Thị trường địa ốc chờ dòng vốn ngoại
Vốn FDI vào bất động sản trong 8 tháng đầu năm giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm. Ngành bất động sản không có các dự án mới quy mô lớn đổ vào như các năm trước.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong 8 tháng đạt 19,12 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Vốn FDI vào bất động sản thấp nhất trong 4 năm
Dòng vốn FDI chảy vào 18 ngành lĩnh vực tại Việt Nam. Trong đó, lượng vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản đạt 1,6 tỷ USD, giảm 1,27 tỷ USD (tương đương hơn 44%) so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khách quan làm giảm số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần là do dịch COVID-19 tại các một số quốc gia đối tác vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nước trên thế giới vẫn duy trì biện pháp hạn chế dịch chuyển...
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cho rằng, vốn FDI vào bất động sản giảm trong thời gian qua chỉ là tạm thời. Thực tế vẫn có những phân khúc duy trì được sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam cho biết, tính theo khu vực, phía Bắc nhận được phần lớn các khoản đầu tư mới đăng ký vào lĩnh vực sản xuất lên đến 1,97 tỷ USD, chiếm 64% thị phần. Khu vực phía Nam đứng thứ hai với 728 triệu USD, chiếm 23% và sau cùng là khu vực miền Trung với 395 triệu USD, chiếm khoảng 13%.
Nhận định về triển vọng thu hút vốn FDI vào bất động sản trong các tháng cuối năm, ông John Campbell cho rằng, bên cạnh những lợi thế lớn về môi trường đầu tư thì việc không chế dịch bệnh và cải thiện các yếu tố như cơ sở hạ tầng đường sá, hải cảng, hệ thống đường sắt,... sẽ quyết định dòng vốn FDI vào bất động sản.
Khối ngoại dẫn đầu các thương vụ lớn
Theo bà Lê Phương Lan, Trưởng bộ phận tư vấn đầu tư Savills Hà Nội, trong thời gian đại dịch bùng phát, các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… dẫn đầu về giá trị giao dịch với những thương vụ M&A bất động sản lên tới con số tỷ USD, trong khi xét về số lượng giao dịch, các nhà đầu tư trong nước lại gây ấn tượng hơn.
Cũng theo bà Lan, làn sóng M&A trong lĩnh vực bất động sản tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây với 2 nhánh chính là M&A dự án giữa các doanh nghiệp trong nước và M&A của các nhà đầu tư nước ngoài với dự án bất động sản trong nước.
"Đặc biệt, trong trong thời gian đại dịch COVID-19 vừa qua, các thương vụ M&A thành công đứng về số lượng lại là của các nhà đầu tư trong nước, tiếp đến là các nhà đầu tư nước ngoài đã hiện diện và hoạt động tại thị trường Việt Nam" - bà Lan nhận định.
Các phân khúc đang được các doanh nghiệp ngoại quan tâm và nhắm tới, theo Savills Việt Nam, dẫn đầu là nhà ở đô thị, tiếp đến là khu công nghiệp và logistics, sau đó là các loại bất động sản đang vận hành gồm các tòa nhà văn phòng, mặt bằng cho thuê, trung tâm thương mại và cuối cùng là phân khúc khách sạn và nghỉ dưỡng.
Trong thực tế, theo các chuyên gia việc cập nhật thông tin về sự tham gia của khối ngoại trong hoạt động mua bán sáp nhập các dự án bất động sản hiện nay thường khá hạn chế do M&A bất động sản là việc nhạy cảm và yêu cầu tính bảo mật cao.
Bên cạnh đó, thông tin chuyển nhượng dự án thường không được công khai trên thị trường hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng, do đó quy mô của hoạt động M&A các dự án bất động sản có sự tham gia của khối ngoại có thể lớn hơn so với các số liệu công bố.
Nhìn dài hạn, bà Lan cho biết các nhà đầu tư ngoại vẫn dành sự quan tâm rất lớn đến thị trường bất động sản Việt Nam. Vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân về khó khăn trong đi lại khiến họ chưa thể thực hiện thành công thương vụ.
"Khi đại dịch qua đi, làn sóng đầu tư này sẽ gia nhập thị trường. Trong thời gian tới, các thương vụ thành công sẽ nằm tại các dự án đất sạch, pháp lý rõ ràng, các tài sản hoàn thiện đang hoạt động" - bà Lan khẳng định.