Thị trường chứng khoán trong nước tuần 8/5-12/5 tiếp tục đi ngang

Minh Lâm

Xu thế đi ngang kéo dài từ đầu năm 2023 của VN-Index hiện vẫn đang được duy trì, kèm theo các diễn biến rung lắc quanh vùng hỗ trợ gần là 1.040 – 1.034 điểm, trong khi kháng cự gần là 1.050 – 1.052 điểm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn chưa có xu hướng rõ ràng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn chưa có xu hướng rõ ràng.

Đồng pha với diễn biến thị trường thế giới, tuần qua VN-Index giảm điểm sâu tại phiên mở cửa sau kỳ nghỉ lễ kéo dài. Tâm lý nhà đầu tư chịu ảnh hưởng một phần bởi các thông tin vĩ mô kém tích cực, đặc biệt tâm lý lo ngại khủng hoảng ngành ngân hàng lấn át thị trường, có thể gây ra hiệu ứng domino tới toàn nền kinh tế.

Các chỉ số thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua ghi nhận 4 phiên giảm điểm liên tiếp với mức giảm từ 1,5% đến 2,5%. Quyết định tăng lãi suất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và lo ngại khủng hoảng ngành Ngân hàng đã ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường. Các thị trường chứng khoán châu Âu cũng giảm khá mạnh, chỉ số EU600 giảm 1,3% và các thị trường chứng khoán Pháp, Anh giảm 1,5%.

Trong nước, VN-Index tuần qua suy yếu trước áp lực bán mạnh của khối ngoại (bán ròng 16 triệu USD phiên 4/5 và 7 triệu USD phiên 5/5), chủ yếu ở STB (-2,73 triệu USD) và CTG (-2,57 triệu USD). Các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam cũng ghi nhận mức rút ròng 173 tỷ đồng, tập trung toàn bộ ở quỹ ngoại.

Tại 2 phiên giao dịch trong tuần, VN-Index giảm 0,8% với 54% mã cổ phiếu màu đỏ và 10/19 ngành giảm điểm.

Mặc dù mùa kết quả kinh doanh quý I/2023 kém tích cực đã được dự báo từ trước, áp lực vẫn tác động ít nhiều tới thị trường. Cụ thể, theo thống kê tính đến ngày 4/5, lợi nhuận toàn thị trường giảm khoảng 17,5% so với cùng kỳ (quý IV/2022 lợi nhuận toàn thị trường giảm 31%).

Lợi nhuận sụt giảm kéo mặt bằng định giá của thị trường tăng nhẹ, P/E của chỉ số Vn-Index hiện ở mức 12,3 lần, là mức hợp lý nếu so với mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hiện nay là khoảng 7,5%.

Sau khi phục hồi tốt trong nửa đầu tháng 4, thanh khoản thị trường đang giảm về mức trung bình thấp, khi xu hướng không rõ ràng và tâm lý ngại rủi ro trước biến động tăng giảm thất thường.

Thanh khoản thị trường sàn HOSE giảm 26%, tương đương giảm gần 6.900 tỷ đồng so với tuần trước đó khi xu hướng không rõ ràng và tâm lý ngại rủi ro trước biến động tăng giảm thất thường.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, trong các phiên tới, nhiều khả năng diễn biến rung lắc, giằng co có thể tiếp diễn với vùng hỗ trợ gần là 1.040 – 1.034 điểm, trong khi kháng cự gần là 1.050 – 1.052 điểm. Xu thế đi ngang kéo dài từ đầu năm 2023 của VN-Index hiện vẫn đang được duy trì.

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, diễn biến thị trường thiếu một xu hướng rõ ràng. Tuy nhiên, thời điểm này là khoảng lặng cần thiết trước khi các chính sách hỗ trợ phát huy tác dụng và khơi thông lại các nguồn lực đầu tư của xã hội.

Với diễn biến hiện tại, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, lực bán tại vùng cản 1.040 – 1.045 điểm có khả năng tiếp tục đè nén khiến VN-Index lùi dẫn về hỗ trợ quanh 1.030 điểm trong các phiên tới. Do vậy, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư cần cẩn trọng, giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý và tránh trạng thái quá mua trong tuần này.

Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), thị trường vẫn chứng kiến sự giằng co của bên mua và bên bán, cũng như tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Do đó, khả năng thị trường sẽ cần phải tích lũy thêm trước khi có xu hướng rõ ràng hơn.