp tục kéo dài việc miễn giảm về thuế đối với lĩnh vực chứng khoán và TTCK quy định tại Nghị quyết số 08/2011/QH13 ngày 06/08/2011 của Quốc hội về việc bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn và cá nhân áp dụng cho năm 2013; Kiến nghị ưu đãi thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư mới (quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản), công ty đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí tự nguyện nhằm phát triển loại hình đầu tư có tổ chức, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ năm, giải pháp về thanh khoản. Trên cơ sở thông lệ quốc tế khi điều kiện thị trường khó khăn thì tỷ lệ cho vay ký quỹ cũng được nới, do vậy sẽ xem xét nới tỷ lệ margin lên 50/50; Sớm thực hiện mở rộng biên độ giao dịch trên 2 sàn nhằm tạo tâm lý thuận lợi và góp phần tăng thanh khoản…

Thứ sáu, giải pháp về cổ phần hóa. Theo đó, tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa, tạo điều kiện cho NĐT tổ chức có nhu cầu đầu tư lâu dài; xây dựng cơ chế chào bán theo nhiều phương thức linh hoạt. Xây dựng lộ trình kế hoạch cụ thể, công bố công khai.

Thứ bảy, triển khai các sản phẩm mới nhằm thu hút NĐT. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về thuế, hệ thống giao dịch chế độ tài chính, kế toán nhằm thúc đẩy các loại hình quỹ mới như quỹ mở, quỹ ETF, quỹ bất động sản, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí nhằm thu hút đầu tư và tăng thanh khoản, tăng sức cầu.

Thứ tám, tăng cường và nâng cao công tác kế toán và kiểm toán. Theo đó, triển khai việc áp dụng 37 chuẩn mực kế toán trong năm 2013; Áp dụng các quy định mới về xử lý chênh lệch tỷ giá, xây dựng cơ chế trích lập dự phòng; Hoàn thiện các quy định về kế toán đối với quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, DN niêm yết.

(*) Tít bài do FinancePlus.vn đặt. Bài viết được trích từ tham luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển Thị trường chứng khoán năm 2013