Thị trường chứng khoán năm 2014 và định hướng năm 2015

PV.

(Tài chính) Thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2014 đã có những bước phát triển nổi bật với giá trị vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt khoảng 31,48% GDP. Phát huy những thành công trong năm 2014, Bộ Tài chính đã đưa ra định hướng phát triển thị trường chứng khoán trong năm 2015.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2014 đã có những bước phát triển nổi bật với giá trị vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt khoảng 31,48% GDP. Nguồn: internet
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2014 đã có những bước phát triển nổi bật với giá trị vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt khoảng 31,48% GDP. Nguồn: internet

Nhìn lại thị trường năm 2014

Về cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản, cơ chế chính sách tiếp tục được hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thị trường đồng thời tăng cường công tác quản lý, giám sát TTCK. Trong năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư và UBCKNN đã ban hành các Quyết định hướng dẫn về chế độ quản lý giám sát và chế độ thu, sử dụng phí trên thị trường chứng khoán. Hiện tại, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của TTCK tương đối đồng bộ, thị trường vận hành trên nguyên tắc công khai minh bạch, tạo niềm tin cho các chủ thể tham gia trên thị trường.

Đến cuối tháng 12/2014, có 673 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên thị trường chứng khoán với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 425.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2013. Giá trị vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt khoảng 31,48% GDP. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết trong 9 tháng đầu năm 2014 có cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2013, có 87% công ty niêm yết hoạt động có lãi, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2013; tổng lợi nhuận sau thuế của toàn bộ công ty niêm yết trong 9 tháng đầu năm 2014 tăng 6,1%. Số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,37 triệu tài khoản, tăng 6% so với cuối năm 2013. Trong 11 tháng đầu năm 2014, dòng vốn nước ngoài vào thuần đạt 9,3 triệu USD so với dòng vốn vào thuần âm (-11,4 triệu USD) năm 2013. Giá trị giao dịch bình quân của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ là 2.969 tỷ đồng/phiên tăng 116% so với năm 2013. Giá trị giao dịch bình quân của trái phiếu là 2.531 tỷ đồng/phiên tăng 93% so với năm 2013.

Tính đến cuối năm 2014 có 43 công ty quản lý quỹ (trong đó 21 văn phòng đại diện công ty quản lý quỹ nước ngoài), 85 công ty chứng khoán, 26 quỹ đầu tư hoạt động trên TTCK; tổng giá trị huy động của các quỹ đầu tư chứng khoán năm 2014 đạt hơn 7.000 tỷ đồng; tổng giá trị danh mục quản lý của các công ty quản lý quỹ đạt 4,4 tỷ USD. Các công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ, Quỹ đầu tư chứng khoán trên thị trường đã thực hiện hầu hết các dịch vụ được Luật Chứng khoán cho phép.

Trong năm 2014, các tổ chức kinh doanh chứng khoán tiếp tục được tái cơ cấu, hợp nhất, sát nhập để tăng năng lực hoạt động, tăng quy mô vốn, quản trị doanh nghiệp và khả năng kiểm soát rủi ro. Hoạt động tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán được thực hiện theo lộ trình, không làm xáo trộn thị trường và tuân thủ quy định của pháp luật. Thông qua tái cấu trúc đã giảm số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, số lượng công ty chứng khoán giảm từ 105 xuống 85 công ty, số lượng công ty quản lý quỹ giảm từ 49 xuống 43 công ty; thay thế các quỹ đầu tư hoạt động theo dạng quỹ đóng, quỹ thành viên bằng các quỹ mở hoạt động linh hoạt hơn và có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn. 

Định hướng phát triển năm 2015

Để thị trường chứng khoán phát triển hơn nữa trong năm tiếp theo, Bộ Tài chính định hướng tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống khung pháp lý cho hoạt động của thị trường chứng khoán để thúc đẩy sự phát triển của thị trường, tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát đối với các hoạt động trên thị trường, đảm bảo an toàn của thị trường, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Trong đó trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị định về thị trường chứng khoán phái sinh, Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán và Nghị định sửa đổi Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và  Quyết định về thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Năm 2015 cũng thực hiện tổng kết, đánh giá để chuẩn bị cho việc xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán thế hệ 2 trong giai đoạn 2016-2020.

Thực hiện hiện đại hóa tổ chức của TTCK bằng việc hợp nhất các Sở GDCK và phát triển, phân định các khu vực thị trường: cổ phiếu, trái phiếu và hình thành thị trường sản phẩm phái sinh để nâng cao vị thế của Sở GDCKVN trong khu vực ASEAN. Xây dựng và triển khai mô hình đối tác thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) và hệ thống vay và cho vay chứng khoán (SBL); xây dựng và triển khai Đề án kết nối hệ thống thanh toán bù trừ và quyết toán chứng khoán với hệ thống thanh toán liên ngân hàng. Triển khai gói thầu công nghệ thông tin đối với thị trường chứng khoán nhằm phục vụ hoạt động giao dịch, thanh toán bù trừ, quản lý giám sát thị trường.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm góp phần tạo lập thị trường hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Về quản lý, phát triển các định chế trung gian hoạt động trên thị trường:  Thực hiện các giải pháp tái cấu trúc hoạt động của các định chế trung gian trên TTCK như: hợp nhất, giải thể, phá sản các CTCK yếu kém, thua lỗ dựa trên nền tảng các chỉ tiêu an toàn tài chính. Xem xét nâng cao tiêu chí thành viên của Sở GDCK nhằm xử lý những CTCK yếu kém, mở rộng tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK theo lộ trình cam kết trong WTO phù hợp với điều kiện thực tế và chính sách phát triển TTCK.